Chủ Nhật, 29/12/2024 Mới nhất
Zalo

Bóng đá Việt Nam: Cầu thủ đặt lợi ích lên trên hết

Chủ Nhật 23/12/2012 16:57(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Ngày xưa, những chiếc xe hải âu chở cầu thủ các đội bóng, trên mui chất củi để nấu ăn, đã là hình ảnh trứ danh của không ít đội bóng, trong đó có Thể Công. Những chuyến xe bão táp, thực sự là nỗi khiếp đảm với cầu thủ.

Dù thế, đấy vẫn là những trải nghiệm mà các thế hệ cầu thủ đi trước có quyền tự hào để đứng trước lứa cầu thủ hôm nay, nói chuyện bóng đá.

Hầu hết cầu thủ K.KH (phải) không muốn ra Hải Phòng thi đấu khi đội bóng cũ bị chuyển giao.
Hầu hết cầu thủ K.KH (phải) không muốn ra Hải Phòng thi đấu khi đội bóng cũ bị chuyển giao.

Vậy nhưng, có một câu chuyện rất mới. 14 cầu thủ K.KH gặp ai cũng thở than, rầu rĩ khi phải ra Hải Phòng thi đấu. Tựu trung, phải xa nhà liên tục, phải làm quen với môi trường xa lạ. Có một nỗi khổ nữa cũng được đề cập. Không có chuyến bay trực tiếp từ Nha Trang đến Hải Phòng. Có nghĩa, sẽ rất khổ nếu muốn về thăm quê, tức phải lên Hà Nội rồi mới bay về được Nha Trang. Chao ôi, thế có đáng gọi là khổ không? Việc đả thông, động viên được cầu thủ K.KH yên tâm ra Hải Phòng không đơn giản chút nào. Thậm chí, cũng đã có lời dọa sẽ không đi. Nhưng, nếu thế thì chắc chắn đồng nghĩa với thất nghiệp nên đành phải thỏa hiệp.

Cũng có nhiều tình huống thế này. Cầu thủ thuộc hạng sao số, sẵn sàng bỏ đội bóng chuyên nghiệp, có truyền thống, để đến với đội hạng Nhất (thậm chí địa phương được đánh giá vùng sâu vùng xa) nhưng được nhận lót tay cao. Và rồi, chỉ thời gian ngắn, những ngôi sao đó lại rũ áo ra đi khi chưa cống hiến được điều gì tương xứng với số tiền mà CLB bỏ ra. Đơn giản, bởi anh ta đâu toàn tâm toàn ý.

Nhắc những câu chuyện trên, để đặt ra câu hỏi: cầu thủ xưa và nay, thế hệ nào chuyên nghiệp hơn? Chuyên nghiệp ở 3 tiêu chí: yêu nghề; tôn trọng khán giả, mà cờ sắc áo; sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn khi được giao phó? Nếu thế, chắc chắn, thế hệ cầu thủ hiện nay không thể bằng. Bằng chứng rõ nhất là rất ít cầu thủ thể hiện được sự toàn năng, từ chuyên môn đá bóng, “phông” văn hóa đến tác phong chuyên nghiệp trong tập luyện đến sinh hoạt.

Với lượng tiền mà bóng đá chuyên nghiệp đã ngốn sau 12 năm qua, lẽ ra chúng ta đã có cầu thủ thực sự là ngôi sao của khu vực Đông Nam Á. Thậm chí, vẫn có thể mơ đá được các giải nhà nghề trong châu lục. Vậy nhưng, đấy chỉ là giấc mơ. Trong vô vàn nguyên nhân, cầu thủ ta không chuyên nghiệp, không có hoài bão lớn lao vượt giới hạn bản thân, vẫn là lớn nhất. Khi khoác áo ĐTQG, lẽ ra đấy là lúc họ phải thể hiện được khát vọng bảo vệ thương hiệu, danh dự cho cầu thủ chuyên nghiệp nước nhà thì vì lý do phi chuyên môn, nhiều tuyển thủ sẵn sàng ngoảnh mặt.

Chưa bao giờ thương hiệu của cầu thủ Việt rớt giá nghiêm trọng như lúc này. Dễ gì cầu thủ ta được các CLB nước ngoài để ý thời điểm này. Làm bóng đá chuyên nghiệp mà ngày càng thụt lùi, tìm hoài không ra danh thủ, thần tượng thì thà trở về bao cấp còn hơn. Khi nào xây dựng được những yếu tố căn bản của bóng đá chuyên nghiệp hãy bắt đầu làm lại cũng chưa muộn.

Đúng là với bóng đá ta, càng hiện đại càng ít có… “cổ tích”.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X