Đôi khi sở hữu một siêu sao hàng đầu thế giới không phải đã là tốt cho đội bóng. Và đôi khi bán đi siêu sao ấy lại là cách mở đường tiến tới thành công. Thời còn ở Barcelona, Sir Bobby Robson rất sợ phải nghe điện thoại bởi tiếng chuông thường báo hiệu một sự xáo trộn với đội bóng của ông. “Thưa ông, Manchester muốn tôi”, “Thưa ông, Milan cũng muốn có tôi”… Sir Bobby nghe những câu nói ấy thường xuyên sau các cuộc điện thoại.
Barca quá phụ thuộc vào Messi, cũng như Tottenham phụ thuộc vào Bale
Từ chuyện của Ronaldo “béo”
Đặc biệt gần như tuần nào trong mùa 1996-97 cũng đều có một cuộc gọi như thế, và đoán xem ai là người nói những câu ấy? Chính là “Ronaldo đích thực” đến từ Brazil, khi ấy mới 20 tuổi.
Ai cũng muốn có Ronaldo. 47 bàn sau 49 trận, chỉ có Ronaldo làm được. Lionel Messi và Cristiano Ronaldo lúc này đang là những chân sút hủy diệt, nhưng khi đó Ronaldo là cầu thủ “ở một đẳng cấp khác”, theo lời BLV Jimmy Magee. Barca không có lựa chọn nào khác, họ phải xây dựng đội bóng xung quanh chàng tiền đạo xứ Samba này. Do vậy cứ mỗi lần Ronaldo tiếp cận Sir Bobby, ông đều đáp lại “tốt nhất là hãy ở đây”.
Bobby Robson sống nốt quãng đời còn lại để biết câu trả lời của ông đã đúng. Chỉ có Ronaldo chọn sai con đường. Sau một năm ở Camp Nou, anh sang Inter ở Serie A, giải đấu khi đó giàu nhất thế giới. Và rồi quá trình chờ đợi một chức VĐQG của anh cứ kéo dài, thậm chí anh không bao giờ vô địch Champions League. Bất chấp số bàn thắng của mình, Inter mang lại cho Ronaldo chính xác những gì Barca mang lại trong mùa 1996-97: về nhì. Trong khi đó Barca đoạt cú đúp năm 1998 và tái lập thành tích đó một năm sau.
Một phần quan trọng trong câu chuyện này là Barca đã không cố gắng thay thế Ronaldo. Không ai có thể thay được Ronaldo. Thay vào đó, HLV Van Gaal dùng tiền để tân trang đội hình với nhiều nhân tố mới.
Đến chuyện của Gareth Bale
Rất nhiều CLB sau khi bán ngôi sao chủ lực đã thành công vang dội. Năm 1987, PSV bán Ruud Gullitt sang Milan với giá kỷ lục, và ngay mùa giải tiếp theo họ đoạt Cúp C1. Năm 1991, Milan mua QBV Jean Pierre-Papin từ Marseille để rồi bị CLB này đánh bại ở chung kết Champions League 1993.
Sự ra đi của một ngôi sao không phải lúc này cũng là thảm họa. Bayern ăn ba mùa trước mà không có một ngôi sao nào quá nổi bật bởi họ ra đòn từ mọi hướng. Vấn đề của bóng đá là khi một cầu thủ trẻ phát triển vượt xa mong đợi, anh ta buộc CLB phải xây dựng lối chơi xung quanh mình. Điều đó xảy ra với Gerrard ở Liverpool, Bale ở Tottenham và Messi ở Barcelona. Messi rất xuất sắc nhưng không thể chối cãi được rằng Barca đã phụ thuộc vào Messi quá nhiều và mất đi sự đa dạng trong tấn công từng thể hiện ở 3 năm đầu tiên của Guardiola. Nó lý giải vì sao Neymar được đưa về.
Hiệu ứng của một cầu thủ ảnh hưởng lên toàn đội thế nào? Khi Messi đang có phong độ cao, không ai cản được Barca. Khi Messi yếu về thể lực, sa sút tâm lý hay không thể thi đấu, Barca vẫn có thể thắng nhưng mất đi sự tự tin thường có. Chưa hết, cái cách mà một cầu thủ ngôi sao như Gareth Bale được trọng vọng tại Tottenham hoàn toàn có thể dẫn tới những đòi hỏi quá đáng, như Bale đòi các đợt lên bóng phải đi qua mình, điều đó tạo ra bầu không khí tiêu cực.Đối thủ sẽ học được nhiều điều từ những “đội bóng một sao” như thế. Họ chỉ việc nghĩ cách bắt chặt một cầu thủ. Tạp chí Four-Four-Two từng có một cuộc khảo sát cho kết quả rằng 80% các cầu thủ trước khi vào sân đều dành hết sự quan sát cho cầu thủ ngôi sao bên phía đội bạn.
Bán đi ngôi sao số 1 lại là cách mở ra thành công cho CLB. Nếu Bale mang cho Tottenham một bọc tiền và những cầu thủ chất lượng, ai biết được điều gì sẽ xảy ra?
Người xúc tiến mua Bale cho Real là Zidane. Năm 2001, Zidane được Real mua từ Juventus với giá 75 triệu euro. Juve dùng số tiền đó để tăng cường Buffon, Thuram cùng Nedved. Một năm sau, Scudetto (lánh mặt Juve từ năm 1998) đã về với Delle Alpi. Một năm sau nữa, Juve loại Real khỏi bán kết Champions League trong trận đấu mà những ngôi sao sáng nhất là Buffon và Nedved.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)