Trong 12 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, không khó chỉ ra bóng đá ta đã lãng phí quá nhiều thứ.
Thứ hữu hình nhất, đấy là tiền bạc. Con số hàng nghìn tỉ đồng, có lẽ chưa phản ánh hết độ chính xác bởi sự đốt tiền cho hoạt động bóng đá chuyên nghiệp biến hóa vi diệu. Một đội ngũ những người tham gia bóng đá giàu lên một cách bất thường. Nếu so với những đóng góp của bóng đá cho xã hội, rõ ràng không thể xứng đáng được nhận như thế. Quả là lãng phí, bởi số tiền hàng nghìn tỉ đồng nếu đặt ra bên cạnh dân ta tỷ lệ nghèo còn cao, thực sự đau lòng. Thi thoảng, chúng ta đọc được thông tin Chính phủ phải hỗ trợ gạo cứu đói cho địa phương A, B, C, trong khi bản thân một số địa phương trong diện trên vẫn vô tư đốt tiền cho bóng đá.
Gần 4 tháng trời chuẩn bị cho AFF Cup 2012, nhưng đổi lại chúng ta vẫn phải nhận thất bại cay đắng
Bóng đá trở thành một lĩnh vực kiếm tiền béo bở, hoặc thông qua đó để đầu cơ. Thành ra, tâm lý chung đến với bóng đá để tranh thủ tìm kiếm lợi nhuận, hơn là đặt tâm huyết, trách nhiệm vào bóng đá. Vậy thì, làm sao có thể đòi hỏi sự ổn định cho nền bóng đá, khi cuộc đời không phải cứ luôn màu hồng, tình hình kinh tế mãi thuận lợi. Bóng đá chuyên nghiệp được ví như quả bóng, khi vỡ kéo theo những đổ vỡ dây chuyền, trong đó sốc nhất là trạng thái tâm lý. Dường như, tất cả các thành phần tham gia bóng đá hiện nay, từ VFF đến CLB, đều bị chấn thương tâm lý khó có thể hồi phục. Thật tiếc bởi mấy nước trong khu vực có sự đầu tư cho bóng đá mạnh như ở ta.
Thứ hữu hình thứ hai là lãng phí thời gian. Tính ra, bóng đá chuyên nghiệp đã phát triển được 12 năm. Nếu thực sự đi đúng hướng, có thể khẳng định 12 năm đủ tạo dựng một chu kỳ tích cực. Nếu tính từ SEA Games 1991, tức thời điểm chúng ta hội nhập, đã 22 năm. Chừng ấy thời gian, có lẽ rất đủ để cho nền bóng đá cất cánh, khẳng định vị thế. Nên nhớ, năm 1995 ĐT Việt Nam đã đoạt HCB ở SEA Games. Nhìn lại thời điểm này, các ĐTQG không thể sánh kịp thế hệ vàng thứ nhất (tạm gọi là thế). Thua xa về chất lượng, về tinh thần, về độ thu hút.
Nếu nói chúng ta thiếu người tài trong lĩnh vực bóng đá, chưa hẳn là thế. Tại sao một CLB tư nhân như HA.GL lại có thể làm được điều kỳ diệu như thế. Vì, đơn giản họ có cái tâm với bóng đá, chứ không đơn thuần là tiền bạc, Với sự chơi ngông như thời gian qua, tin chắc không ít đại gia có thể xây được Học viện tương đương, hoặc kém một chút so với bầu Đức. Nhưng, sau 12 năm, với bao tuyên bố xây dựng học viện A, B, rốt cuộc có ai ngoài bầu Đức thực hiện được ước mơ của đông đảo người hâm mộ cả nước?
Hãy nhìn VFF 2 nhiệm kỳ qua, dường như vẫn chỉ là những gương mặt cũ, Chính họ, mới đây, đã phải thừa nhận tổ chức mình thiếu người có chuyên môn lèo lái. Như thế, có khác gì đã thú nhận đã chưa mở lòng để đón nhận người tài trong xã hội, nhảy vào điều hành nền bóng đá.
Tất cả sự kém cỏi của bóng đá, nhất là cấp thượng tầng, đã kéo niềm tin của người hâm mộ cả nước đang xuống mức thấp nhất. Khi dư luận không còn niềm tin, quá khó để vực dậy những đổ vỡ, lĩnh vực nào cũng thế, không riêng gì bóng đá.
Thời gian chẳng đợi ai. Vậy mà, chúng ta cứ thấy sự lãng phí thời gian đang tiếp tục gia tăng. Gần 4 tháng trời chuẩn bị cho AFF Cup, đổi lại thất bại cay đắng. Gần cả năm cho mùa giải 2013, vẫn thấy không đủ. Phương án cho mùa bóng mới vẫn còn treo (có lẽ còn lâu mới được Tổng cục TDTT và Bộ VH, TT&DL thông qua), dù đã trải qua 2 lần lùi thời gian. Càng lùi giải càng thấy thêm phương án, ý tưởng mờ mịt. Đại hội VFF nhiệm kỳ VII đã có rất nhiều thời gian để chuẩn bị nhưng chưa chắc công tác chuẩn bị nhân sự đã ổn. Và, SEA Games 27 sang năm, chẳng có cơ sở gì sẽ thành công, dù chúng ta đang làm chủ thời gian.
Lãng phí thực sự là tính xấu của bóng đá ta. Hình như không chỉ riêng bóng đá!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)