2 triệu euro/năm là số tiền chênh lệch khiến cho các quá trình đàm phán gia hạn hợp đồng giữa Lionel Messi và Barca liên tiếp bị gián đoạn. Nếu Barca không quyết đoán và dứt điểm thương vụ này sớm, họ sẽ mất đi một tài sản khổng lồ, không chỉ ở mặt chuyên môn mà còn ở giá trị thương hiệu và tài chính.
Chênh lệch chỉ là 2 triệu euro
Theo định giá thị trường của transfermarkt, Cristiano Ronaldo có giá trị 100 triệu euro, hơn người đồng đội Gareth Bale 20 triệu euro. Đây cũng là con số mà Ronaldo kém Lionel Messi. Ngôi sao người Argentina được transfermarkt định giá 120 triệu euro, cao nhất thế giới ở thời điểm này.
Ở khía cạnh tiền lương, Ronaldo đang nhận số tiền 21 triệu euro/mùa (sau thuế), sau khi đặt bút kí vào bản hợp đồng mới có thời hạn tới năm 2018 hồi tháng 9/2013 vừa qua. Ngược lại, dù đắt nhất thế giới, Lionel Messi vẫn chỉ đang nhận mức lương 13 triệu euro/mùa (sau thuế). Bản hợp đồng này được kí từ hồi tháng 12/2012 và cho đến thời điểm hiện tại, nó vẫn chưa thay đổi.
Với Jorge Messi, cha của cầu thủ mang áo số 10, đó là một bất công. Trong gần hai năm qua, với vai trò của người đại diện, ông đã nhiều lần đàm phán với BLĐ Barca để bàn về chuyện làm mới hợp đồng. Nhưng tất cả đều không tìm được tiếng nói cuối cùng. Jorge muốn con trai ông phải được nhận 20 triệu euro/năm (sau thuế). Với BLĐ Barca, con số ấy cao. Họ chỉ đồng ý trả tới 18 triệu euro/mùa cho cầu thủ xuất sắc nhất của mình.
Chênh lệch 2 triệu euro đã trở thành một rào cản khiến cho mọi cuộc đàm phán đều phải dừng lại giữa chừng. Barca và cha của Messi có những lý lẽ để cho rằng quan điểm của họ đúng. Với BLĐ Barca, dù Messi xuất sắc nhưng họ không muốn tạo ra một khác biệt quá xa về lương so với các ngôi sao khác (đó có thể là một tiền lệ xấu). Về phần Messi, ông Jorge cho rằng con trai ông xứng đáng được xếp ngang hàng với Ronaldo về lương. Trước việc Man City và PSG hỏi mua Messi, ông Jorge càng có cớ để gây sức ép lên Barca.
Messi đi, thì một nửa hồn Barca mất
Từ năm 2008 trở lại đây, thời điểm Messi có một vị trí chính thức ở đội 1, Barca đã có tới 4 mùa bóng vào tới bán kết Champions League (trong đó có 2 lần vào chung kết và vô địch). Mùa này, dù rơi vào khủng hoảng, Barca vẫn lọt tới tứ kết. Việc đi sâu ở sân chơi này cũng đồng nghĩa với số tiền thưởng thu về không hề nhỏ.
Một khía cạnh khác là lượng khán giả tới sân xem Messi thi đấu. Theo thống kê của BQL sân Camp Nou, thời của Ronaldinho, lượng khán giả trung bình tới sân là 63,067 người/trận. Có Messi, lượng khán giả tới sân xem Barca thi đấu trung bình là 69,956 người/trận. Con số này luôn được giữ khá ổn định trong các mùa bóng gần đây. Nó chỉ giảm xuống ở mùa bóng năm nay, khi Messi thường xuyên chấn thương và không thể ra sân thi đấu. Với Messi, Barca luôn bán được lượng áo đấu và đồ lưu niệm khổng lồ. Theo thống kê mới nhất từ tổ chức Tiếp thị thể thao châu Âu, Barca đã bán tới 1,6 triệu áo đấu trong mùa bóng 2013-2014, với hơn 1/3 là áo mang số 10.
Tính riêng năm 2013, thu nhập của Messi lên tới 30 triệu euro (thống kê của Forbes). Ngoài tiền lương và thưởng (khoảng 16 triệu euro), là tiền thu về từ các hợp đồng quảng cáo. Gần một nửa thu nhập của Messi đến từ các hợp đồng tài trợ mà anh đã kí. Adidas, hãng sản xuất dụng cụ thể thao danh tiếng của Đức trả Messi 1,5 triệu euro mỗi năm. Bên cạnh đó là các nhà tài trợ hàng không Thổ Nhĩ Kì, Pepsi, Audemars Piquet, EA Sports, Head & Shoulders, Herbalife và Dolce & Gababa.
Về mặt thương hiệu, Barca và Messi càng không thể tách rời nhau. Có Messi, tên tuổi Barca lan tỏa khắp thế giới. Không còn Messi, coi như họ sẽ phải xây dựng lại hình ảnh từ đầu. về mặt tài chính, tính cả doanh thu bán áo đấu, bán vé, các hoạt động thương mại và tài trợ, Messi có giá tương đương 400 triệu euro. Điều đó cho thấy giá trị khủng khiếp của Messi và sẽ là tự sát nếu như Barca để tuột mất Messi vào tay đối thủ khác.
Theo Thể Thao Văn Hoá