Bất chấp việc hô quyết tâm trước trận lượt về với UAE ở vòng loại Asian Cup 2015, đội tuyển Việt Nam tiếp tục có thất bại thứ 5. Gạt sang một bên yếu tố tâm lý, sự chuẩn bị… phải thấy rằng bóng đá Việt Nam hiện khủng hoảng về mặt tài năng.
Quay trở lại câu chuyện thủ thành Tấn Trường được gọi bổ sung vào đội tuyển (ĐT) Việt Nam trước trận đấu với Uzbekistan, dù thủ môn này đã quá sa sút so với thời anh mới nổi lên cách nay chừng 5 năm. Chuyện một thủ môn thường xuyên mắc sai lầm trong các trận quan trọng ở cả cấp độ đổi tuyển lẫn CLB, vẫn được bổ sung vào đội tuyển, ở một giải đấu lớn như vòng loại Asian Cup cho thấy đội tuyển đang khủng hoảng nhân sự trầm trọng.
Toàn thua và thua ở vòng loại Asian Cup 2015, bóng đá Việt Nam đang đi xuống trầm trọng
Nói Tấn Trường không đáng tin về mặt phong độ, bản lĩnh, thì cũng phải nói luôn rằng những thủ môn khác trong đội cũng chẳng đáng tin. Nếu những Thanh Bình hay Vĩnh Lợi giỏi về mặt chuyên môn, có lẽ người ta đã không gấp rút bổ sung thủ môn Tấn Trường, để rồi chứng kiến sai lầm đến khó tin của thủ môn này lặp lại.
Đáng buồn cho bóng đá Việt Nam là ở chỗ ấy, xét về mặt số lượng thủ môn, chúng ta không thiếu. Nhưng cái thiếu ở đây chính là chất lượng và phần nào là cả niềm tin nơi những thủ thành vốn sáng nắng chiều mưa nơi đội tuyển.
Có lẽ cũng vì khan hiếm tài năng nên đội tuyển phải gọi gấp Tấn Tài, cũng trước các trận đấu lượt về với Uzbekistan và UAE. Cần biết rằng Tấn Tài chấn thương kéo dài trước khi trở lại đội tuyển. Và việc phải sử dụng cầu thủ chưa bình phục hoàn toàn ở vị trí tiền vệ tổ chức lối chơi, chỉ ra một điểm rằng chúng ta hiện đang thiếu trầm trọng dạng tiền vệ có khả năng tổ chức.
Đây không phải là vấn đề lần đầu được đề cập đến, nhất là từ sau khi Nguyễn Hồng Sơn, rồi Nguyễn Minh Phương rút khỏi đội tuyển. Bóng đá nội mấy năm gần đây toàn sản sinh ra dạng tiền vệ sẵn sàng lao vào đối phương để băm, bổ, chứ tìm dạng tiền vệ đủ sức đi bóng qua người, đủ sức chuyền những đường chuyền loại toàn bộ hàng thủ đối phương lại là điều cực khó.
Sự khan hiếm dạng tiền vệ sáng tạo nói cho cùng cũng xuất phát từ thực tế của cả nền bóng đá. Các CLB trong nước chủ yếu chơi theo kiểu dồn bóng dài vượt tuyến từ các tiền đạo ngoại ở phía trên đua tốc độ, “xúc, “ủi”, phá sức các hậu vệ để tìm khoảng trống dứt điểm, chứ hiếm có CLB nào phối hợp lớp lang, rồi chiến thắng đối phương bằng kỹ thuật (bao gồm cả kỹ thuật cá nhân lẫn kỹ thuật tập thể).
Cách nay không lâu, người hâm mộ trong nước từng bất bình với các cầu thủ U23 Việt Nam, qua cách họ hòa Bangu Atletico (Brazil) tại giải quốc tế ở Bình Dương, trong thế hơn người, lại dẫn trước đến 2 bàn. Cứ cho rằng trận hòa ấy đến từ những tính toán chiến thuật của đội tuyển U23 Việt Nam, nhằm chọn đối thủ ở bán kết giải này. Nhưng hòa cũng có nhiều cách để hòa, chứ không thể lộ liễu như thể đang bán độ (?). “Diễn” lộ kiểu ấy, nói cho cùng cũng xuất phát từ kỹ thuật kém của các cầu thủ.
Thành tích là thước đo chất lượng của một đội bóng, thậm chí là một nền bóng đá (bóng đá Anh không được đánh giá cao trong hàng ngũ các nền bóng đá hàng đầu thế giới, cũng vì người Anh chẳng có thành tích gì đáng kể ở các giải đấu lớn vài chục nằm trở lại đây). Việc thua liền 5 trận tại vòng loại châu Á chính là câu trả lời chính xác nhất cho sự đi xuống của nền bóng đá Việt Nam.
Với nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam, đấy là nỗi nhục. Khoan hãy nói đến yếu tố tinh thần của các cầu thủ ở một giải đấu mà ngay chính các sếp của đội tuyển cũng không đặt trọng tâm vào đấy. Khoan hãy nói đến sự chuẩn bị của chúng ta dành cho giải đấu này, theo kiểu hết đặt rồi rút các HLV ở đội tuyển quốc gia. Thẳng thắng mà nhìn nhận, chất lượng nhân sự của bóng đá Việt Nam đang sa sút trầm trọng, từ hạ tầng là các cầu thủ, cho đến thượng tầng ở tầm cao hơn.
Đấy cũng là hệ quả của quãng thời gian dài bóng đá nội phát triển quá nóng mà bỏ quên khâu đào tạo, là hệ quả của quá trình chúng ta mãi gặm nhấm ánh hào quang của ngôi vô địch AFF Cup 2008 vốn đã xa lắc!
Theo Dân Trí