Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
Bóng đá thế giới năm 2023 chứng kiến nhiều sự kiện đáng chú ý trong đó mỗi sự kiện, câu chuyện lại có những điểm thú vị riêng. Trong khuôn khổ bài viết này, hãy cùng nhìn lại những cú “chuyển mình” đáng chú ý nhất của bóng đá thế giới trong năm vừa qua, dưới góc nhìn của người viết.
Tiếng gầm của những kẻ mới nổi
Đầu năm 2023, Ronaldo chọn Al Nassr làm điểm đến tiếp theo sau hai thập kỷ chinh phạt châu Âu. Saudi Arabia là một nền bóng đá mạnh của khu vực châu Á. Nhưng trước thời điểm Ronaldo nổ phát súng mở màn cho cuộc đổ bổ vào quốc gia vùng Vịnh này, hình dung của người hâm mộ thế giới về bóng đá Saudi Arabia có chăng chỉ là đội đánh bại Argentina ngay trận mở màn World Cup 2022.
Tới lúc này, sức hút của Saudi Pro League đã vươn tầm thế giới, bằng chứng là giải đấu đã được phát sóng tại 170 quốc gia khác nhau. Nhưng tham vọng của những người làm bóng đá ở quốc gia này chưa dừng lại ở đó. Việc xây dựng hình ảnh một Saudi Pro League đầy hấp dẫn là một phần trong kế hoạch hướng tới World Cup 2034 diễn ra ở tại Saudi Arabia.
Saudi Pro League liên tục đón những sao số tầm cỡ như Neymar trong năm qua |
Nửa năm sau khi Ronaldo chuyển tới Al Nassr, Leo Messi cũng nói lời chia tay châu Âu để cập bến Inter Miami. Giống với Ronaldo, Messi mở màn cho một cuộc “chạy đua vũ trang” của Inter Miami và rất có thể, trong tương lai, là phần còn lại của MLS.
Chủ tịch David Beckham, người từng là thành viên của "dải ngân hà" Real Madrid đời đầu, không ngần ngại tạo ra điều tương tự tại sân DRV PNK. Những người bạn thân của Leo, từ Busquets, Jordi Alba cho tới mới nhất là Suarez đã xuất hiện và rất có thể, trong tương lai sẽ còn nhiều sao số khác cũng tới đây.
Mỹ, cũng giống với Saudi Arabia, sẽ làm chủ nhà một kỳ World Cup trong vài năm tới. Lẽ đó, siêu cường này muốn người hâm mộ thế giới biết nhiều hơn về bóng đá Mỹ. MLS hay cụ thể hơn là Inter Miami có thể là viên gạch đầu tiên trong hành trình nâng tầm, quảng bá hình ảnh bóng đá Mỹ của giới lãnh đạo quốc gia này.
Messi tạo ra sức hút mới cho bóng đá Mỹ sau khi gia nhập Inter Miami |
Cuộc ganh đua trở thành biểu tượng giữa Ronaldo và Messi tại sân cỏ châu Âu đã dừng lại sau gần hai thập kỷ. “Vắng mợ chợ vẫn đông”, thiếu đi Ronaldo và Messi, Champions League vẫn đầy hấp dẫn. Nhưng rõ ràng sức hút của các giải đấu cấp UEFA đã chịu ảnh hưởng ít nhiều khi thiếu đi bộ đôi kỳ phùng địch thủ này.
Khi UEFA chưa kịp “hoàn hồn”, họ tiếp tục nhận một đòn đau khác. European Super League, siêu giải đấu tưởng như đã “chết yểu” bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc chiến về pháp lý trước UEFA.
Super League chưa thể thay thế chứ đừng nói lật đổ vị thế của Champions League. Saudi Pro League hay MLS cũng khó có thể đạt tới chất lượng như sân chơi cao nhất lục địa già. Nhưng sự xuất hiện của những "kẻ mới nổi" trên giống như lời cảnh báo với vị thế của UEFA. Nếu lãnh đạo cơ quan này không chịu đổi mới tư duy, cú chuyển mình của những làn gió mới có thể tạo ra không ít cơn sóng dữ.
Vị thế mới của bóng đá nữ
Sau World Cup 2022 tại Qatar, kỳ World Cup nữ 2023 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Australia và New Zealand làm quá tốt nhiệm vụ đăng cai một giải đấu tầm cỡ thế giới. Sức hút của bóng đá nữ thế giới cũng vì thế mà ghi nhận những thay đổi đáng kể.
World Cup nữ 2023 diễn ra thành công tốt đẹp |
Theo thống kê từ FIFA, kỳ World Cup nữ 2023 có tổng số khán giả tới sân cao nhất lịch sử, với xấp xỉ 2 triệu người. Số khán giả trung bình cũng cán mốc 30 nghìn người/trận. Cả hai thông số này đều lớn hơn đáng kể so với giải đấu cách đây 4 năm tại Pháp (với tổng lượng CĐV là 1,13 triệu người cùng trung bình 21,756 khán giả mỗi trận).
Không chỉ ở sân chơi World Cup, sức hấp dẫn của bóng đá nữ cũng lan tỏa tới các giải đấu cấp CLB. Trận đấu giữa đội nữ Arsenal vs Chelsea ngày 11/12 vừa qua ghi nhận 59,042 khán giả tới sân Emirates - kỷ lục mới của giải đấu. Còn ở cấp độ ĐTQG, trận đấu giữa Anh vs Hà Lan hồi đầu tháng 12 tại Nations League nữ cũng đón chào hơn 71 nghìn CĐV tới sân Wembley.
Hơn 71 nghìn CĐV tới sân cổ vũ ĐT nữ Anh hồi tháng 12 vừa qua |
Nỗ lực của các bên liên quan đã và đang tạo điều kiện để bóng đá nữ tiến gần tới sự “bình đẳng” so với bóng đá nam. Những con số ngày một tích cực, hàng loạt kỷ lục bị phá vỡ là minh chứng cho sức hấp dẫn ngày một lớn, là lời khẳng định cho bước chuyển mình của bóng đá nữ.
Lời khẳng định ấy đến rất tự nhiên, không gồng ép. Hàng loạt kỷ lục về CĐV bị phá vỡ mang lại nhiều giá trị, thực tiễn và bền vững hơn rất nhiều so với những lời phát biểu đòi quyền lợi nghe đậm chất truyền cảm hứng, nhưng thực tế lại sáo rỗng và xa vời hiện thực.
ĐT Nhật Bản và cú chuyển mình đầy ấn tượng
Theo bảng xếp hạng FIFA tháng 12/2023, ĐT Nhật Bản xếp thứ 17 thế giới và là đội bóng đứng đầu châu Á. Nếu con số trên chưa đủ thuyết phục, hãy nhớ rằng ĐT Đức hùng mạnh chỉ đang xếp thứ 16, trên Nhật Bản đúng 1 bậc. Cuối năm 2022, ĐT Nhật Bản xếp thứ 20 và phong độ xuất sắc trong năm qua giúp Nhật Bản kết thúc năm 2023 ở vị trí thứ 17.
Trong năm nay, “Samurai xanh” đá 10 trận, thắng 8, hòa 1 và thua 1. Sau hai trận hòa và thua trước Uruguay hồi tháng 3, đoàn quân của Moriyasu thắng liền 8 trận, ghi 32 bàn và chỉ để lọt lưới 5 bàn. Trong cùng thời gian, chỉ có ĐT Anh thua ít hơn Nhật Bản (bất bại trong năm 2023). Hai đội vào chung kết World Cup 2022 là Pháp và Argentina có số trận hòa và thua tương đương đại diện châu Á.
ĐT Nhật Bản thi đấu ấn tượng trong năm 2023 |
Điều đáng nói là ĐT Nhật Bản chỉ giỏi bắt nạt đối thủ yếu. Hồi tháng 9, Nhật Bản lần lượt đánh bại hai đội bóng châu Âu là Đức và Thổ Nhĩ Kỳ với tỉ số lần lượt là 4-1 và 4-2. Thầy trò Hajime Moriyasu chứng minh trận thua Croatia năm ngoái chỉ là tai nạn. ĐT Nhật Bản cũng khẳng định hai chiến thắng trước Đức và Tây Ban Nha tại Qatar không phải là ăn may.
Thành tích ấn tượng của bóng đá xứ mặt trời mọc cũng không đến trong một sớm một chiều. Đó là thành quả của quá trình xây dựng, phát triển một tập thể ĐT Nhật Bản chuyên nghiệp, có chiều sâu dựa trên nền tảng vững chắc. Không phải ngẫu nhiên cầu thủ Nhật Bản có chỗ đứng ở các giải đấu hàng đầu châu Âu.
Giải VĐQG Nhật Bản có thể không quy tụ nhiều sao số như Saudi Pro League, nhưng các đội tại J.League 1 thi đấu ở cường độ rất cao. Thống kê từ trang chủ J.League chỉ ra rằng một cầu thủ tại giải đấu này chạy trung bình 11km/trận. Để có tương quan, Sergio Busquets từng lập kỷ lục với quãng đường di chuyển trung bình mỗi trận ở mùa giải La Liga 2021/2022 với con số là 11,19km.
Giải bóng đá học sinh toàn Nhật Bản được tổ chức cực kỳ chuyên nghiệp |
Nền tảng cho bước tiến bền vững của bóng đá Nhật Bản đến từ nguồn lực bóng đá học đường của quốc gia này. Giải học sinh trung học toàn Nhật Bản đã có “thâm niên” lên tới 102 năm, được 43 đài truyền hình khắp nước Nhật mua bản quyền phát sóng. Yuya Osako, cầu thủ từng ghi bàn tại World Cup, cũng vươn lên từ sân chơi này.
Như đã nói, bóng đá Nhật Bản không thu trái ngọt qua một sớm một chiều. Phải mất nhiều thời gian, các CLB tại đây mới sở hữu sân cỏ đạt chuẩn (không có chuyện cháy cỏ, sân đọng nước thành vũng hay sơn cỏ). BTC J.League cũng lên kế hoạch dài hơi cho việc thay đổi thời gian diễn ra mùa giải. Phải tới năm 2026, mùa giải J.League mới kéo dài qua hai năm, tức các đội sẽ có tới 3 năm để chuẩn bị cho thay đổi này.
2026 cũng là thời điểm World Cup diễn ra tại Mỹ. Sau cú chuyển mình ấn tượng ở năm 2023, “Samurai xanh” giờ đã trở thành thế lực thực sự của bóng đá thế giới và sẵn sàng tạo nên kỳ tích sau cú ngã ngựa đầy nuối tiếc ở Qatar năm 2022.