Thứ Hai, 11/11/2024 Mới nhất
Zalo

Tiếng pháo El Classico: Sự suy tàn của đế chế Tây Ban Nha?

Thứ Ba 10/05/2011 09:23(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Khi những trận El Classico đến trong tâm trạng háo hức của các cổ động viên, có một người vẫn lặng lẽ theo dõi diễn biến bất chấp guồng quay nóng bỏng của cuộc đối đầu "siêu kinh điển". Ông là Vicente Del Bosque, huấn luyện viên trưởng đội tuyển Tây Ban Nha.

1. Không phải tự nhiên mà trước kia người ta gọi Tây Ban Nha là "vua vòng bảng". Đất nước Tây Ban Nha hiện vẫn theo chế độ quân chủ, tức là có vua và hoàng tộc. Với việc Tây Ban Nha có đến 17 vùng tự trị, nền bóng đá của tây Ban Nha cũng vì thế mà có những sự phân rã. Những người xứ Basque thường chỉ dùng cầu thủ của xứ mình mà không mua cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của xứ khác. Hay việc xứ Catalonia cũng đang sử dụng đa phần là những cầu thủ "của nhà trồng được". Cũng vì thế mà đội tuyển quốc gia Tây Ban Nha thường có những vết nứt ngầm ngay trong nội bộ.

Để vươn tới đỉnh cao của châu Âu hoặc thế giới, một đội bóng không chỉ cần sức mạnh đến từ các cá nhân kiệt xuất mà quan trọng là tình đoàn kết, đồng đội. Nhưng trước kia, Tây Ban Nha không có được điều ấy. Sự chia rẽ giữa các xứ tự trị đã khiến đội tuyển Tây Ban nha cũng có những bất đồng, dù có thể các cầu thủ vẫn chơi bóng cùng nhau nhưng trong lòng họ chắc gì đã muốn đá cùng đồng đội đến từ xứ khác. Khi không có được sự đoàn kết trong nội bộ, việc đội tuyển Tây Ban Nha thường thắng như chẻ tre ở vòng bảng, nơi có các đội bóng yếu rồi thua ở vòng knock out trước những đối thủ rắn mặt hơn là chuyện dễ hiểu.

Đội tuyển Tây Ban Nha đang đoàn kết là thế...

2. Khó khăn lắm HLV Vicente Del Bosque mới xây dựng được đội tuyển Tây Ban Nha hùng mạnh như ngày nay khi liên tiếp đăng quang tại Euro 2008 và World Cup 2010. Nhưng cái nền tảng mà "ngài râu kẽm" xây dựng đang bị những cuộc đối đầu "siêu kinh điển" bóp nát. Chẳng phải Del Bosque đã từng tỏ rõ sự lo lắng khi cho biết:" Những trận El Classico có ảnh hưởng tiêu cực đến đội tuyển Tây Ban Nha". Điều đó không phải là lo hão, khi chứng kiến sức nóng tỏa ra từ những trận "siêu kinh điển" người ta mới cảm thông cho HLV Del Bosque.

3. Còn nhớ trong trận thua 0-5 của Real Madrid trước Barcelona trên sân Noucamp hồi đầu mùa, Sergio Ramos đã lấy tay đẩy vào mặt Puyol khiến hậu vệ này lăn ra như thể bị đấm. Rõ ràng họ đều là những đồng đội trong màu áo tuyển quốc gia, nhưng nhìn cách mà họ đối xử với nhau thì có khác nào kẻ thù.

Đến trận tranh cúp nhà vua Tây Ban Nha cũng vậy, trong lúc vào đường hầm nghỉ giải lao giữa trận đấu, Pique đã buông lời thách thức các cầu thủ Real Madrid khiến hai đội suýt nữa thì lao vào choảng nhau. Rất may là khi ấy các nhân viên an ninh đã kịp thời tách hai nhóm cầu thủ ra và mọi chuyện chấm dứt ở đó.

Rồi còn rất nhiều vụ va chạm khác giữa những cầu thủ Tây Ban Nha khoác trên mình hai màu áo Real Madrid và Barcelona. Rõ ràng sự phân cấp về chính trị đã tác động đến cả bóng đá, và nhất là khi Real và Barca lại là hai đội bóng lớn nhất tại La Liga. Sự thù địch giữa hai đội đã liên tiếp bùng phát và đến cao trào ở trận El Classico "tập ba", khi hai đội gặp nhau ở bán kết lượt đi Champions League. Sau trận đấu, Xabi Alonso cho biết:" Mối quan hệ giữa tôi và một số cầu thủ Barcelona đã không còn như trước".

4. Rõ ràng nỗi lo lắng của HLV Del Bosque đã trở thành sự thực. Nội bộ đội tuyển Tây Ban Nha đã bắt đầu rạn nứt ghê gớm kể từ sau những trận El Classico như tiếng pháo dồn dập bắn vào không trung, xé toang những khoảng không vốn tĩnh lặng trong nội bộ đội bóng xứ sở đấu bò. Dù rằng Victor Valdes đã lên tiếng cho rằng những rắc rối xung quanh trận El Classico không ảnh hưởng đến nội bộ đội tuyển Tây Ban Nha, nhưng ai dám chắc?

...thì sức nóng trong trận El Classico đã phá hỏng bầu không khí đang yên bình trong nội bộ đội tuyển

Del Bosque chắc chắn không, người hâm mộ cũng chẳng dám đoán mò, đến cả bản thân Valdes cũng nhanh chóng cho qua vấn đề bằng câu nói:" Tôi nghĩ rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để nói thêm về vấn đề này nữa". Thế đấy, phải chăng cái đế chế Tây Ban Nha hùng mạnh vừa mới được thiết lập đang dần suy yếu và đang dần bị phế ngôi. Tây Ban Nha là đất nước đầu tiên mang mệnh danh "mặt trời không bao giờ lặn" khi thuộc địa của họ trải dài trên khắp thế giới thể kỉ 16,17. Nhưng dường như họ lại đang đến hồi suy tàn giống như cuộc tranh chấp về ngôi báu nổ ra ở thế kỉ 18 khiến Tây Ban Nha mất đi vị trí cường quốc trên khu vực và trên thế giới khi ấy. 

Một cuộc tranh chấp nội bộ nữa đang diễn ra trên đất Tây Ban Nha, và liệu họ có đánh mất vị trí số một vừa tạo dựng cách đây không lâu?

  • Như Đạt (Theo TT&VH)

 

 

 

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X