Thứ Năm, 26/12/2024 Mới nhất
Zalo

Từ La Masia đến M-S-N: Sự suy vi của một đế chế

Thứ Tư 20/07/2016 07:40(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Robert Fernandez, giám đốc kỹ thuật của Barcelona đã phải than rằng sự xuất hiện của bộ ba M-S-N đã giết chết sự cạnh tranh trên hàng công Barcelona.

Trong giới quân sự, West Point (Mỹ) được coi là hình mẫu của học viện quân sự kiểu mẫu thì trong bóng đá, La Masia được đánh giá tương tự với hệ thống đào tạo trẻ hàng đầu thế giới nhờ nền móng được tạo dựng bởi huyền thoại Johan Cruyff. Trong một thập kỷ qua, thành công của Barcelona gắn bó mật thiết với La Masia.
Tu La Masia den M-S-N Su suy vi cua mot de che hinh anh
Thời kỳ hoàng kim của La Masia đang dần trôi qua.

Hồi năm 2010, Messi, Xavi, Iniesta - ba cầu thủ trưởng thành từ La Masia - đều nằm trong Top 3 tranh danh hiệu Quả bóng vàng FIFA. Bên cạnh 3 cái tên vĩ đại đó, La Masia còn sản sinh ra một loạt gương mặt ưu tú khác như Fabregas, Pique, Pedro, Jordi Alba, Thiago Alcantara, Marc Bartra, Martin Montoya,...
25/11/2012 là ngày đánh dấu cột mốc huy hoàng của La Masia. Khoảnh khắc Dani Alves rời sân để nhường chỗ cho Montoya giúp Barcelona viết nên trang sử duy nhất trong hơn một thế kỷ tồn tại. Lần đầu tiên, đội hình 11 cầu thủ của Barcelona có mặt trên sân đều mang xuất thân La Masia.
Nhưng cho đến ngày nay, nhiều cầu thủ trưởng thành từ đây đang phải tìm cơ hội tại miền đất khác. Nou Camp trở thành nơi phô diễn cho những tài năng đến từ bên ngoài như Neymar, Luis Suarez, Rakitic và sắp tới là những Umtiti hay Digne.
Sự suy vi của La Masia
Việc Barcelona hướng đến xây dựng "Galaticos" là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc sản phẩm "cây nhà lá vườn" phải rời đi. Trong những năm qua, Barcelona thực hiện không ít những bản hợp đồng "bom tấn" như Ibrahimovic, Luis Suarez, Neymar. Đó là chưa kể đến David Villa, Jeremy Mathieu, Aleix Vidal, Arda Turan, Rakitic hay mới nhất là Umtiti, Digne... 
Điều đó khiến một loạt sao trẻ được đào tạo ra phải tìm kiếm cơ hội ở một miền đất khác. Tiêu biểu là việc Bojan Krkic phải ra đi sau khi thương vụ Ibrahimovic thành công. Sự xuất hiện của Neymar tại Nou Camp cũng khiến cơ hội của những Isaac Cuenca, Cristian Tello và Delofeu khép lại. Mùa hè năm sau, Fabregas bị đẩy sang Chelsea để nhường chỗ cho Ivan Rakitic.
Tu La Masia den M-S-N Su suy vi cua mot de che hinh anh 2
Suarez - Neymar trong bộ ba MNS đã cướp mất cơ hội ra sân của rất nhiều cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo La Masia.

Theo thống kê, có khoảng 30 cầu thủ dán mác La Masia đang thi đấu tại 5 giải đấu hàng đầu châu Âu trong mùa giải 2015-16 (đương nhiên không tính Barcelona). Trong số 28 cầu thủ thuộc biên chế đội một Barcelona hiện nay, chỉ có một nửa trưởng thành từ La Masia và chỉ có 5 cầu thủ thường xuyên được ra sân hay nói một cách khác được xem là chủ lực của đội bóng gồm Pique, Jordi Alba, Busquets, Iniesta và Messi. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, Pique và Alba từng phải rời khỏi Barca để phát triển sự nghiệp và đến khi thật sự thành tài, họ mới được đưa trở về Nou Camp.
Rõ ràng Barcelona hiện nay đang đi ngược với chính sách từng đưa họ đến thành công trong khoảng gần một thập kỷ gần đây. Kể từ năm 2008, cột mốc bắt đầu đánh đấu sự thống trị của lò đào tạo La Masia trong đội hình, Barcelona đã giành được 6 La Liga, 4 cúp nhà vua, 4 siêu cúp Tây Ban Nha, 3 Champions League, 3 Siêu cúp châu Âu, 3 FIFA Club World Cup. 
Theo đánh giá của các chuyên gia, tầm ảnh hưởng của La Masia trong đội hình Barcelona suy giảm có nhiều nguyên nhân nhưng đều bắt nguồn từ việc lối chơi tiki taka đang dần "lỗi thời". Nhờ sự thành công lối chơi tiki taka được Guardiola phát triển và giới thiệu, La Masia cũng đào tạo các cầu thủ trẻ theo hướng này.
Nhưng việc tiki taka dần bị bắt bài khiến triết lý của Barcelona buộc phải có sự thay đổi. Barca đang hướng đến lối đá trực diện hơn thay vì quá đề cao khả năng kiểm soát bóng. Điều đó đòi hỏi các cầu thủ phải có lối chơi đa dạng, điều mà La Masia vốn được đào tạo cùng một khuôn không thể đáp ứng được.
Vấn đề thứ hai là không chỉ La Masia mà bất cứ lò đào tạo trẻ nào trên thế giới không phải lúc nào cũng có thể "sản xuất" ra lứa cầu thủ xuất chúng như "thế hệ 1987" của Messi, Pique, Fabregas,...Đơn cử như Manchester United cũng rất nổi tiếng trong việc đào tạo trẻ song tính đến thời điểm này, mới chỉ hai lần trong lịch sử sản sinh ra thế hệ tài năng đẳng cấp thế giới là Busby's Babes và thế hệ 1992. 
Việc dần thay đổi triết lý trên sân cỏ cũng kéo theo sự thay đổi về cách lựa chọn con người. Có lẽ quãng thời gian từ năm 2010-2012 là thời điểm huy hoàng nhất của La Masia trong lịch sử Barca. Và người hâm mộ sẽ phải chờ rất lâu nữa để được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử như cái ngày 25/11/2012.
Như Đạt
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X