CLB là chủ thể của cuộc chơi bóng đá chuyên nghiệp. Sự ủng hộ, chia sẻ cả vật chất lẫn tinh thần từ phía VFF và VPF là rất cần thiết. Thế nhưng, không khéo sẽ phản tác dụng nếu biến thiện chí thành sự vuốt ve, nuông chiều CLB trước những động thái thiếu chuyên nghiệp.
Cho đến thời điểm này, khi chỉ còn 24h nữa là phải tiến hành chia lịch, bốc thăm mùa giải mới, BTC giải vẫn chưa xác định được bao nhiêu đội tham gia. Số phận của không ít CLB vẫn chưa được quyết định. Người hâm mộ cả nước muốn 2 giải đấu vẫn tiến hành với sự tham gia của 28 CLB. Dĩ nhiên, VPF và VFF còn khao khát gấp trăm, nghìn lần người hâm mộ.
Chưa bao giờ, sự tồn vong của các CLB chuyên nghiệp ở ta mong manh như hiện nay. Cũng chưa bao giờ, một bộ phận ông bầu “manh động” trong vấn đề sẵn sàng bỏ bóng đá như hiện nay. Đấy là hệ quả của nhiều yếu tố tiêu cực có tính lưu cữu, nhưng tựu trung: giải chuyên nghiệp ở ta chưa tạo ra một sự công bằng tương đối để các chủ thể tham gia được thoải mái, tin tưởng rằng mình không đổ tiền ra để làm “quân xanh” cho CLB hoặc một nhóm ông bầu nào đó. Có lẽ, dù là ông bầu nào đó đang nhận được sự biệt đãi từ VFF (lâu nay) hoặc VPF (một mùa qua), họ cũng có mơ ước sâu xa, đến một ngày bóng đá chuyên nghiệp nước nhà phát triển, có một giải đấu xanh-sạch-đẹp-công bằng. Chỉ mong ước đơn giản thế thôi, nhưng khó quá, còn gì đau hơn bởi đầu tư bóng đá chưa sinh lãi.
Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang đứng trước thử thách nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử
Cũng như con cái trong nhà, nếu muốn tạo kỷ cương, bố mẹ dứt khoát phải thể hiện được sự công bằng trong yêu thương (và cả nghiêm khắc) với những đứa con của mình. Chỉ cần một vài lần bất công, sẽ tạo ra những tiền lệ nguy hiểm, đánh mất kỷ cương.
Có thể ví bóng đá chuyên nghiệp ta là thế. “Bố mẹ” chưa công bằng với tất cả các CLB. Đã vậy, thi thoảng lại tạo điều kiện cho một số CLB được phép đứng trên Quy chế bóng đá chuyên nghiệp.Việc các ông bầu đổ bênh thích dọa bỏ bóng đá cũng xuất phát từ sự ấm ức “bố mẹ” chơi không đẹp, bên trọng bên khinh, thân- sơ được đối xử khác nhau. Chỉ mùa giải 2012, đã xảy ra nhiều tối hậu thư từ CLB, như đòi đổi trọng tài, đòi dừng giải… Tóm lại, vô số lý do để làm càn, khiến người ta liên tưởng 2 giải đấu đỉnh cao là cái chợ! Trước những sự cố nghiêm trọng, VFF và VPF vẫn phải vuốt ve, động viên các CLB là chính.
Giờ đây, khi hiệu ứng bỏ bóng đá đang cao trào, không khó tiên liệu mùa bóng 2013, tình trạng các đội gây yêu sách, dọa nghỉ chơi sẽ leo thang. Thậm chí, không loại trừ đấy là cái cớ để một số ông bầu bỏ cuộc. Lúc đó, VFF và VPF sẽ ứng xử thế nào?
Chẳng có cách nào tốt hơn là VFF, VPF phải làm sao để các CLB tuân thủ triệt để Quy chế bóng đá chuyên nghiệp. Quy chế sửa đổi bổ sung sẽ được thông qua vào ngày mai (3/11), vài tuần tới sau khi Tổng cục TDTT “soi” lại lần cuối sẽ chính thức được ban hành. VPF và VFF không thể vì sợ vỡ giải, các CLB bỏ bóng đá để vuốt ve, thậm chí du di cho sự vi phạm quy chế như một số trường hợp thời gian qua.
Điều đó quan trọng còn hơn cả việc VPF hỗ trợ các CLB, như các mức thưởng vô địch tăng lên đột biến. Ngay cả đội rớt hạng mùa tới cũng có “quà”. Kể từ khi tiếp quản việc tổ chức, điều hành 2 giải đấu đỉnh cao, có thể thấy VPF đã làm nhiều động tác “lấy lòng” CLB, và cả trọng tài, khi phát huy lợi thế đồng tiền. Thậm chí, khi CLB bóng đá TP.HCM đang có nguy cơ giải tán vì thiếu tiền, họ cũng ủng hộ 5 tỷ đồng.
Dù có hỗ trợ CLB bao nhiêu tiền, nhưng nếu các CLB không ý thức việc xây dựng CLB chuyên nghiệp, đặc biệt tôn trọng Quy chế, bóng đá chuyên nghiệp vẫn chẳng đi đến đâu.
Người ta nói, cầu thủ lâu nay được vuốt ve, nuông chiều quá nên hư. Vậy, CLB “hư hỏng”, hoặc mãi vẫn nghiệp dư, phải chăng cũng do được vuốt ve ngay cả khi sai, thay vì phải đưa vào khuôn khổ luật pháp bóng đá?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)