Cuộc khủng hoảng tài chính ảnh hưởng tới đời sống bóng đá Việt Nam và cầu thủ là những người chịu hậu quả nặng nề.
Ở thời kỳ bóng đá Việt Nam phát triển nóng, ngôi sao số một Công Vinh từng là tiêu điểm của cuộc tranh chấp chuyển nhượng giữa hai ông bầu quyền lực, bầu Kiên và bầu Hiển. Theo thông tin hậu trường, tiền đạo người Nghệ An được trả lót tay 13 tỷ đồng cùng mức lương tháng 60 triệu đồng để đến CLB của bầu Kiên. Cũng thời điểm đó, SLNA từng phải lo giữ chân tài năng trẻ Trọng Hoàng trước sự nhòm ngó của các CLB giàu có khác, dù anh này còn hợp đồng với đội bóng gần hai năm. Những hợp đồng chuyển nhượng tiền tỷ của cầu thủ Việt diễn ra như cơm bữa. Thậm chí, cầu thủ ít giá trị sử dụng như Văn Quyến cũng đàng hoàng nhận lương 30 triệu đồng ở Nghệ An.
Lúc này, nhu cầu tăng trong khi nguồn cung có hạn, cầu thủ Việt tha hồ hét giá, làm mình làm mẩy khiến các ông bầu khổ sở. Bầu Đức từng phải thốt lên "cầu thủ bây giờ càng lớn càng mất dạy" khi nói về một vụ chuyển nhượng cầu thủ ở V-League.
Văn Quyến buộc phải giảm lương để hy vọng có chỗ ở SLNA
Tuy vậy, bóng đá Việt Nam đang thay đổi đến chóng mặt. Một ngôi sao có giá chuyển nhượng tới cả chục tỷ đồng, mức lương 50-60 triệu hàng tháng, lại đang có nguy cơ thất nghiệp. Từng vung tiền quá tay, các ông bầu chính là những người đầu tiên phải nhận hậu quả do cách làm thiếu chuyên nghiệp của mình. Còn với các cầu thủ, do sống quen trong cảnh “nhung lụa” nên khi bị giảm hay cắt lương, đã phải kêu trời.
Trong khi VFF, VPF kêu gọi các CLB phải thắt chặt chi tiêu xuống mức tối đa để vượt qua giai đoạn khó khăn, thì đây chính là cơ hội để bóng đá Việt Nam trở lại với giá trị thực. Song, quá trình này chẳng phải diễn ra theo kiểu một sớm một chiều. Trong cảnh hỗn loạn ấy, là vô số chuyện bi hài liên quan đến những vụ ép giá nhau giữa đội bóng với cầu thủ và ngược lại.
Mới đây, đội bóng SLNA đã lên danh sách thanh lý hàng loạt các cầu thủ, chỉ giữ lại 1-2 trụ cột. Dù biết khó khăn kinh tế nhưng cách làm của SLNA có phần "cạn tình" bởi bản thân các cầu thủ không ít người chấp nhận mức lương thấp nhưng vẫn cống hiến cho đội bóng quê hương, nhưng họ không được đồng ý ở lại. Trong số những người bị lên danh sách phải ra đi, có những cái tên từng là biểu tượng và trụ cột của bóng đá xứ Nghệ như Văn Quyến, Ngọc Anh và ngay cả Huy Hoàng. Đây là kế hoạch sớm được dự báo khi phía nhà tài trợ và lãnh đạo đội bóng đang làm mọi cách để thắt chặt chi tiêu, thậm chí lần đầu tiên SLNA chỉ đặt mục tiêu trụ hạng. Tuy nhiên, việc SLNA bất chấp tất cả, tuyên bố sẽ cho hàng loạt cầu thủ ra đi, trong đó đáng chú ý là vụ đưa ra lời nghi ngờ về những “biểu hiện lạ” của thủ môn Viết Nam trong trận thua 0-4 trước Đà Nẵng ở mùa giải 2012, khiến thủ môn này bức xúc.
Chưa có bất cứ quyết định thanh lý nào, nhưng hiệu quả từ những kế hoạch mang tính mạnh tay của SLNA đem tới hiệu quả rõ rệt. Văn Quyến sau khi bị đề nghị thanh lý hợp đồng, có thể sẽ phải chấp nhận giảm lương đáng kể để được ở lại, dù chỉ là ngồi ghế dự bị. Trong khi đó, những cầu thủ khác, trong đó có cả trung vệ kỳ cựu Huy Hoàng, cũng bị yêu cầu giảm lương nếu không sẽ bị thanh lý để giảm gánh nặng tiền lương. Ở một khía cạnh nào đó, lãnh đạo CLB mong muốn các cầu thủ cùng chia sẻ gánh nặng, nhưng cũng đã gián tiếp ép giá cầu thủ, trên tinh thần không giữ chân bằng mọi giá.
Thời buổi kinh tế khó khăn, SLNA không phải là đội duy nhất phải tiến hành biện pháp ép giá nhằm có đủ kinh phí để duy trì hoạt động của đội bóng. Đội giàu như Hà Nội T&T, cũng đã thanh lý công thần Cristiano và rao bán Samson. Với động thái này, những ngoại binh đang muốn yêu cầu tăng lương, sẽ phải thay đổi ý nghĩ bởi trong hoàn cảnh hiện tại, các thỏa hiệp về tài chính với lãnh đạo đội bóng là rất khó.
Người láng giềng của Hà Nội T&T là CLB Hà Nội lại đang rơi vào cảnh chưa biết số phận của mình thế nào. Tuy nhiên chắc chắn nếu được giải cứu, thì những ngôi sao như Thành Lương, Công Vinh sẽ được yêu cầu giảm lương đầu tiên. Trong trường hợp các cầu thủ này không chấp nhận và tìm đội bóng mới, họ sẽ phải chấp nhận đền bù với những cái giá không hề dễ chịu.
Ở đội tuyển hiện tại, tiền đạo Quang Hải đang rơi vào tình cảnh éo le, khi vẫn chưa biết rõ tương lai của mình ở CLB như nào. Các đồng đội như Tài Em, Việt Cường đều được nhận về Sài Gòn Xuân Thành, còn mình thì chưa thấy bầu Thụy nói gì. Có thể bầu Thụy chờ cho Quang Hải hoàn thành nhiệm vụ trên tuyển trở về mới nói chuyện, nhưng cũng rất có thể ông bầu này đang gây sức ép, thể hiện sự bất cần và sẵn sàng nhả để Quang Hải ra đi. Còn muốn ở lại, Quang Hải sẽ phải chấp nhận một mức lương vừa phải, nếu không muốn nói là thấp.
Vụ đình công ồn ào tốn nhiều giấy mực của các cầu thủ Ninh Bình vừa qua cũng được xem là một trong những kế hoạch của cả hai bên trong việc ép giá nhau. Cầu thủ đã nói rõ quan điểm dứt khoát của mình về chuyện lương và sẵn sàng bỏ tập nếu không được thanh toán đầy đủ. Trong khi đó bầu Trường cũng tạo ra sức ép ngược trở lại khi khẳng định có thể sẽ giải tán đội bóng. Cuối cùng thì hai bên đã phải “mặc cả” nhau trong một cuộc họp bi hài nhất từ trước tới nay, chung quy lại cũng vì tài chính.
Rất nhiều CLB có những hành động mạnh tay, dọa có, làm thật có, với mục đích ép giá cầu thủ. Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, hầu hết cầu thủ đều chấp nhận chia sẻ gánh nặng với CLB, nhưng cũng ở nhiều CLB, cầu thủ tỏ thái độ ra mặt, gây sức ép ngược trở lại. Bóng đá Việt Nam đang dần trở lại giá trị thực và chính các đội bóng và các cầu thủ là những người tự ý thức được việc này.
(Theo Vnexpress)