HLV Riedl là người khai mở đường hoạn lộ cho Công Vinh, nhưng cũng chính ông khiến Công Vinh phải chịu nhiều cay đắng đến cùng cực trong giai đoạn đầu sự nghiệp.
Năm 2003, HLV Rield trở lại Việt Nam lần thứ hai để chinh phục giấc mơ Vàng SEA Games. Khi ấy, bộ đôi tiền đạo “bất khả xâm phạm” của ông là Văn Quyến – Thanh Bình.
HLV Riedl chắc chắn rất nhớ Công Vinh, cậu học trò đầy ý chí nhưng luôn nghĩ mình không được đối xử công bằng trong những năm đầu lên tuyển. Ảnh: Quốc Bảo/Zing. |
Công Vinh ban đầu không có tên dự SEA Games, nhưng nhờ HLV Hữu Thắng tin dùng ở giải đấu tập huấn JVC Cup mà anh được “vớt” suất cuối cùng lên tuyển. Ông Rield lúc bấy giờ đã tôn trọng ý kiến của trợ lý Nguyễn Thành Vinh, cũng là một người xứ Nghệ.
Gọi Công Vinh lên, nhưng trong thâm tâm, chưa bao giờ Riedl muốn khai thác hết tiềm năng của một chân sút vô danh. Cũng đúng thôi, ở SLNA, Vinh còn chưa vượt qua nổi Phan Thanh Hoàn, và ở U23, anh vẫn phải núp bóng Hoàng Phúc Lâm, tiền đạo LG.ACB.HN vốn đã yên trí vai dự bị.
SEA Games 22 ghi dấu ấn Văn Quyến, Thanh Bình với những bàn thắng để đời vào lưới Thái Lan, Indonesia hay Malaysia là các đối thủ thực sự. Công Vinh chỉ có một bàn duy nhất vào lưới của… Lào, trong bối cảnh U23 Việt Nam đã chắc suất bán kết.
Dẫu sao, đó vẫn là kỷ niệm đẹp của chàng trai quê gốc Quỳnh Lưu. Tuy chưa là gì trên tuyển, nhưng về SLNA, Công Vinh bắt đầu đổi gió. Cùng với Văn Quyến, Công Vinh đã tạo ra cặp tiền đạo nội sáng giá nhất V.League vào thời điểm đó.
Sau năm 2003, HLV Riedl rời Việt Nam sang nhận nhiệm vụ mới ở Palestine. Công Vinh được “cởi trói” thực sự dưới triều đại của Edson Tavares nhiệm kỳ 2.
Ông Tavares cũng mến mộ Văn Quyến, nhưng trái với Riedl, ông không nuông chiều Quyến bằng mọi giá. Tavares đã từng đuổi Quyến khỏi ĐTQG, nhưng Công Vinh thì có một suất chắc chắn bởi sự nghiêm túc và ý chí phấn đấu của mình.
Tiger Cup 2004, đội tuyển của Tavares thực sự là thảm hoạ khi bị loại ngay từ vòng bảng trên sân nhà, nhưng với cá nhân Công Vinh, anh đã có những thành công vượt bậc. Cùng Bảo Khanh, anh là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất cho ĐT Việt Nam (4 bàn), và sau đó đoạt Quả bóng Vàng đầu tiên trong sự nghiệp.
Công Vinh rất bén duyên với mành lưới Indonesia của ông Riedl. Ảnh: Quốc Bảo/Zing. |
Nhưng, oan trái với Công Vinh là năm 2005, ông Riedl một lần nữa làm thuyền trưởng U23 Việt Nam đến SEA Games. Và Quả bóng Vàng vẫn không nằm trong sự lựa chọn số 1 của ông.
Rield là mẫu HLV bảo thủ về mọi mặt. Từ chiến thuật đến nhân sự. Ông có một đội hình khuôn mẫu, và người dự bị chỉ có cơ hội nếu người chính thức chấn thương hay đau ốm. Công Vinh vì thế vẫn ở phía sau Văn Quyến – Thanh Bình, luôn luôn.
Phải đợi đến khi Văn Quyến dính vào phốt bán độ Bacolod, Công Vinh mới thực sự thoát ra khỏi cái bóng của đàn anh. HLV Rield cũng từ thời điểm đó mới thay đổi quan điểm, coi Vinh là tiền đạo chính thức trong mọi giải đấu.
Cho đến khi HLV Alfred Riedl chia tay Việt Nam giữa SEA Games 2007, Công Vinh đã có thêm 2 năm được ông thầy người Áo trọng dụng. Dù vậy, một người như Vinh thì chưa bao giờ quên quá khứ, những ngày tháng tủi hờn đến mức đập đầu vào tường vì phận “con ghẻ” khi đi tuyển.
Gần 10 năm đã trôi qua. Ông Riedl đã già đi quá nhiều. Công Vinh cũng đã trưởng thành như một ngôi sao sáng bậc nhất Đông Nam Á. Và mỗi lần gặp nhau, họ vẫn dành cho nhau những cái bắt tay lịch thiệp, những lời có cánh. Chỉ có điều, tuy ngay đây nhưng rất xa xôi…
AFF Cup 2014, Công Vinh đã ghi bàn vào lưới Indonesia của ông Rield tại Mỹ Đình. Năm 2016, Công Vinh cũng lặp lại điều tương tự trong trận giao hữu trước thềm giải đấu chính. Liệu đến 2 trận bán kết AFF Cup 2016, cái duyên đốt lưới ông Riedl của Công Vinh có được duy trì?
Theo Zing.vn
⇒ Bóng đá 24h cập nhật tin tức AFF CUP 2016 và lịch thi đấu AFF CUP 2016. |