Trong tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” của nhà văn La Quán Trung, Lưu Bị từng 3 lần đến lều cỏ để mời Khổng Minh về giúp mình hoàn thành đại nghiệp. Có lẽ tâm tư ông bầu Võ Quốc Thắng trước cuộc họp của HĐQT VPF cũng mong tìm được một cao nhân như thế để tái thiết bóng đá nước nhà.
Trong 2 năm qua, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã làm được không ít việc cho bóng đá nước nhà. Liên minh các ông bầu đã thay thế VFF tổ chức 3 giải chuyên nghiệp một cách bài bản. Bất kể bối cảnh kinh tế khó khăn khiến nhiều ông bầu rút lui, nhiều đội bóng giải thể, nhưng cả V-League lẫn giải hạng Nhất vẫn tiến hành một cách suôn sẻ.
Chuyên gia Nhật Bản Kazuyoshi Tanabe chưa kịp để lại dấu ấn sâu đậm với bóng đá Việt Nam thì đã phải về nước vì lý do khách quan |
Tuy nhiên vẫn xảy ra những bất cập, những bất ổn trong công tác điều hành lẫn quản lý giải đấu. Đó là việc một số các ông bầu bất phục với những tồn tại từ chính “đứa con tinh thần” mà họ từng tâm huyết.
Yếu tố khiến VPF bị “việt vị” ở đây chính là việc các ông bầu vừa thổi còi, vừa đá bóng. Do một số ông bầu có vị trí cao trong HĐQT của VPF nên dễ dẫn đến nghi ngờ đội bóng của họ được thiên vị, ủng hộ trong các trận đấu. Khi xuất hiện rạn nứt trong quan hệ, suy nghĩ như thế, các ông bầu khó nhìn chung về một hướng.
Chưa kể tổ chức hoạt động của VPF cũng không thực sự trơn tru, hoàn hảo kể từ lúc ra đời. Như Ban Tư vấn đạo đức sau khi ra đời thuộc quản lý của VPF lại nảy sinh bất đồng với cấp thượng tầng. Việc các thành viên của Ban Tư vấn đạo đức yêu cầu thay trưởng BTC V-League Trần Duy Ly do mắc sai lầm trong khâu quản lý là một ví dụ.
Bản thân trong công tác quản lý và điều hành vừa qua, VPF vừa đi vừa dò đường chứ chưa tìm được một quy chế hoàn hảo. Đó là việc chiều theo K.KG để xóa đi chuyện có đội rớt hạng sau sự kiện XMXT.SG bỏ giải là một ví dụ.
Rồi những ý kiến việc cho đội U23 Việt Nam dự giải V-League 2013 cũng bị các đội bóng gạt phắt cho thấy sự bất phục, thiếu niềm tin với hoạch định từ chính các thành viên của VPF.
Hay vấn đề báo cáo tài chính sau 2 năm hoạt động của VPF cũng chưa được thực hiện, khiến chính những cổ đông (các CLB-PV) cũng chẳng thể an tâm. Lý do là bởi nó thiếu đi bằng chứng để cho thấy VPF đã làm tốt nhiệm vụ, thu về lời lỗ ra sao sau 2 năm quản lý.
Điều quan trọng nhất là VPF đang thiếu một CEO giỏi để xây dựng lại con đường cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Việc chuyên gia Kazuyoshi Tanabe phải trở về Nhật do bệnh tật chắc chắn cũng ảnh hưởng đến kế hoạch của bầu Thắng. Rõ ràng bầu Thắng đang thiếu một cánh tay đắc lực kiểu như ông Tanabe để gỡ rối cho mình vào lúc này.
Trong vai trò tổng chỉ huy của VPF, bầu Thắng cũng mất đi không ít sự trung lập, bởi sau khi nhận lời làm Chủ tịch HĐQT Kiênlongbank, bầu Thắng rơi vào tỉnh cảnh “một ông bầu nhiều đội bóng” như bầu Hiển, khi những quan hệ về mặt hữu cơ với ĐT.LA và K.KG là điều khó phủ nhận.
Cuộc họp ngày 11/9 tới đây của HĐQT VPF chắc chắn sẽ trải qua không ít sóng gió, khi sự tồn tại và hoạt động của VPF đang đứng trước nhiều thách thức mang tầm lịch sử. Ở bối cảnh rối như tơ vò như thế, hẳn bầu Thắng mơ có một Khổng Minh ở thời điểm này, để sẵn sàng 3 lần ghé lều cỏ như Lưu Bị xưa kia, nhằm mời bằng được cao nhân về giúp mình cải tổ VPF.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)