Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. |
- Penalty là gì?
- Lịch sử của quả penalty
- Đề xuất ban đầu
- Sự xuất hiện của quả penalty
- Những phát triển sau này của luật penalty
- Quá trình thực hiện penalty
- Những vi phạm khi đá penalty
- Đá penalty kiểu phối hợp
- Chiến thuật bắt penalty của thủ môn
- Bắt bài người đá phạt
- Gây áp lực cho người đá phạt
- Thông số ghi bàn và cản phá penalty
- Những lỗi dẫn đến penalty
Penalty là gì?
Quả penalty xuất hiện rất thường xuyên trong bóng đá |
Penalty hay còn gọi là phạt đền. Trọng tài sẽ cho một đội hưởng phạt đền khi cầu thủ của họ bị phạm lỗi trong vòng cấm của đối phương. Một cầu thủ sẽ được phép tung ra cú sút về phía khung thành đối phương từ cự ly 11 mét. Chỉ có duy nhất thủ môn được phép phòng ngự khung thành ở tình huống này.
Lịch sử của quả penalty
Đề xuất ban đầu
Ở bộ luật ban đầu của bóng đá, vào năm 1863, không có án phạt cụ thể cho những tình huống phạm lỗi. Đến năm 1872, một quả đá phạt gián tiếp được đưa vào như một hình phạt cho việc dùng tay chơi bóng; sau đó quả đá phạt này được dùng cho những tình huống phạm lỗi khác. Dù vậy, một quả đá phạt gián tiếp được xem là không phải án phạt thỏa đáng cho những tình huống dùng tay ngăn cản những bàn thắng rõ ràng. Vì điều này, đến năm 1882, một luật mới đã được đưa ra và tặng bàn thắng cho một đội bị đối phương ngăn cản ghi bàn bằng việc dùng tay chơi bóng. Luật này chỉ tồn tại 1 mùa giải trước khi bị hủy bỏ vào năm 1883.
Sự xuất hiện của quả penalty
Khi mới áp dụng, quả penalty được thực hiện ở một điểm bất kỳ trên vạch 12 yards (11 mét) so với khung thành |
Thủ môn và doanh nhân William McCrum là người phát minh ra quả penalty vào năm 1890 ở Milford, County Armagh. Liên đoàn bóng đá Ireland đã trình bày ý tưởng này trong cuộc họp của Ủy ban Bóng đá Quốc tế (IFAB) năm 1890. Nhưng ý tưởng này bị hoãn lại để thảo luận ở cuộc họp tiếp theo vào năm 1891.
Hai tình huống dùng tay cản bóng rõ ràng ở mùa giải 1890/91 đã khiến cho ý tưởng này được thông qua sau nhiều cuộc tranh luận. IFAB thông qua ý tưởng này vào ngày 2/6/1891. Luật đá penalty được áp dụng như sau:
- Nếu bất kỳ cầu thủ nào cố ý đốn ngã hoặc giữ cầu thủ đối phương, hoặc cố tình chơi bóng bằng tay trong phạm vi 11 mét từ khung thành của mình, sau khi khiếu nại, trọng tài có thể trao cho bên đối phương một quả penalty, được thực hiện ở bất kỳ điểm nào trong vòng 11 mét từ vạch vôi khung thành, dựa theo các điều kiện sau: Mọi cầu thủ, ngoại trừ người đá penalty và thủ môn đối phương (người không được vượt quá 5,5 mét từ khung thành) phải đứng cách bóng ít nhất 5,5 mét. Bóng sẽ trở lại cuộc chơi khi quả đá được thực hiện và một bàn thắng có thể được ghi từ quả penalty.
Có một số sự khác biệt giữa luật đá penalty năm 1891 và hiện tại, bao gồm:
- quả penalty được trao khi cầu thủ phạm lỗi trong vòng 11 mét kể từ khung thành (vòng cấm chỉ được đưa ra từ năm 1902).
- quả đá được thực hiện ở bất kỳ điểm nào ở vạch kẻ 11 mét so với vạch vôi khung thành (chấm penalty được đưa ra từ năm 1902).
- quả penalty chỉ được trao sau khi cầu thủ khiếu nại.
- không có giới hạn về việc rê bóng trước khi tung ra cú đá.
- bóng có thể được đá về bất cứ hướng nào.
- thủ môn được phép tiến lên phía trước 5,5 mét từ vạch vôi.
Quả đá penalty đầu tiên được thực hiện sau đó 5 ngày, khi Liên đoàn bóng đá Scotland áp dụng luật này. Cầu thủ McLuggage của Royal Albert là người thực hiện quả đá và ghi bàn. Quả penalty đầu tiên của bóng đá Anh được trao cho Wolverhampton Wanderers ở trận đấu với Accrington vào ngày 14/9/1891. Quả penalty được thực hiện và ghi bàn bởi Billy Heath.
Những phát triển sau này của luật penalty
Luật penalty được cải tiến và hoàn thiện theo thời gian |
Năm 1892, cầu thủ đá penalty bị cấm đá quả bóng một lần nữa trước khi bóng chạm vào cầu thủ khác.
Năm 1896, quả bóng bắt buộc phải đá về phía trước, và yêu cầu khiếu nại với cầu thủ cũng được hủy bỏ.
Năm 1902, vòng cấm và chấm penalty được đưa vào áp dụng. Mọi cầu thủ được yêu cầu phải ở ngoài vòng cấm khi quả đá được thực hiện.
Năm 1905, thủ môn được yêu cầu phải đứng ở trên vạch vôi.
Năm 1923, mọi cầu thủ khác được yêu cầu phải đứng cách 9,15 mét từ chấm penalty. Sự thay đổi này nhằm ngăn chặn việc các hậu vệ đứng ở rìa vòng cấm và ngăn cản cầu thủ thực hiện cú đá.
Năm 1930, một chú thích được thêm vào luật, quy định rằng “thủ môn không được di chuyển chân cho đến khi quả đá penalty được thực hiện”.
Năm 1937, một vòng cung ở vòng cấm được thêm vào để hỗ trợ việc giới hạn khoảng cách 9,15 mét với các cầu thủ sau chấm penalty. Thủ môn cũng được yêu cầu phải đứng giữa hai cột dọc.
Năm 1939, có quy định rằng bóng phải bay một khoảng cách bằng chu vi của nó trước khi vào cuộc. Năm 1997, yêu cầu này bị loại bỏ: bóng vào cuộc ngay khi nó được đá đi và bay về phía trước. Năm 2016, có quy định bằng quả bóng phải di chuyển “rõ ràng”.
Năm 1997, thủ môn được di chuyển chân trở lại, và được yêu cầu phải đối mặt với cầu thủ đối phương.
Năm 1982, IFAB quyết định “nếu một cầu thủ dừng lại trong khi chạy đà thì đó là phạm lỗi và sẽ bị cảnh cáo bởi trọng tài”. Nhưng đến năm 1985, IFAB xác định việc cầu thủ làm động tác giả không phải phạm lỗi và tùy ý trọng tài quyết định. Từ năm 2000 đến 2006, tài liệu của IFAB xác định làm động tác giả khi đang chạy đà đá penalty được cho phép. Năm 2010, với việc các cầu thủ làm động tác giả khi đá penalty quá nhiều, một đề xuất được thông qua xác định “giả bộ đá quả bóng khi đã hoàn tất việc chạy đà là vi phạm Luật 14 và là một hành động phi thể thao nên cần được cảnh cáo”.
Quá trình thực hiện penalty
Bóng sẽ được đặt ở chấm phạt đền, bất kể pha phạm lỗi xảy ra ở vị trí nào trong vòng cấm. Cầu thủ thực hiện quả đá phạt cần được xác định với trọng tài. Chỉ có cầu thủ thực hiện cú đá và thủ môn được phép ở trong vòng cấm. Các cầu thủ còn lại phải đứng ngoài vòng cấm và ở cách chấm phạt đền 9,15 mét (khoảng cách này được xác định bởi vòng cung ở rìa vòng cấm).
Thủ môn được phép di chuyển trước khi quả đá được thực hiện nhưng không được vượt quá vạch vôi cầu môn. Thủ môn phải đối mặt với người tung ra cú sút, không được chạm vào cột dọc, xà ngang hay lưới khung thành. Ở thời điểm cú đá được thực hiện, thủ môn cần phải có ít nhất một chân ở chạm hoặc ở sau vạch vôi khung thành.
Khi trọng tài thổi còi thì quả đá phạt đền mới được thực hiện. Người đá có thể làm động tác giả trong thời gian chạy đà nhưng không được làm động tác giả khi đã kết thúc chạy đà. Quả bóng phải đứng yên trước quả đá phạt và phải được đá về phía trước. Khi quả bóng được đá đi, trận đấu coi như được tiếp diễn và các cầu thủ khác có thể được xâm nhập vòng cấm. Người đá phạt không được chạm bóng hai lần cho đến khi quả bóng chạm vào cầu thủ khác hoặc đi hết đường biên, trong đó có bay vào lưới.
Những vi phạm khi đá penalty
Các cầu thủ thường xâm nhập vòng cấm sớm và có thể bị thổi phạt |
Vi phạm trong tình huống đá penalty chủ yếu là cầu thủ xâm nhập vòng cấm quá sớm. Khi đó, trọng tài sẽ phải cân nhắc bóng có đi vào lưới hay không và cầu thủ của đội nào phạm luật. Nếu cầu thủ của cả hai đội đều xâm nhập vòng cấm sớm, quả đá lại sẽ được thực hiện.
Trong những trường hợp sau đây, đội đá phạt đền sẽ bị thổi phạt, bất chấp kết quả của cú đá.
- một đồng đội của cầu thủ được chỉ định đá phạt đền vào đá quả bóng (cầu thủ này sẽ bị cảnh cáo).
- cầu thủ đá phạt làm động tác giả sau khi kết thúc chạy đà (cầu thủ đá phạt bị cảnh cáo).
- cú đá không đưa bóng lên phía trước.
- cầu thủ đá phạt chạm bóng lần thứ hai trước khi nó chạm vào cầu thủ khác (bao gồm cả tình huống bóng dội xà ngang hoặc cột dọc bật trở lại).
Nếu quả bóng chạm vào một vật thể bay vào sân đấu, quả đá sẽ được thực hiện lại, nếu nó có hướng đi về phía trước.
Đá penalty kiểu phối hợp
Henry và Pires có pha phối hợp đá penalty đi vào lịch sử |
Thuật ngữ “tap penalty” được chỉ tình huống người đá phạt không đá thẳng bóng về khung thành mà chuyền cho đồng đội. Nếu được thực hiện chính xác, đây vẫn là tình huống hợp lệ vì cầu thủ đá phạt không được yêu cầu đá thẳng bóng về khung thành mà chỉ cần đưa bóng lên phía trước.
Pha tap penalty đầu tiên được ghi nhận là tình huống Jimmy McIlroy và Danny Blanchflower ghi bàn cho Bắc Ireland trước Bồ Đào Nha vào ngày 1/5/1957. Một pha tap penalty khác được thực hiện bởi Rik Coppens và Andre Piters ở trận đấu giữa Bỉ và Iceland ở vòng loại World Cup vào ngày 5/6/1957. Vào năm 1982, Johan Cruyff chuyền cho Jesper Olsen rồi nhận được đường chuyền lại và đệm bóng vào lưới.
Cặp cầu thủ của Arsenal là Thierry Henry và Robert Pires từng thực hiện lỗi một quả tap penalty vào năm 2005, ở trận đấu với Man City tại sân Highbury. Pires chạy đà và định chuyền cho Henry nhưng mắc sai lầm khiến quả bóng gần như không di chuyển. Hậu vệ Sylvain Distin của Man City đã chạy đến phá bóng trước khi Henry có thể tung ra cú sút.
Lionel Messi từng giúp Luis Suarez hoàn tất cú hat-trick vào lưới Celta Vigo bằng một pha tap penalty vào ngày 14/2/2016.
Chiến thuật bắt penalty của thủ môn
Bắt bài người đá phạt
Bắt penalty là một trong những nhiệm vụ khó nhất với một thủ môn. Vì cự ly gần nên thủ môn có rất ít thời gian để phản ứng trước cú đá. Vì lý do này nên các thủ môn thường phải đổ người trước khi cú đá được thực hiện. Khi đó, các thủ môn cần phải đưa ra phán đoán tốt nhất về hướng sút của cầu thủ đối phương.
Khi cầu thủ đá phạt chạy đà, thủ môn chỉ có một tích tắc nhỏ để phán đoán hướng sút và bay người. Helmuth Duckadam của Steaua Bucuresti từng cản phá 4 quả penalty liên tiếp ở trận chung kết cúp châu Âu trước Barcelona.
Một thủ môn cũng có thể dựa vào hiểu biết về thói quen đá penalty của cầu thủ đối phương từ trước để đưa ra quyết định. Các thủ môn thường ghi nhớ thông tin về thói quen sút penalty của cầu thủ đối phương hoặc “mang phao” vào sân theo nhiều cách khác nhau.
Gây áp lực cho người đá phạt
Emiliano Martinez gây áp lực khiến Tchouameni đá hỏng quả penalty quan trọng cho Pháp |
Các thủ môn cũng có thể tìm cách gây áp lực cho người đá phạt và khiến họ dễ mắc sai lầm hơn. Đơn cử như tình huống Van der Sar chỉ tay về bên trái khi Nicolas Anelka thực hiện quả penalty ở trận chung kết Champions League năm 2008. Tất cả các tình huống đá penalty của Chelsea trước đó đều về bên trái của Van der Sar. Sau cùng, Anelka đá về bên phải và bị Van der Sar cản phá.
Ngoài ra, một phương pháp khác là các thủ môn nhảy sớm về phía trước. Cách thức này làm hẹp góc sút của đối phương và cũng khiến cầu thủ thực hiện quả phạt gặp áp lực. Nhưng phương pháp này đã bị giới hạn với luật bắt buộc thủ môn phải đặt một chân ở vạch vôi khi cản phá penalty.
Các thủ môn cũng có thể trì hoãn quả đá phạt bằng nhiều cách khác nhau. Phương pháp này tạo ra nhiều áp lực hơn cho người đá, nhưng thủ môn cũng có nguy cơ phải nhận thẻ vàng cảnh cáo.
Một thủ môn cũng có thể làm đối phương xao nhãng bằng cách nói chuyện với họ trước quả phạt. Emiliano Martinez được xem là thủ môn có khả năng gây sức ép tâm lý rất tốt cho đối thủ trước những quả penalty. Nổi bật nhất là khi Martinez nói chuyện với các cầu thủ Colombia trước loạt luân lưu ở bán kết Copa America năm 2021 và ném quả bóng đi khi Aurelien Tchouameni chuẩn bị đá phạt ở chung kết World Cup 2022. Đã có những thay đổi để tránh thủ môn gây áp lực cho người đá phạt, nhưng Emiliano Martinez khẳng định anh đã “cứu xong những quả penalty cần phải cứu” nên không quan tâm.
Thông số ghi bàn và cản phá penalty
Kể cả khi thủ môn chặn được cú sút, quả bóng vẫn có thể bật lại và người đá hoặc đồng đội của anh ta có thể ghi bàn bằng một cú đá bồi. Nhưng đây không phải là vấn đề ở loạt luân lưu, khi người đá chỉ được phép tung ra một cú sút duy nhất.
Các quả penalty được xem là dễ thành công hơn, nhưng việc đá hỏng penalty cũng thường xuyên xuất hiện. Điển hình như Premier League mùa 2005/06, khi 78 quả penalty được thực hiện nhưng chỉ 57 quả thành công. Như vậy, có tới 30% số quả penalty đã không trở thành bàn thắng.
Một giáo sư người Đức đã nghiên cứu thông số penalty ở Bundesliga trong 16 năm cho thấy chỉ 76% số quả penalty thành bàn. 99% số cú sút ở khu vực nửa trên của khung thành đã trở thành bàn thắng.
Một vài thủ môn được biết đến với khả năng cứu penalty. Diego Alves của Flamengo từng đạt tỷ lệ cứu thua lên tới 49%. Những thủ môn khác có tỷ lệ cứu thua cao trong sự nghiệp có Claudio Bravo, Kevin Trapp, Samir Handanovic, Gianluigi Buffon, Tim Krul, Danijel Subasic và Manuel Neuer.
Những lỗi dẫn đến penalty
Va chạm trong vòng cấm rất dễ dẫn đến penalty |
Một quả penalty được thổi khi một cầu thủ phạm lỗi với đối phương trong vòng cấm của mình. Những lỗi dẫn đến penalty bao gồm:
- dùng tay chơi bóng (ngoại trừ thủ môn)
- một trong những hành động sau đây mà trọng tài xem là cầu thủ phòng ngự bất cẩn hoặc sử dụng lực hơi quá: lao đến, nhảy đến, đá, đẩy, đánh (bao gồm húc đầu), tắc bóng hoặc tranh chấp, đốn ngã hoặc cố gắng đốn ngã
- giữ đối thủ lại
- cản trở đối phương bằng tiếp xúc
- cắn hoặc nhổ về ai đó
- ném một vật thể về quả bóng, đối phương hoặc trọng tài.
- bất kỳ tác động vật lý không đúng mực nào với đồng đội, các cầu thủ dự bị hoặc các cầu thủ nhận thẻ đỏ, quan chức của đội hoặc tổ trọng tài.
- một cầu thủ cần yêu cầu trọng tài cho trở lại sân, những cầu thủ dự bị, nhận thẻ đỏ hoặc quan chức của đội vào sân mà chưa được phép của trọng tài, và can thiệp vào tình huống bóng (ví dụ một cầu thủ dự bị đá quả bóng khi nó chưa đi hết đường biên có thể khiến đội bị phạt penalty).
- một cầu thủ cần yêu cầu trọng tài cho trở lại sân, những cầu thủ dự bị, nhận thẻ đỏ hoặc quan chức của đội vào sân mà chưa được phép của trọng tài khi đội của họ ghi bàn thắng. Bàn thắng đó sẽ bị từ chối.
- một cầu thủ tạm thời rời khỏi sân đấu, các cầu thủ dự bị, nhận thẻ đỏ hoặc quan chức của đội ném hoặc đá một vật thể vào sân đấu và vật thể đó ảnh hưởng đến tình huống, đối thủ hoặc trọng tài.
- một quả penalty cũng được thổi nếu bóng vẫn đang ở trong sân mà một cầu thủ phạm lỗi với đối thủ bên ngoài sân đấu. Khi đó, trọng tài sẽ xem xét vạch kẻ nào gần với vụ việc nhất và có thể thổi phạt penalty.