Có một thực tế là ở những lần triệu tập gần đây, các đội tuyển Việt Nam luôn phải đón nhận những ca chấn thương trong quá trình tập trung, chuẩn bị cho các giải đấu. Đó thực sự là điều hết sức đáng ngại.
Bóng đá Việt 'tan hoang' vì vấn nạn chấn thương
Trong suốt quãng thời gian hơn 20 năm bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại với khu vực, chưa khi nào vấn đề các cầu thủ dính chấn thương trên tuyển lại xảy ra thường xuyên như hiện nay. Đặc biệt dưới thời HLV Toshiya Miura đây là một vấn đề hết sức nhức nhối.
Trong quãng thời gian mà nhà cầm quân người Nhật Bản cầm quyền, các ĐT Việt Nam và U23 Việt Nam đã mất rất nhiều cầu thủ giỏi do gặp phải những chấn thương trong quá trình tập trung đội tuyển. Điều này là do HLV Miura đã chú trọng nhồi thể lực cho các cầu thủ và giữ nguyên cường độ cao trong một thời gian dài khiến nhiều học trò đã 'không chịu nổi'.
Tiền đạo Tiến Linh rời U23 Việt Nam vì chấn thương lật cổ chân |
Giống như ông Miura, HLV Hoàng Anh Tuấn cũng đã phải chia tay rất nhiều cầu thủ giỏi trong quá trình tập trung hướng tới VCK U20 World Cup vừa qua. Lần lượt những cái tên lớn như Bùi Tiến Dụng, Trương Văn Thái Quý và hậu vệ Đặng Văn Tới đã lỡ hẹn với sân chơi cấp độ thế giới, sau khi gặp phải những chấn thương sát ngày thi đấu. Điều này đã có tác động không nhỏ tới sức mạnh của U20 Việt Nam. Và mặc dù đã thi đấu bằng tất cả sức mạnh và quyết tâm cao nhất của mình, thầy trò Hoàng Anh Tuấn vẫn phải chia tay sân chơi World Cup ngay sau vòng đấu bảng với vỏn vẹn 1 điểm.
Tới thời của HLV Park Hang Seo, 'bão chấn thương' vẫn đang tiếp tục hoành hành và càn quét U23 Việt Nam. 8 cầu thủ đang gặp vấn đề thể lực là một thực tế hết sức đáng lo ngại mà dường như bóng đá Việt Nam vẫn đang loay hoay trong việc tìm ra lời giải.
Do đâu mà chấn thương?
HLV Miura từng chia sẻ: “Việc gặp chấn thương trong bóng đá là điều khó tránh khỏi. Hầu hết những ca chấn thương tại đội tuyển vào lúc này là do quá tải nhưng việc bị quá tải trong quá trình tập thể lực không có gì là bất thường cả. Một số chấn thương do các cầu thủ rất nỗ lực khi thi đấu nội bộ để chứng tỏ bản thân mình. Vì thế những pha va chạm liên tục xảy ra và chấn thương cũng là điều dễ hiểu”.
Có phải thể hình mỏng và nền tảng thể lực không tốt đã khiến các cầu thủ Việt dễ gặp phải các chấn thương trong tập luyện và thi đấu? Thực tế thì mọi chuyện đã diễn ra đúng như vậy. Dưới thời HLV Miura, ông thầy người Nhật Bản liên tục phải nhồi thể lực các cầu thủ bởi ông đánh giá thể lực của cầu thủ Việt Nam tương đối yếu, nếu không có sự chuẩn bị thật tốt thì sẽ khó cạnh tranh với các đối thủ ở khu vực, chưa nói tới việc ra sân chơi châu Á. Và khi mà thể lực cầu thủ Việt không thể đáp ứng yêu cầu tập luyện, chuyện chấn thương là điều đã liên tục xảy ra.
Tỷ lệ chấn thương của các cầu thủ Việt Nam khi lên tuyển đã giảm mạnh dưới thời HLV Hữu Thắng, nhưng có thể thấy rõ dưới thời Hữu Thắng, các đội bóng đều không được đánh giá cao ở nền tảng thể lực. Và đây là một nguyên nhân khiến ông thầy xứ Nghệ phải rút lui khi liên tiếp đón nhận những thất bại trước các đối thủ ở khu vực.
HLV Park Hang Seo đối mặt với thách thức rất lớn khi dẫn U23 Việt Nam |
Đến lượt HLV Park Hang Seo lên nắm quyền. Chắc hẳn ông cũng nhìn ra hạn chế của bóng đá Việt Nam là vấn đề thể lực và nhà cầm quân người Hàn đã cố gắng khắc phục điều này. Song ông Park cũng đang đối mặt với những thách thức rất lớn khi quân số liên tục hao hụt vì 'cơn bão' chấn thương.
Mới đây nhất, tiền đạo mới được gọi bổ sung từ đội U21 Bình Dương Nguyễn Tiến Linh đã bị lật cổ chân sau một pha tranh chấp trong buổi tập sáng ngày 2/12. Với tình hình này, Tiến Linh sẽ cần ít nhất 10 ngày để hồi phục. Do vậy, tiền đạo này đã đành phải lỡ hẹn với giải M-150 Cup sẽ diễn ra tại Thái Lan trong ít ngày tới.
Bên cạnh Tiến Linh, lúc này cũng đang có tới 6 'bệnh binh' đang tích cực hồi phục trên tuyển U23 Việt Nam bao gồm Tuấn Anh, Đông Triều, Đức Chinh, Hữu Dũng, Thanh Thịnh và trung vệ Bùi Tiến Dũng. Riêng trường hợp của Phí Minh Long gặp chấn thương khá nặng và nhiều khả năng anh sẽ chia tay đội tuyển ở lần tập trung này. Với việc một loạt trụ cột của U23 Việt Nam gặp vấn đề thể lực, đó sẽ là một bài toán hóc búa cho ông thầy Park Hang Seo trong quá trình chuẩn bị cho VCK U23 châu Á sắp tới.
VFF cần làm gì?
Một yếu tố khách quan cũng ảnh hưởng tới số ca dính chấn thương của cầu thủ Việt Nam là việc bóng đá Việt Nam vẫn đang thiếu những biện pháp chăm sóc, theo dõi sức khỏe các cầu thủ. Dưới góc nhìn khoa học, dường như cách tập luyện và thi đấu của các cầu thủ Việt vẫn chưa được theo sát triệt để.
Các cầu thủ U23 Việt Nam gặp chấn thương phải tập riêng |
Bác sĩ ĐT Việt Nam Trần Anh Tuấn đã chia sẻ: “Muốn đảm bảo thể lực hoàn hảo cho mỗi cầu thủ, chúng ta phải đồng bộ các khâu, bao gồm cả những tính toán khoa học về cấu tạo cơ thể của từng cầu thủ, làm các xét nghiệm về y học, sinh học để xem họ mạnh yếu chỗ nào rồi có những điều chỉnh về giáo án tập luyện chuyên biệt.
Ở Việt Nam, ta chưa thể có đủ điều kiện tiến hành những việc đó. Một số cầu thủ vốn bị những chấn thương mạn tính hoặc cơ thể vốn không đủ sức mạnh, khi tập với cường độ cao trên tuyển, cơ thể đến lúc không thể chịu đựng được nữa thì chấn thương là đương nhiên”.
Rõ ràng với nhiệm vụ điều hành bóng đá Việt Nam, VFF sẽ cần phải có những biện pháp để có thể 'giữ chân' các cầu thủ giỏi khỏi những chấn thương đáng tiếc. Kể từ năm 2010 đến nay, ĐT Việt Nam hay đội U23 đều chưa từng một lần thành công trên đấu trường châu lục cũng vì khâu chuẩn bị đều chưa tốt, trong đó phải kể đến những lần tính toán không kỹ về sức khỏe cầu thủ. Hy vọng dưới thời Park Hang Seo, cùng với những sự hợp tác từ GĐKT Jurgen Gede, bóng đá Việt Nam sẽ tránh được điều đó để có thể hướng tới những thành công lớn hơn trong tương lai không xa nữa.
Nhà cầm quân Hàn Quốc Park Hang Seo vẫn đang miệt mài dựng xây một tập thể U23 Việt Nam mạnh mẽ, chất lượng và không kém phần hiệu quả. Điều này cho thấy ông...