Khi thông tin HLV Hoàng Văn Phúc sẽ là ứng viên số một cho chiếc ghế HLV trưởng tạm quyền ĐT Việt Nam bị (hay được) “xì” ra, và bị Tổng cục TDTT phê bình; người của VFF đã rất nhanh nhảu đính chính, rằng ông Phúc chỉ là một khả năng, chứ không phải đã chắc chắn được chọn.
Tại sao VFF vẫn giữ quan điểm làm việc thiếu nhất quán và thiếu minh bạch như thế, khi chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG phải là công đoạn chọn lọc có căn cơ? Trước khi có quyết định bổ nhiệm chính thức HLV Phan Thanh Hùng ngồi vào ghế HLV trưởng các ĐTQG (giai đoạn 2012 – 2013), còn ít nhất 2 đồng nghiệp của ông Hùng cũng được khoanh vùng là Nguyễn Hữu Thắng (SLNA) và Lê Huỳnh Đức (SHB.ĐN).
HLV Hoàng Văn Phúc nếu có được chọn lên ĐT Việt Nam theo kiểu thế này cũng không thoải mái
Bằng cách nào đó, thông tin về những ứng viên này được phát đi, để dư luận tha hồ bàn cãi, đánh giá, với rất nhiều ý kiến khen chê, khiến người trong cuộc bức bối phải lên tiếng, đăng đàn và nói lại cho rõ rằng: “Chúng tôi chưa nhận được lời mời chính thức từ VFF”.
“Bổn cũ soạn lại” và giờ đến lượt ông Hoàng Văn Phúc trở thành nạn nhân. Khoan nói chuyện chuyên môn của vị HLV họ Hoàng, vấn đề đặt ra ở đây là, phải chăng VFF không mấy tự tin vào năng lực kiểm định của mình, để phải nhờ dư luận thẩm định hay người trong cuộc lên tiếng xin xin ứng cử hoặc từ chối?
Cách làm việc như thế là không sòng phẳng với nhau và với chính công việc của những bộ phận chịu trách nhiệm trong việc tìm HLV trưởng, từ đầu não VFF, đến Phòng Các ĐTQG, Hội đồng HLV QG và ông TTK Ngô Lê Bằng…
Trên thực tế, các đợt tuyển HLV trưởng ĐTQG (dù chỉ là tạm quyền) từ trước đến nay hình như đều chưa có sự phối hợp đồng bộ, ngay từ nội bộ VFF. Trong khi Hội đồng HLV QG luôn cho rằng, họ không được VFF tham khảo hay hỏi ý kiến, thì trăm dâu đổ đầu tằm, các ông TTK VFF luôn phải đưa đầu chịu báng với sự thành bại của vị tân HLV trưởng hay đội bóng. Hãy thành thật với nhau về một (hay vài) cái tên được nhắm cho chiếc ghế nóng, bàn luận, rồi đề xuất lên Tổng cục TDTT thay vì đợi báo chí, dư luận chọn hộ.
Cũng cần nhớ rằng, vì không còn lựa chọn khả dĩ hơn, VFF mới chấp nhận phương án để ông Hùng kiêm nhiệm, rồi sau thất bại của ĐT Việt Nam ở AFF Cup 2012, chính quan chức VFF lại cho rằng đó là nguyên nhân sâu xa và “chúng tôi nhận khuyết điểm”.
Có thể thấy ngay cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, nếu VFF tiếp tục “gả gán” chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG, cho những HLV được xem là “người nhà” và “dễ bảo”. Trên thực tế, việc thành lập cấp tập ĐT U22 QG để tham dự BTV Cup 2012 là một phép tính xa cho SEA Games 27 vào năm sau, với người chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc thành lập BHL là đương kim HLV trưởng ĐT Việt Nam lúc đó, ông Phan Thanh Hùng. Và cũng như chuyện nhân sự trên bình diện ĐT Việt Nam, ông Hùng chọn những người mà ông có thể tin tưởng.
Thế nên, sẽ không phải thắc mắc tại sao HLV Hoàng Văn Phúc lại được dựng lên như một ứng viên hàng đầu vào thời điểm này. Trong sự nghiệp, ông Phúc cũng từng nắm các ĐT “U” QG, từng giúp Trẻ HN.T&T giành vé lên V-League (nhưng cuối cùng lại xin được ở lại tiếp tục đá hạng Nhất 2013) và là cựu HLV trưởng ĐT U22 QG vừa đoạt ngôi á quân Giải bóng đá quốc tế BTV Cup 2012… Thế cũng không xoàng! Nhưng nếu ông được chọn làm HLV trưởng ĐT Việt Nam theo kiểu này thì có thoải mái toàn tâm làm việc không, dù chỉ là tạm quyền?!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)