Trong đời sống xã hội, dù biết hay chưa biết, chúng ta đều nhận thức và hành động theo biểu tượng. Biểu tượng có tầm ảnh hưởng rộng khắp trong mọi mặt của đời sống con người, trong bóng đá không là ngoại lệ.
1. Năm 2009, khi một thành viên của Lilama mở chiến dịch tiếp nhận Sông Lam Nghệ An, trong các điều khoản, có một chi tiết gây chú ý: Sông Lam phải giữ chân được Văn Quyến.
Văn Quyến thời điểm đó vừa được xóa án treo giò. Với tính cách trẻ con, với tư cách không ổn, vậy nhưng thành viên Lilama kia vẫn cần anh? Câu trả lời rất dễ, vì sức lan tỏa, ánh hào quang trong quá khứ của Quyến “béo” vẫn còn ghê gớm. Quyến vẫn còn một lượng cổ động viên coi như thần tượng. Họ chỉ cần thấy cậu ra sân vờn mấy pha bóng rồi thở dốc, cũng được. Thậm chí, thấy Quyến ngồi trên khán dài, cũng OK! Sài Gòn Xuân Thành nhận Quyến, cũng phù hợp với tính cách thích ánh hào quang phù phiếm của bầu Thụy. Họ thừa biết giá trị sử dụng của Quyến đã ở mức thấp nhất.
Chật vật lắm đội tuyển quốc gia mới chọn được Nguyễn Minh Đức (phải) làm đội trưởng
Sự cuồng tín của người hâm mộ dành cho thần tượng, bất chấp thần tượng của mình có lúc chẳng còn đáng để được tôn vinh thái quá như thế, lĩnh vực nào cũng có. Thấm thoát đã ba năm, người ta không còn nhận ra Văn Quyến nữa, dưới góc độ cầu thủ. SG.XT đã trả, không câu lạc bộ nào tiếp nhận Quyến. Đến SLNA cũng đang vô cùng khó xử. Họ đã bắn tiếng mở cho Quyến cánh cửa thoát hiểm, làm huấn luyện viên tuyến trẻ.
Có nghĩa, lãnh đạo câu lạc bộ này biết mình đang đánh bạc với cầu thủ trẻ. Một ông thầy tì vết, có thể đạo tạo ra cầu thủ giỏi, nhưng khó nhào nặn nên những tài năng có tâm hồn biết hướng tới chân, thiện, mỹ. Đấy là chưa kể trong suy nghĩ, họ, và cả phụ huynh, hoàn toàn có thể chỉ mặt thầy: ông không đủ tư cách để tôi tôn trọng và tin tưởng! Tiếc rằng, trong khâu đào tạo trẻ hiện nay, các câu lạc bộ vẫn còn xem nhẹ huấn luyện viên. Với họ, đơn giản các cầu thủ giải nghệ, cấp tốc bổ sung tấm bằng huấn luyện, là có thể đáp ứng yêu cầu. Thậm chí, cho làm huấn luyện viên tuyến trẻ như là đặc ân. Trường hợp Văn Quyến không là ngoại lệ.
2. Hiện nay, đi khắp mọi miền tổ quốc, bắt gặp hình ảnh các em nhỏ mặc áo quần có số, có tên của cầu thủ thế hệ bây giờ, là cực hiếm, thậm chí là không có. Điều đó nói lên, bóng đá ta đang thiếu thần tượng.
Khi ban huấn luyện và cầu thủ đội tuyển quốc gia phải họp hành, thống nhất đề nghị Minh Phương lên tuyển, có thể hiểu dụng ý ngoài việc Phương còn chơi bóng hay hơn khối “công tử” ở tuyển, họ muốn khai thác hình ảnh của anh, một chân dung ít tì vết, một tấm gương xứng đáng để các cầu thủ trẻ noi theo.
Khi Minh Phương đang suy nghĩ, rất bất ngờ, người được chọn là trung vệ Nguyễn Minh Đức, chứ không phải là Công Vinh, Thành Lương, Việt Thắng, hoặc cầu thủ nào đó sừng sỏ hơn. Đơn giản bởi ở Minh Đức cho thấy một nhân cách rất ổn, có thể tin được. Niềm tin, đấy là điều mà cả nền bóng đá Việt Nam đang trong cơn trường chinh gầy dựng trở lại, sau quá nhiều thời gian đánh mất.
3. Trong bóng đá, trở thành thần tượng đã khó, phấn đấu xây dựng nên một biểu tượng càng khó hơn. Xây dựng được càng nhiều biểu tượng, sự nghiệp phát triển câu lạc bộ chuyên nghiệp, nền bóng đá chuyên nghiệp càng thuận lợi.
Bởi ai cũng biết trong đời sống xã hội, chúng ta đều nhận thức và hành động theo biểu tượng. Biểu tượng có tầm ảnh hưởng rộng khắp trong mọi mặt của đời sống con người.
Những dư chấn và sức công phá mà biểu tượng của bóng đá Nghệ An, Huy Hoàng, gây ra trong mấy ngày qua, lớn hơn chúng ta tưởng tượng. Từ lâu, Huy Hoàng là hình mẫu cầu thủ mà nhiều phụ huynh xứ Nghệ mong mỗi con em mình noi theo: đá bóng giỏi, máu lửa và uy dũng trên sân, thành đạt về công danh. Lâu nay, Huy Hoàng đã rất khéo léo phủ lên mình một ánh hào quang để cho mọi người thấy anh xứng đáng là một biểu tượng đích thực của bóng đá Nghệ. Giờ đây biểu tượng đó đã sụp đổ. Lãnh đạo SLNA có thể cứu Hoàng khỏi hệ lụy nghiêm trọng, nhưng họ không bịt được sự thất vọng đã lan tỏa trong lòng nhiều phụ huynh và cầu thủ nhí Nghệ An. Cuộc đời Hoàng lẽ ra viên mãn, sang năm sẽ là trợ lý ban huấn luyện, rồi sẽ thành một ông thầy bóng đá. Vậy mà, cuối sự nghiệp cầu thủ, tự tay anh đã chặt đứt tương lai rạng rỡ của mình.
Chưa bao giờ vấn đề biểu tượng trong lĩnh vực bóng đá được cày xới nhiều như thời gian qua. Bây giờ, xới tung cả nền bóng đá, trong đó 28 câu lạc bộ cả chuyên nghiệp lẫn hạng Nhất, tìm ra dăm cầu thủ xứng đáng là biểu tượng ở các đội, có lẽ là sứ mệnh bất khả thi.
Tân vương SHB. Đà Nẵng? Đội bóng vô địch, may thay còn có Minh Phương. Nhưng Phương không phải là là người bản địa, tuổi tác cũng đã không cho phép anh cống hiến nhiều cho bóng đá. Ở SHB.ĐN, người mà cầu thủ nể, chịu đá không phải huấn luyện viên trưởng hoặc lãnh đạo Công ty cổ phần Thể thao SHB.ĐN, mà là bầu Hiển. Đơn giản bởi bầu Hiển là người có thể mang lại đời sống vật chất sung túc cho họ. Sự lên ngôi của SHB.ĐN cũng không được đánh giá cao, chưa thể gọi họ xứng đáng là câu lạc bộ đạt đến tầm biểu tượng của V-League. Liên đoàn bóng đá châu Á mấy năm trước đã xét tiêu chuẩn câu lạc bộ chuyên nghiệp, chúng ta chỉ có ba đội đạt yêu cầu. Nói là đạt nhưng thực ra mang tính chiếu lệ, bởi Cảng Sài Gòn nhanh chóng giãy chết. Tất cả các câu lạc bộ chuyên nghiệp hiện nay đều chưa có lãi, nếu không muốn nói là lỗ “vã” ra.
Bản thân á quân Hà Nội T&T cũng vậy. Họ là đội bóng chưa xác lập được những giá trị có tính biểu tượng. Với SG.XT, cầu thủ hàng sao thì nhiều, vấn đề tìm ra chân dung có thể để người hâm mộ chân chính bóng đá Sài Gòn tự hào, chẳng cầu thủ nào xứng đáng.
Nhìn rộng ra, cơn khát biểu tượng ở Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và VPF đã lên đến đỉnh điểm. Lâu lắm rồi, hầu như chúng ta chưa tìm ra một chân dung lãnh đạo nền bóng đá, hay các giải đấu đỉnh cao vừa hồng vừa chuyên. Khủng hoảng lãnh đạo thể thao đang kìm nén sự phát triển của cả nền thể thao. Ai cũng biết, một thủ lĩnh đạt đến vóc dáng biểu tượng ở bất cứ lĩnh vực nào, bản thân anh ta sẽ truyền lòng tin cho các thành phần tham gia. Có niềm tin thì việc khó đến mấy cũng sẽ vượt qua.
* * *
Những gương mặt huyền thoại của bóng đá Việt Nam thời bao cấp, chiến tranh gian lao, vẫn còn đó. Họ vẫn hàng ngày chứng kiến cơn dâu bể chưa có điểm dừng của bóng đá chuyên nghiệp, đang nhấn chìm rất nhiều giá trị tốt đẹp, trong đó có khát vọng tìm ra những cầu thủ toàn diện.
Thế hệ vàng thứ hai, người ta từng nhắc nhiều đến Tài Em và Minh Phương, như là những chân dung tiêu biểu. Đến giờ phút này, xem ra mỗi Minh Phương còn giữ được phong độ của một biểu tượng. Từ đó đến nay, vẫn chưa xuất hiện cầu thủ trẻ nào đủ sức lay động lòng người. Cả một nền bóng đá, đội tuyển quốc gia phải đánh vật mới tìm ra được người xứng đáng giữ vai trò đội trưởng như Minh Đức, khi Minh Phương chưa nhận lời lên tuyển. Cơn khát biểu tượng của bóng đá Việt Nam phải chăng xuất phát từ cách làm bóng đá coi trọng giá trị vật chất, thành tích nhất thời, trên cả là không coi trọng công tác tư tưởng, đạo đức bắt đầu từ đào tạo trẻ. Ai cũng biết quá trình hình thành nhân cách qua trọng nhất là ở giai đoạn măng non.
Tất cả câu trả lời đã có từ thực tiễn.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)