(Bongda24h) – So với những cuộc đối đầu khác giữa Barcelona và Real Madrid thì cuộc đọ sức lần này ở Nou Camp có nhiều điều để nói hơn, bởi đang diễn ra một cuộc đấu tranh đòi ly khai khỏi đất nước Tây Ban Nha của xứ Catalan.
Từ lâu Tây Ban Nha luôn phải đấu tranh với phong trào ly khai dữ dội của các xứ như Basque, Andalucia, Catalan và chính vì mâu thuẫn nội bộ ấy mà quốc gia này cũng không thể tìm được cho mình một bài quốc ca. Thay vào đó là một bản nhạc không lời. Đó mới chỉ là hình ảnh tiêu biểu cho một loạt sự kiện liên quan đến chính trị sau này mà bóng đá dù muốn tồn tại độc lập song cũng không thể tránh khỏi những ảnh hưởng, bởi các CLB ở Tây Ban Nha thường mang bản sắc vùng miền rõ rệt.
Biểu ngữ mang đậm màu sắc chính trị của các CĐV xứ Catalan
Trận El Clasico tập 3 mùa 2012/13 diễn ra trong bối cảnh xứ Catalan đòi ly khai, các phong trào ly khai cũng bắt đầu bùng nổ ở xứ bò tót và bóng đá cũng không thể tránh khỏi bị tác động. Điển hình nhất là những trận đấu sân nhà gần đây của Barca, người ta luôn thấy lá cờ vàng sọc đỏ của xứ Catalan tràn ngập trên các khán đài. Ngay cả chủ tịch Sandro Rosell của Barca cũng từng đề cập đến vấn đề này bằng tuyên bố: “Ngay cả khi Catalan có giành độc lập từ Tây Ban Nha thì Barca vẫn sẽ dự La Liga…”.
Khi tờ Marca mang vấn đề tế nhị này hỏi HLV Vilanova, thì nhà cầm quân sinh ra ở xứ Catalan lại tỏ ra hết sức khôn khéo khi khẳng định không nên đề cập đến chính trị ở bóng đá: “Trận El Clasico này giống như bao trận đấu khác, nó chỉ là bóng đá, là niềm tự hào của Barcelona lẫn Real Madrid. Nó không thể bị biến thành vũ đài chính trị. Dĩ nhiên đội bóng nào cũng muốn chiến thắng nhưng chiến thắng ấy sẽ chỉ để cho niềm vui của các CĐV chứ không phải là niềm vui của phe phái chính trị nào cả. El Clasico là một trận bóng đá đơn thuần và hãy giữ lại bản sắc đó cho nó”.
Những tuyên bố của Vilanova có lẽ đã làm dịu bớt sức nóng chính trị lan tỏa trước giờ bóng lăn ở Nou Camp, nhưng không thể phủ nhận trong lòng rất nhiều các CĐV, họ muốn một chiến thắng của đội bóng thân yêu để qua đó lấy làm động cơ cho một cuộc đấu tranh.
Minh Minh (Theo Marca)