Đội bóng xứ Catalunya vẫn đang ở ngôi đầu BXH La Liga, song sự thống trị của họ đang bị bộ đôi thành Madrid so kè từng điểm và có thể bị phết truất bất cứ lúc nào. Vẫn biết kẻ thù chính của Barca lúc này là Atletico Madrid và Real, tuy nhiên còn một kẻ thù khác cũng nguy hiểm không kém. Đối thủ giấu mặt đó chính là bản thân các cầu thủ của Barca, những người mà thời gian gần đây đang dần đánh mất đi sự hoàn hảo, cả về cá nhân nói riêng cũng như tập thể nói chung.
Barca vẫn đang ở trên ngôi cao nhất với 15 trận thắng, 1 trận hòa và 1 thất bại. Họ cùng với Real là hai đội bóng đang có số bàn thắng nhiều nhất (49 bàn), và có số bàn thua ít thứ hai (12 bàn), chỉ thua Atletico (11 bàn). Đội bóng vẫn đang có những chiến thắng, đó là một tín hiệu đáng mừng song vẫn còn những thách thức mà đội bóng cần phải thay đổi hoặc phát triển hơn để có thể bảo vệ được ngôi vương của mình.
1. Mở rộng, phát triển hệ thống chiến thuật và lối chơi
Việc mở rộng hệ thống chiến thuật và phát triển thêm lối chơi không làm mất đi phong cách vốn có. Vẫn là những trận đấu với tỷ lệ kiểm soát bóng vượt trội, tổ chức tấn công liên tục nhưng thời gian qua đã không còn duy trì một cách thường xuyên. Kể từ ngày nhận chức HLV, Tata Martino muốn toàn đội thấm nhuần những biến thể khác nhau của hệ thống chiến thuật để đảm bảo đội bóng có thể thay đổi bất cứ lúc nào cần thiết. Điều này những người tiền nhiệm như Guardiola và Vilanova đã cố gắng làm nhưng chưa thực sự đem lại hiệu quả.Cho đến thời điểm hiện tại, lối chơi của Barca về cơ bản cũng có những sự thay đổi đáng kể. Đã xuất hiện những đường bóng dài, thay vì thường xuyên là những pha đan bóng ngắn, nhiều chạm trước khi tiến sát tới khung thành đối phương.
2. Hoán đổi đội hình các trận đấu
Trong 17 trận đã đấu từ đầu mùa giải, Tata Martino thường xuyên sử dụng sơ đồ quen thuộc 4-3-3, trong đó vị trí mà của Busquets là quan trọng nhất trong hệ thống chiến thuật của Barca. Dù Xavi hay Iniesta không thường xuyên ra sân, song tuyển thủ Tây Ban Nha vẫn phối hợp rất tốt với những cầu thủ khác như Alex Song hay Fabregas. Tuy nhiên, trong trận El Clasico với Real tại Nou Camp, chiến lược gia người Argentina lại cho Barca xuất phát với sơ đồ 4-4-2 nhưng về cơ bản vẫn là một biến thể của 4-3-3, trong đó Lionel Messi và Neymar đá hai cánh và tiền đạo ảo là Fabregas sẵn sàng băng lên dứt điểm. Đáng chú ý, đây là trận đấu duy nhất mà chủ lực Messi phải dạt ra đá biên thay vì một vị trí tiền đạo cắm như thường lệ.Nếu muốn tránh việc bị bắt bài, Martino buộc phải hoán đổi đội hình các trận đấu một cách thường xuyên hơn. Có thể thấy, trước khi đánh bại Getafe 6-2, Barca đã trải qua chuỗi những trận thi đấu không thật tốt tại La Liga cũng như Champions League.
3. Tính linh hoạt và sự thay đổi vị trí các cầu thủ
Những ngôi sao mà Martino có trong tay có thể giúp ông thay đổi vị trí một cách linh hoạt, bởi họ có thể thích nghi rất tốt. Fabregas là một tiền vệ trung tâm nhưng có thể thích nghi khi bố trí đá hộ công, tiền đạo ảo, thậm chí có thể đá như những tiền đạo cánh. Montoya, Adriano hay Alves cũng đều có thể thích ứng khi được điều động ở hai bên cánh ở phần sân nhà. Trong khi đó, những Pedro, Sanchez hay Tello cũng có thể đóng vai trò như một cầu thủ chạy cánh hoặc tiền đạo khi có thể.
4. Messi phải nhanh chóng lấy lại phong độ
Trước khi nghỉ thi đấu do chấn thương, Messi đã có 14 bàn thắng sau 16 trận và vẫn là cầu thủ dẫn đầu danh sách ghi bàn của Barca. Ngôi sao người Argentina sẽ chỉ trở lại vào cuối tháng Một. Tuy nhiên, điều mà người hâm mộ mong chờ nhất chính là việc liệu rằng chân sút 26 tuổi có lấy lại được phong độ đỉnh cao của mình. Ngoài việc Messi phải nhanh chóng lấy lại phong độ, thì sự kết hợp giữa anh và Neymar để cả hai cùng tỏa sáng là bài toán cũng không hề dễ dàng có đáp áp với Barca.
Theo Bongdaplus.vn