Chỉ 3 trận thua liên tiếp, ông Lư Đình Tuấn đã bị “trảm” không thương tiếc do cái hợp đồng miệng là “thua ba trận sẽ cho huấn luyện viên nghỉ”. Câu chuyện của Sài Gòn FC liên quan gì đến khái niệm lợi ích nhóm và quyền lực đen?
Nhớ CLB Công an TP. HCM
Cho dù thua 3 trận liên tiếp, nhưng Sài Gòn FC vẫn chỉ cách đội đứng thứ nhất là SHB Đà Nẵng 4 điểm. Với một đội hình mạnh như thế, họ hoàn toàn có thể lật ngược thế cờ. Huấn luyện viên Lư Đình Tuấn vẫn được đánh giá có chuyên môn, tư cách. Ít ra, ông đã đặt được dấu ấn lên Sài Gòn FC. Đội bóng đã bước đầu định hình phong cách, bản sắc, nhất là sự hào hoa khoáng đạt mà người Sài Gòn đang mỏi mắt tìm kiếm. Quan trọng nhất, khán giả Sài Gòn có lúc đã bắt đầu hy vọng vào cuộc chấn hưng bóng đá. Họ đã chịu đến sân, với tình yêu bắt đầu nhen nhóm. Họ đã bỏ qua những trò lố, tính cách không giống ai của bầu Thụy. Họ sẵn sàng bỏ qua quá khứ đây là chỉ là đội bóng “ngụ cư’”.
Tóm lại, không khó tiên liệu việc thay ông Lư Đình Tuấn với phương cách như thế sẽ đẩy Sài Gòn FC đến nguy cơ tan rã trên diện rộng. Niềm tin vào đội bóng, vào những phát ngôn của bầu Thụy kiểu yêu bóng đá một cách vô tư, muốn làm gì đó cho bóng đá TP. HCM, đã tan biến trong lòng khán giả nhà. Với các huấn luyện viên, khó có ai đến đây mà toàn tâm toàn ý trước cách làm bóng đá không giống ai như bầu Thụy và “cò” Đại. Những gì đang diễn ra ở Sài Gòn FC chẳng khác gì với Vissai Ninh Bình cách đây 2 mùa: Cầu thủ làm loạn, Giám đốc điều hành thao túng quyền lực.
Huấn luyện viên Lư Đình Tuấn (phải) bị Sài Gòn FC “trảm” không thương tiếc
Khi đó, bầu Trường đã phải sa thải “cò” Đại với những phát ngôn chua chát, giống như một sự “hối hận”, như lời cảnh tỉnh: “Nhân đây tôi muốn qua báo chí cảnh báo tới lãnh đạo các CLB là không nên “dính” vào kiểu môi giới như của anh Đại nữa, sẽ ảnh hưởng đến đội bóng. Các cầu thủ cũng vậy, tốt nhất là nên thông qua môi giới chuyên nghiệp, chứ không rất nguy hiểm. Sử dụng người chỗ anh Đại rất có hại. Sau khi xong rồi là tìm mọi cách “moi” tiền của CLB. Ví dụ như trường hợp của Samson hay Timothy chẳng hạn. Chính vì thế nên tôi mới cho anh Đại nghỉ. “Đi đêm, đi hôm” như thế, anh Đại đang phá hết nền bóng đá Việt Nam. Tôi còn phải nói thật là đội bóng có những trận thắng, thua đều rất nhạy cảm, khó hiểu”.
Thương cho khán giả Sài Gòn, khi nhìn đội bóng mình ngày càng như gánh xiếc rong, bị thao túng bởi vài cá nhân. 12 năm về trước, người ta nhớ đến một Công an TP. HCM kiêu hùng, sở hữu hàng loạt ngôi sao lớn. Song song đó, khán giả Sài Gòn cũng quá nhớ, trước khi đội bóng chuyển hóa thành Ngân Hàng Đông Á, đã trải qua những dâu bể bởi sự thao túng một số cầu thủ và lãnh đội. Quyền lực đen, cụm từ đó trong bóng đá ta xuất phát với tần số cao bắt đầu từ đội bóng trên, trớ trêu bóng ma đó đã quay về với khán giả thành phố mang tên Bác, từ Sài Gòn FC.
Căn bệnh đang hoành hành
Không chỉ bóng đá, tình trạng lợi ích nhóm đang là cản lực lớn đối với sự phát triển của đất nước trong mọi lĩnh vực. Đấy có thể là một tập thể gồm nhiều cá nhân, tổ chức cùng chia sẻ một mối quan tâm chung và cùng nhau thúc đẩy các mục tiêu đó bằng cách tác động vào các chính sách từ vỹ mô đến thấp hơn. Là những nhóm vận động hành lang hay cửa hậu (lobby) để tạo ra hay thay đổi những luật lệ và cách thực thi có lợi cho phe nhóm mình, nhằm tạo dựng một vài đặc quyền, đặc lợi để thụ hưởng. Chúng ta dễ dàng nhận ra tệ nạn đó trong bóng đá.
Nếu như trong xã hội có nhiều nhóm lợi ích, song quy tụ lại có hai loại: Nhóm nắm quyền lực kinh tế và nhóm nắm quyền quản lý nhà nước - quyền lực công mà người dân trao cho, thì bóng đá cũng vậy. Liên đoàn bóng đá Việt Nam lâu nay luôn bị coi là quản lý yếu kém, thiếu công khai minh bạch, thiếu giám sát, không đủ sức kiểm soát các nhóm lợi ích. Vai trò quản lý của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Liên đoàn bóng đá địa phương với đội bóng nhà, với các ông bầu quá mờ nhạt, hay nói cách khác là bị vượt mặt.
Thật đau lòng bởi tài nguyên bóng đá nước nhà là rất lớn, nhất là hai địa phương TP. HCM và Hà Nội. Thoạt nhìn, sở hữu tài nguyên bóng đá nói chung vẫn là các CLB, nhưng thặng dư từ khai thác tài nguyên bóng đá bằng cách này, cách khác rơi vào túi một bộ phận cá nhân, nhóm, tổ chức. Không có nền bóng đá nào mà các cầu thủ, CLB lại thiếu sự quan tâm đến lợi ích của khán giả như ở Việt Nam. Họ chỉ nghĩ đến lót tay, tiền thưởng. Không có nền bóng đá nào mà việc một ông chủ được phép nắm đến 4 đội bóng như ở ta, mà không bị cơ quan quản lý về mặt nhà nước “tuýt còi”. Các ông bầu, các “cò” bóng đá thao túng thị trường chuyển nhượng, sản sinh thế hệ cầu thủ chỉ nghĩ về tiền, giàu có về vật chất nhưng thiếu lành mạnh về tinh thần, không đoái hoài đến màu cờ, sắc áo, trách nhiệm, sự tôn trọng dành cho huấn luyện viên.
V-League đã đi hết nửa chặng đường. Giật mình nhận ra vấn đề nghiêm trọng: Quá ít đội bóng mà ông huấn luyện viên trưởng thực sự có quyền hành. Đội bóng có khát vọng vô địch, cầu thủ tập trung đá bóng chiếm số lượng quá ít. Năm ngoái, Sông Lam Nghệ An vô địch nhờ các đối thủ lớn tự bắn vào chân mình là chủ yếu. Năm nay, tiền lệ đó đang lặp lại khi hai đội bóng lớn là Becamex Bình Dương và Sài Gòn FC đang tự cúi đầu. Bệnh quyền lực đen, lợi ích nhóm hoành hành theo cấp số nhân không chỉ ở hai đội bóng này. Trường hợp của Becamex Bình Dương thì nhức nhối và tồn tại quá lâu. SHB Đà Nẵng cũng chưa thể yên, bởi lượt về cầu thủ của họ có truyền thống “ngủ gật”.
Sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp, dù ở hình thái, cũng hướng về cái đích cao nhất là phục vụ nhân dân. Thước đo của sự phát triển, đấy là sự tôn trọng của người hâm mộ dành cho Liên đoàn bóng đá quốc gia; số lượng khán giả trên sân; thành tích đội bóng, trên nữa là thành tích các đội tuyển quốc gia. Soi vào đó, không khó nhận ra nền bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang ở đâu trên bức tranh chung của khu vực và thế giới.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)