Trong một bài viết với nhan đề “Ký sự về Mourinho”, nhà sản xuất điện ảnh, sân khấu và truyền hình, Jose Samano, người cũng là Trưởng ban Thể thao của tờ El Pais, tờ báo lớn nhất của Tây Ban Nha, khẳng định HLV hiện nay của Real Madrid là người luôn từ chối các nhà báo điều mà ông luôn từ chối các cầu thủ của mình, đó là tự do ngôn luận.
Trước khi là HLV, Jose Mourinho đã từng thực tập trong ngành báo chí. Trong thời gian còn làm phiên dịch ở Barcelona, quãng đời mà giờ đây ông tự nguyện lãng quên gần hết, Mourinho đã làm quen với cái thế giới truyền thông mà hiện nay ông rất thù ghét. Có vẻ giới báo chí đã “đánh trượt” Mou ở môn tự do ngôn luận khi “Người đặc biệt” trừng phạt các học trò của mình sau những gì họ đã nói, với Sergio Ramos là một ví dụ mới nhất. Nhưng ông đã đỗ thủ khoa ở bộ môn “tuyên truyền học”. Đối với nhà cầm quân tự phong cho mình danh hiệu là “Người duy nhất”, báo chí chẳng qua chỉ là một cái loa phóng thanh cho ông. Ông không thiếu lý do để lập luận như vậy, bởi vì có rất nhiều người cũng coi các nhà báo như những "kẻ giết người thuê", chỉ để chống lại quyền lợi của họ.
Quan hệ giữa Mourinho và giới truyền thông Tây Ban Nha hiếm khi tốt đẹp
Sau trận thắng Man City, Mourinho đến phòng họp báo không để chỉ trích các học trò của mình như sau các thất bại tại Liga trước Sevilla hoặc Getafe, mà để “mắng vốn” cánh báo chí, những người tất nhiên không vì bị “Người đặc biệt” phán xét mà từ bỏ quyền tự do ngôn luận của mình. Hướng tới các nhà báo, Mourinho nói giọng chế giễu: “Các bài viết đã được các anh soạn sẵn, tôi biết như vậy, tôi có một hacker thông báo cho tôi tất cả những gì các anh định viết. Thí dụ như Mourinho điên rồi, ai lại xếp Essien, Khedira và Alonso đá cùng nhau; tại sao lại cho El Pipa (Higuain) đá chính trong khi anh ta không biết ghi bàn tại Champions League, Coentrao là gì mà được vào sân… nhưng thật không may mắn (cho các nhà báo), chúng tôi đã chiến thắng”.
Nếu nói việc để Ramos ngồi trên băng ghế dự bị chỉ xuất phát từ một quyết định mang tính kỹ thuật, thì xin Mou hãy giải thích rõ hơn cho các khán giả qua giới truyền thông, bởi vì họ là sợi dây nối CLB với các hội viên, với khán giả, CĐV, những người tiêu thụ bóng đá và các madridistas, tựu chung lại là những người cho phép Mou trở thành “Người đặc biệt”, cả trong các tài khoản ở ngân hàng. Mourinho sợ gì mà không nói rõ về “quyết định kỹ thuật” khi luôn cho mình là sự thật tuyệt đối và không bao giờ biết giả dối là gì.
Trong khi tưởng tượng những gì mà các nhà báo định viết, HLV người Bồ Đào Nha đã cố tình bỏ qua một thực tế khách quan đã xảy ra: với các cầu thủ chính thức (Essien/Khedira/Higuain), kết quả quá xấu; còn với sự thay người ở phút cuối như dư luận và báo chí yêu cầu (Ozil/Modric/Benzema), Madrid đã chiến thắng. Một bằng chứng khác về sự bất chấp tất cả của Mourinho đối với công luận là ông luôn đánh giá cao Coentrao kể cả khi cầu thủ này vắng mặt trong các chiến thắng của Madrid. Bất cứ một cây viết thể thao nào cũng dám khẳng định không một ai nhớ tới cầu thủ đồng hương của ông khi Marcelo thi đấu, cho dù hậu vệ người Brazil có ghi bàn hay không.
HLV người Bồ Đào Nha cũng nói tới ADN của Real Madrid và tự tiện giải thích “nguồn gen” theo cách riêng của mình. Chẳng nhẽ một người mới chỉ có một danh hiệu Liga so với con số 32 lần Madrid đăng quang tại đây lại có đủ thẩm quyền để cho rằng chưa bao giờ đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha có một cuộc chinh phục kỳ vĩ duy nhất như mùa bóng vừa qua? Liệu các gen madridistas có thay đổi chỉ vì một cú sút thành bàn của CR7 ở những giây cuối cùng?
Mourinho không thích tự do ngôn luận, trong khi bản thân ông thích muốn nói gì thì nói.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)