Real có thể từng là CLB danh tiếng nhất thế giới. Đội bóng Hoàng gia cũng đoạt nhiều danh hiệu C1/Champions League hơn Barca (9 so với 3). Nhưng Real chưa bao giờ đứng ngang hàng với Barca về đào tạo trẻ, thứ vũ khí được xem như nguồn cảm hứng đưa đội bóng xứ Catalonia lên đỉnh cao danh vọng và đẩy Real vào hố sâu của sự tủi hổ.
Tiếc rằng bao năm qua Real vẫn cứ bám vào phong cách đầy kiêu ngạo ấy để rồi lại phải gặm nhấm thất bại. Lỗi lầm lớn nhất của Real nằm ở chỗ họ thường bỏ phí những tài năng trẻ, dẫu Castilla vẫn là nơi được ví như một trong những lò đào tạo cầu thủ hàng đầu tại Tây Ban Nha.
Hệ thống đào tạo trẻ của Real vẫn khá quy củ từ tuyến U-8, U-10, U-13, U-15, U-17, U-20, đến Real Madrid C, Real Madrid B. Đồng thời, họ luôn miệng nói sẽ nỗ lực áp dụng chính sách “Zidane y Pavon” - mua ngôi sao kết hợp với đào tạo. Tuy nhiên, ngay cả “cha đẻ” của chương trình này là chủ tịch Perez đều chỉ thực hiện vế đầu: mua ngôi sao nhưng lại lãng quên vế sau.
Casillas và Raul, hai gương mặt hiếm hoi thành danh của lò Castilla trong nhiều năm trở lại đây
Tại sao chính sách “Zidane y Pavon” lại không được triển khai hiệu quả? Chung quy cũng tại sức ép danh hiệu mà các đời chủ tịch Real dồn lên vai các HLV. Từ Carlos Queiroz, Luxemburgo, Fabio Capello, Bernd Schuster và hiện tại là Manuel Pellegrini đều buộc phải chọn giải pháp “mua sao” và sẵn sàng loại bỏ các tài năng trẻ. Cũng không thể trách những HLV này thiếu kiên nhẫn, vì thực tế họ không có thời gian để thực thi “Zidane y Pavon”.
Điều này khác hoàn toàn với thời Real được dẫn dắt bởi Di Stefano, Joarge Valdano hay Del Bosque. Nguyên nhân của khác biệt đó là vì những HLV này đều là người mang “dòng máu Real” nên họ sẵn sàng tạo điều kiện cho các tài năng trẻ. Bởi thế cũng đừng quá ngạc nhiên khi trong đoàn quân của HLV Pellegrini chỉ có duy nhất Casillas là sản phẩm từ lò đào tạo Castilla. Còn ở ĐTQG cũng chỉ có thêm Ramos. Sau vài năm nữa con số ấy là bao nhiêu? Có thể là 0!
Barca thì khác. Mỗi năm CLB xứ Catalonia bỏ ra đến 13,5 triệu bảng để tìm kiếm tài năng mới nổi. Và lò La Masia đã “xuất xưởng” những sản phẩm chất lượng như Puyol, Xavi, Busquets, Iniesta, Messi, Pedro, Bojan... Nếu so sánh với Real trong 10 năm trở lại đây (chỉ có 2 “sản phẩm chất lượng” là Raul và Casillas) thì rõ ràng Barca hơn hẳn.
Đương nhiên để bước vào lò La Masia, tất cả các học viên phải thấm nhuần phong cách chơi bóng quyến rũ, sử dụng các đường chuyền ngắn, ít chạm. Song điều quan trọng hơn và được xem như sự tương phản rõ nét nhất giữa 2 CLB này là Barca chịu sử dụng nguồn cầu thủ trẻ. Bởi mua ngôi sao đã thành danh thì CLB nào lại không thực hiện được khi nguồn tài chính cho phép. Nhưng vừa mua ngôi sao lại vừa sử dụng “hàng nhà” như Barca mới là đáng ca ngợi.
Sẽ chẳng ai phủ nhận điều này nếu biết thống kê thành viên đội hình Một Barca được khoác áo ĐTQG trong 10 năm qua (18) và hiện nay (7 người: Puyol, Xavi, Pedro, Iniesta, Bojan, Pique và Busquets). Trong khi đó, tuy đóng góp cho ĐTQG 15 thành viên trong 10 năm qua nhưng thực tế Real chỉ có 2 cầu thủ ở đội hình chính là Casillas và Raul Bravo.
Không những kém xa Barca, Real cũng chẳng bằng Sevilla và Valencia - những đội bóng thường xuyên đóng góp nhiều cầu thủ cho ĐTQG hơn là một Real đã “bán mình” cho chính sách “mua sao”.
Còn đâu bản sắc Real? Sẽ rất đau nếu Real nghe người ta nhắc đến cụm từ này!
(Theo báo Bóng Đá)