Sau “bãi rác” lớn nhất thế giới là “giẻ rách”. Trên tờ Marca, tác giả Borrell từng viết La Liga giống như một mớ “giẻ rách”, khi các trọng tài luôn làm hỏng trận đấu. Thế nhưng, nền bóng đá mà chính người Tây Ban Nha đang phản đối ấy đang là thứ đắt đỏ nhất châu Âu.
La Liga đang là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh? Sự thống trị của Barca trong những năm qua, và bây giờ là màn trỗi dậy mạnh mẽ của Real trong mùa giải thứ hai mà Mourinho cầm quân, trở thành những vòng hào quang để tô điểm vẻ ngoài cho La Liga. Bên cạnh hai điểm sáng ấy, sự ngột ngạt đang được thể hiện rõ ở nhóm giành Cúp châu Âu, khi vị trí thứ 11 của Sevilla cũng chỉ cách top 4 đúng 5 điểm.
Nếu chỉ nhìn vào những điểm trên, cùng với việc các CLB liên tục thay tướng, rõ ràng La Liga rất hấp dẫn, và là điểm đến đáng mơ ước với nhiều người. Nhưng trên thực tế có phải như vậy?
Ronaldo trong vòng vây của các fan
Chủ tịch Fernando Roig của Villarreal gọi Liga là một chiếc bánh phân chia không công bằng, và nó có thể sẽ chết yểu nếu liên minh Barca - Real cứ ôm hết tiền bản quyền. Del Nido, người đứng đầu Sevilla, nhiều lần gọi Liga là “bãi rác” lớn nhất thế giới, nơi tồn tại quá nhiều bất công và bất cập. Mới đây, đến tờ nhật báo Marca cũng cho đăng một bài viết chê Liga thậm tệ.
Borrell, một nhà bình luận có tiếng của Marca, cho rằng cuộc chơi ở giải đấu lớn nhất TBN không có công bằng, khi mà các trọng tài luôn đứng về Real hoặc Barca. Những cái nhìn trên có phiến diện không? Tất cả không phải không có căn cứ. Rõ ràng đang có quá nhiều điều thiếu thiết thực mà người hâm mộ cũng có thể nhìn thấy.
Giải đấu đắt nhất châu Âu
Trong khi những bất công chưa được giải quyết, nhất là việc chia miếng bánh bản quyền từng khiến một loạt CLB “nổi loạn”, hay tình trạng đình công có thể tái diễn, thì giờ đây người ta lại đang chứng kiến một nghịch lý khác của Liga: sự đắt đỏ. Theo những kết quả khảo sát trên mức vé, không giải đấu nào tại châu Âu có mức giá “khủng” như Liga.
Trung bình, để cầm trên tay một vé xem trận đấu Liga, người hâm mộ phải bỏ ra 53 euro. Con số này cao hơn cả Italia (48 euro), nơi trước đây luôn bị chỉ trích là “móc túi” khán giả. Ở Anh, giá vé trung bình một trận Premier League là 44 euro. Trong khi đó, con số tại Bundesliga chỉ là 30 euro. Tiền vé thấp, trận đấu có chất lượng chuyên môn cao, cách phục vụ ở các sân cũng cực tốt, nên Bundesliga luôn trải qua không khí cuồng nhiệt trên khán đài.
Trên khắp TBN, Mestalla là nơi duy nhất mà mức vé thấp nhất vừa đúng 10 euro. Còn lại, mức thấp nhất là 25 euro, được áp dụng trên các sân Getafe và Rayo Vallecano. Nếu Đức, với số tiền này khán giả xứng đáng có chỗ tốt và được chăm như một ông hoàng trên khán đài của Leverkusen, hoặc bỏ thêm một vài đồng nữa là đủ vào sân xem các ngôi sao Man City trình diễn.
Tiền vé vốn đã đắt, BTC sân - hay chính xác là các CLB - còn tự nâng giá lên khi đón tiếp các đội bóng lớn. Mới đây, khi Osasuna đón tiếp Barca, giá vé bị đẩy từ mức 36-60 euro lên 90-110 euro. Những CLB khác cũng áp dụng điều này khi tiếp Barca hoặc Real. Riêng trong các trận “El Clasico”, một số khu vực tốt giá vé có thể tăng hơn 300%.
Trước việc giá vé tăng cao, một số chuyên gia kinh tế cũng lên tiếng phản đối Liga. Lý do, việc tăng giá vé đến đúng vào thời điểm TBN đạt tỷ lệ thất nghiệp cao nhất lịch sử. Theo số liệu mới nhất, có trên 5 triệu người TBN đang thất nghiệp, chiếm 23%.
Hậu quả của việc biến Liga thành giải đấu đắt đỏ nhất châu Âu đã được thể hiện: các khán đài hiu quạnh. Mùa này, lượng khán giả trung bình của Liga chưa tới 29.000 người. Trong đó, riêng Nou Camp chào đón trung bình gần 80.000 người, và sân Bernabeu là khoảng 75.000.
Do doanh thu bán vé quyết định nhiều đến hoạt động, nên các CLB đang xem xét ưu đãi cho CĐV. Sevilla và Bilbao là hai CLB áp dụng các mức đãi ngộ với CĐV, nên các sân của họ luôn được lấp kín. Getafe đang học theo, bằng cách miễn phí cho trẻ em dưới 8 tuổi. Một vài hiệp hội CĐV cũng đề nghị nên dành sự ưu đãi cho các khán giả nhí.
(Theo Thể Thao Văn Hoá