Thất bại ở SEA Games 27 đưa bóng đá Việt Nam trở về thực tại, rằng chúng ta đang thụt lùi ngay ở “ao làng” Đông Nam Á. Thất bại ấy còn chỉ ra thực tế rằng bóng đá nội hiện quá thiếu người giỏi, từ nguồn cầu thủ cho đến người quản lý…
Thế hệ cầu thủ thiếu kỹ thuật
Không thể nói cầu thủ Việt Nam giàu kỹ thuật được nữa rồi, nhìn từ những gì mà các cầu thủ U23 Việt Nam thể hiện ở SEA Games 27. Một đội bóng gồm những con người có kỹ thuật không thể là đội bóng mà ở đó các chân sút ngay cả khi đối mặt với thủ môn đối phương lại không biết sút sao cho vào lưới. Đúng là ở thế hệ của những Nguyễn Hồng Sơn, Lê Huỳnh Đức, Trần Công Minh, hay sau này là thế hệ của Minh Phương, Tài Em, Quang Thanh, Công Vinh… cầu thủ Việt Nam được đánh giá cao về mặt kỹ thuật.
Đấy là những thế hệ mà chúng ta có những tiền vệ tài hoa kiểu Hồng Sơn hay Minh Phương, có thể chỉ bằng một động tác là đủ khiến đối thủ chao đảo. Đấy cũng là thế hệ mà ngay đến các hậu vệ như Công Minh, Quang Thanh đủ khả năng đi bóng dọc biên đến sát đường biên ngang của đối thủ, đủ khả năng dứt điểm từ 30m đổ lại.
Ở SEA Games 27, đội tuyển U23 Việt Nam không có những cầu thủ dạng như thế. Chúng ta thua vì ngay đến chân sút được gọi là tốt nhất của đội là Lê Văn Thắng thường xuyên đá… đại khi có cơ hội, thua vì ngay đến cầu thủ được đánh giá là phát hiện lớn nhất của năm như Vũ Minh Tuấn lại là dạng cầu thủ nhắm một đằng, sút một nẻo. Thua vì ngay đến anh chàng được mệnh là “Ronaldo xứ Nghệ” Phi Sơn mỗi khi đi bóng thường dẫn bóng vào chỗ tắt, hơn là dẫn bóng vào khu vực 16m50.
Đấy khó gọi là nền tảng kỹ thuật tốt, bởi một đội bóng có nền tảng kỹ thuật tốt không thể là một đội bóng mà các hậu vệ thường mất phương hướng khi phá bóng và chuồi bóng, trong khi khâu phối hợp đồng đội thiếu mạch lạc vì cả người chuyền lẫn người nhận bóng thường làm khó nhau bởi những động tác… sai.
Cầu thủ Việt Nam vốn đã kém các đội như Malaysia, Singapore, Thái Lan về mặt thể hình, thể lực, nay lại kém về mặt kỹ thuật (nhìn cách tiền đạo Malaysia ngoặt bóng qua người, rồi dứt điểm ghi bàn thắng thứ hai vào lưới U23 Việt Nam, có thể khẳng định họ đã hơn ta về kỹ thuật), thì dĩ nhiên không còn yếu tố nào để có thể vượt qua đối thủ.
Hệ quả từ khâu đào tạo yếu kém
Không thể trách cầu thủ khi họ mang trên người hành trang kỹ thuật kém, rồi bước vào đấu trường SEA Games (trước nữa là vòng loại Asian Cup), bởi nói cho cùng họ chỉ là sản phẩm của cả một nền bóng đá. Một nền bóng đá không xem trọng công tác đào tạo, dĩ nhiên không thể cho ra lò các sản phẩm tốt. Nhiều năm nay, các CLB trong nước không lo trồng người. Các đội bóng ở V-League tồn tại chủ yếu bằng cách tranh giành cầu thủ của nhau, hoạt động vài năm rồi giải tán, chứ không phải đi lên bằng nguồn cầu thủ tự có.
Các giải bóng đá trẻ trong nước thì tồn tại một thực tế là các CLB có quyền vay mượn cầu thủ của các lò khác, để đá cốt kiếm thành tích. Đấy đâu phải là cách khuyến khích khâu đào tạo, bởi ngay cả sân chơi của các cầu thủ trẻ mà còn bị biến tướng vì bệnh thành tích, thì còn đâu cơ hội cho những sản phẩm trẻ có đất để vươn lên?
Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của VFF được lập ra và tồn tại cho đến hôm nay chủ yếu là để hợp thức hóa số tiền khổng lồ được rót xuống từ ngân sách và tiền tài trợ của FIFA. Bản thân trung tâm này sau nhiều năm hoạt động vẫn không trò ra lò lứa cầu thủ đáng chú ý nào.
Có nghĩa là ngay ở khâu trồng người, vấn đề sống còn của mọi nền bóng đá, người ta cũng chỉ làm theo kiểu hình thức, hình thức từ cơ quan quản lý cả nền bóng đá là VFF cho đến các CLB thành viên. Chất lượng kỹ thuật kém của cầu thủ nội trong thời gian gần đây chính là hậu quả của cách làm nặng tính hình thức ấy.
Đấy cũng là thực tế của bóng đá nội vào lúc này. Thực tế là chúng ta đang yếu ở khâu quan trọng nhất: Yếu về mặt con người, cả trong đội ngũ đang đá bóng lẫn đội ngũ đang quản lý nền bóng đá. Mà đã yếu về mặt con người thì có rót bao nhiêu tiền vào đấy cũng vô ích!
Theo Dân Trí