Khi hàng loạt CLB trên khắp cả 3 miền Bắc, Trung, Nam tuyên bố giải thể đội bóng, cuộc đời trở nên xám xịt với những người đã trót dấn thân theo nghiệp quần đùi áo số. Càng ngày đội ngũ cầu thủ thất nghiệp càng đông đảo và câu chuyện “hậu bóng đá” đang ám ảnh không ít người.
Từ cuối mùa giải trước, khi “ngửi” thấy mùi lãnh đạo tính bán tháo CLB, không ít cầu thủ N.SG phải tự thân vận động cho mình theo kiểu “hậu trường”. Một số ít người chạy vạy tìm chỗ quen để nhờ vả. Chỗ quen thân đó là những đội bóng cũ, nơi mà chỉ vài mùa bóng trước, họ đã thành danh nhưng không chối bỏ được sức hút của tiền bạc lẫn lời hứa danh hiệu ở xứ Sài thành hoa lệ. Dù có phải muối mặt vì lẽ ra “bước chân đi cấm kỳ trở lại” nhưng dẫu sao thà chịu mang tiếng còn hơn đói toàn tập.
Số phận nghiệt ngã của N.SG chính là một biểu hiện cho sự xì hơi của “bong bóng” V-League
Cuộc đời không ai học được chữ ngờ. Và bản thân không ít cầu thủ cũng chưa hiểu tại sao cái nghiệp được ví von là “hái ra tiền” chỉ rất gần đây thôi bỗng chốc lại xuống dốc nhanh đến thế. Chính bởi thế nên khi làm ra rất nhiều tiền, không ít cầu thủ có thói quen tiêu xài không tiếc tay. Để rồi một ngày nghe sét đánh ngang tai, CLB giải thể, từ cầu thủ tỷ phú bỗng chốc thất nghiệp và ra đường. Rất sốc!
Càng khó tin hơn khi nhiều cầu thủ lâm vào cảnh nợ nần sau những cuộc vui không tiếc tay thời còn hái ra tiền. Không những phải cầm hoặc bán phương tiện di chuyển, vài cầu thủ còn phải chạy vạy mượn người thân quen tiền để tiêu vặt. Và bi thảm hơn, người viết đã tiếp xúc với một “nạn nhân” của cầu thủ. Lợi dụng uy tín để vay tiền, sau khi CLB giải thể, cầu thủ này cũng bặt tăm để người cho vay bị một cú đau điếng. Rất may, số tiền mất đi cũng không đáng kể.
Người dân ở TP.HCM bây giờ ai cũng hiểu với nhau rằng, chỉ có thần tiên mới cứu nổi số phận của N.SG. Sau khi SG.XT rút ruột được 7 cầu thủ được đánh giá chất lượng nhất, đồng nghĩa với việc N.SG chỉ còn như một cái xác không hồn. Cầu thủ đội bóng này đã tháo chạy từ trước đó rất lâu.
Tương tự, đội bóng đã xuống hạng Nhì TP.HCM cũng gần như thanh lý cả đội. Cộng với số cầu thủ không được gia hạn hợp đồng từ khắp nơi thì để kiếm được một chỗ dung thân thời “gạo châu củi quế” bấy giờ là điều rất khó khả thi.
Những CLB được xem là có tương lai như ĐT.LA hay K.KG từ nhiều tháng qua liên tục “đắt sô” cầu thủ đến thử việc. Có thời điểm quân số của CLB lên đến chừng 40 con người là chuyện thường. Và khi “cung” lớn hơn “cầu” thì các CLB cũng có quyền chọn người đến thử, bởi lẽ, chi phí tiền cơm nước để đãi ngộ cầu thủ đến thử việc cũng là chuyện phải cân nhắc. Những cầu thủ nào được chọn để thử việc cũng phải trải qua một cuộc cạnh tranh trầy trật, nhưng kết quả thì “hạ hồi phân giải”.
Sẽ có không ít câu chuyện bi hài trong thời gian tới mà nạn nhân là cầu thủ, đó là khi mùa bóng sắp sửa khởi tranh nhưng CLB vẫn thờ ơ với họ. Nhưng lúc cả làng ôm bụng thì cầu thủ cũng phải nhắm mắt đánh cược với số phận mình. Họ cũng không biết đi đâu khi các CLB khác đều lắc đầu, vì ít ra, được giữ lại thử việc cũng có thêm chút niềm tin cho tương lai.
Số phận nghiệt ngã đó cũng không buông tha cho BHL các CLB. Bao nhiêu đội bóng giải tán là gấp 4, 5 lần HLV, trợ lý thất nghiệp. Người ta sẽ thấy cám cảnh cho HLV Phạm Công Lộc, người quyết định từ giã bóng đá xứ Đồng Tháp Mười sau hơn 2 thập niên gắn bó để về Sài thành hoa lệ. Nhận mức lương trăm triệu đồng mỗi tháng nhưng chỉ được một mùa giải, ông Lộc cùng đội ngũ làm thuê của mình giờ đang đau đáu cho tương lai sẽ về đâu vì N.SG coi như chỉ còn cái xác.
Cuộc chơi bóng banh đang không chỉ khốc liệt trên sân cỏ. Chỉ vì lý do ngoài chuyên môn, bóng đá Việt Nam được trở về giá trị thực. Chưa biết có vì lý do đó không mà chuyên môn của nền bóng đá xứ sở này sẽ được nâng cao lên, nhưng điều thấy ngay trước mắt là đội quân thất nghiệp từ làng bóng banh sẽ gia tăng theo cấp số nhân từ mùa giải này, và những hệ lụy của nó cũng rất khó lường…
(Theo Thể Thao Văn Hoá)