Bài viết từ trang blog cá nhân của nhà báo người Argentina, Hernan Casciari, được viết vào ngày 11 tháng 6 năm 2012. Đừng vội bình luận điều gì khi đọc tiêu đề.
Vì sao tôi lại ở Barcelona này? Câu trả lời đơn giản nhất là bởi con gái tôi và vợ tôi, một gia đình Catalunya. Nhưng nếu một ai đó hỏi tôi một cách nghiêm túc rằng vì sao tôi lại ở Barcelona, một thành phố buồn tẻ và kinh khủng, tôi sẽ trả lời với họ rằng bởi vì tôi chỉ mất có 40 phút đi tàu điện ngầm để đến xem đội bóng xuất sắc nhất lịch sử nhân loại.
Ý tôi là, nếu vợ và con gái tôi quyết định quay trở về quê hương Argentina của chúng tôi ngay lúc này, tôi sẽ lập tứ ly dị và sẽ ở lại đây ít nhất cho đến sau trận chung kết Champions League. Và tôi lại nói như thế bởi tôi nghĩ nền bóng đá của chúng ta chưa bao giờ được chứng kiến một đội bóng nào như thế, cả trong những thời đại khác, và cũng rất có thể là sẽ không bao giờ được dịp chứng kiến một lần nữa.
Messi không bao giờ té ngã - |
Đó là sự thật. Tôi viết những dòng này xuất phát từ tận sâu thẳm trái tim mình. Tôi viết những dòng này cùng thời điểm tuần lễ Messi lập cú hat-trick trong màu áo tuyển Argentina, ghi 5 bàn trong màu áo Barca ở một trận cầu tại Champions League, và 2 bàn nữa trong một trận tại La Liga. 10 bàn trong 3 trận đấu, ở 3 giải đấu khác nhau.
Báo chí Catalunya không hề nói lời nào về điều đó. Cuộc khủng hoảng kinh tế xuất hiện thường trực trên các bản tin truyền hình. Internet bùng nổ. Và đứng giữa những chuyện này, tôi chợt nảy ra một ý tưởng trong đầu, một ý tưởng lạ lùng và khó lòng có thể giải thích, tôi sẽ cố gắng viết điều gì đó về thuyết của mình, cố gắng lý giải ý tưởng đó bằng ngôn từ. Và hãy xem liệu tôi có khắc họ được hay không.
Messi không bao giờ ăn vạ
Mọi thứ bắt đầu vào sáng nay: tôi đang xem lại các bàn thắng của Messi trên Youtube, liên tục từ lần này sang lần khác. Và tôi cảm thấy có lỗi khi làm điều này trong khi tôi vẫn còn 6 bài viết đã đến hạn cho một tờ tạp chí. Đáng lẽ ra tôi không nên phung phí thời gian như thế. Và bất chợt, tôi mở trúng đoạn Clip này, đoạn Clip mà tôi chưa bao giờ được xem. Ban đầu tôi chỉ nghĩ đây đơn giản là một trong số hàng ngàn những đoạn Clip tương tự, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng không phải vậy. Đoạn Clip không chiếu các bàn thắng của Messi, cũng không phải những đường kiến tạo hay những pha bóng xâm nhập hay nhất của anh. Đây là một đoạn phim quái lạ: nó mang đến hàng trăm hình ảnh – cứ mỗi 2 hoặc 3 giây một bức – về cảnh Messi bị phạm lỗi lần này đến lần khác, và anh ấy không bao giờ té ngã.
Messi không ăn vạ. Anh cũng không phàn nàn điều gì. Anh không chờ đợi một quả đá phạt trực tiếp hay một quả penalty. Trong từng bức ảnh, Messi không lúc nào rời mắt khỏi quả bóng, cậu ấy tìm thấy sự thăng bằng. Anh ấy cố gắng đến lạnh lùng để không bị phạm lỗi, hay đế cố không để đối phương phải nhận thẻ vàng nào.
Đấy đều là những pha đá người đầy thô bạo, những sự cản trở, những pha giẫm lên chân Messi, những cú kéo người bẩn; tôi chưa bao giờ chứng kiến tất cả những pha bóng như thế cùng với nhau. Messi dẫn bóng và nhận phải một cú đá hung tợn vào chân, nhưng anh vẫn cứ chạy tiếp. Messi bị phạm lỗi ở mắt cá, anh bị vướng chân, và anh vẫn tiếp tục lao về trước. Ai đó kéo áo anh lại, anh gắng bứt ra khỏi và lại tiếp tục.
Tôi bất chợt hững hờ, tôi thấy sốc, như thể có điều gì đó trong những thứ này liên hệ quá mật thiết với mình. Tôi xem lại đoạn Clip ở chế độ chuyển động chậm và tôi nhìn thấy đôi mắt Messi luôn chăm chăm về quả bóng, chứ không phải bóng đá hay ngữ cảnh của nó.
Bóng đá ngày nay có những quy luật rõ ràng: một cầu thủ bị phạm lỗi té ngã trên sân, đối phương nhận hình phạt, một thẻ vàng và bạn được hưởng lợi thế trong tình huống đó. Trong những bức ảnh này, Messi xem ra chẳng hiểu gì về quy luật đó, hay chẳng hiểu gì về bóng đá thời nay. Anh phớt lờ cơ hội. Messi như bị bỏ bùa, anh giống như bị thôi miên. Anh chỉ muốn có bóng và đưa nó về khung thành đối phương. Anh chẳng quan tâm đến tỷ số, đến thể thao hay đến những quy định. Các bạn cần phải nhìn thẳng vào mắt của Messi để thấy điều này: anh ấy như bị lác mắt, như thể anh đang gặp vấn đề khi đọc một phụ đề; Messi chỉ tập trung ánh mắt vào quả bóng và không rời khỏi nó, anh chẳng đoái hoài đến bất cứ điều gì trên thế giới.
Tôi đã thấy ánh mắt ấy ở đâu đó từ trước? Ánh mắt của nội tâm sâu bất tận vô cùng gắn bó với tôi. Tôi dừng đoạn Clip lại, rồi phóng gần lại để nhìn kỹ hơn đôi mắt Messi. Và tôi nhận ra: đó chính là ánh mắt của Totin khi nó mê mẩn nhìn vào miếng xốp bọt biển màu vàng.
Messi giống như một chú chó
Khi tôi còn bé, tôi từng có một chú chó tên là Totin. Không gì có thể làm nó bận lòng. Nó không phải là một chú chó khôn ngoan. Nếu có một tên trộm lẻn vào nhà để lấy cắp chiếc TV, nó chỉ nằm nhìn. Nếu có ai đó gõ cửa, nó chằng thèm để ý tới. Nếu tôi bị bệnh, nó cũng không làm tôi phấn chấn lên.
Tuy nhiên, nếu ai đó – mẹ tôi, chị (em) tôi hoặc chính tôi – lấy mất cái bọt biển, cái bọt biển màu vàng chúng tôi thường dùng để cọ rửa chén bát – Totin sẽ phát điên lên. Nó muốn cái bọt biển của nó hơn bất cứ thứ gì trên thế giới. Nó sẽ cố gắng đến chết để mang cái bọt biển màu vàng ấy lên giường ngủ của mình. Tôi từng cầm cái bọt biển ấy và giơ qua giơ lại trước mặt nó, Totin không ngừng rời mắt.
Không quan trọng tôi mang cái bọt biển đi đầu bởi Totin sẽ luôn theo tôi đến đó. Cổ Totin theo sát cái bọt biển trên tay tôi. Đôi mắt Totin chuyển thành đôi mắt người Nhật, đầy chăm chú và tinh khôn. Ánh mắt đó cũng như khi Messi nhìn vào quả bóng vậy, từ ánh mắt mê mụ của một chàng thiếu niên trong chốc lát trở thành ánh nhìn soi xét kỹ lượng của Sherlock Holmes.
Và đến trưa, khi xem lại đoạn Clip này, tôi phát hiện ra Messi là một chú chó. Hay một người-chó. Đó chính là thuyết của tôi. Tôi xin lỗi tất cả những ai đã trông đợi vô cùng khi đọc đến đây. Nhưng Messi là chó chó đầu tiên chơi bóng đá.
Cũng vì lẽ đó mà Messi không hiểu rõ quy luật bóng đá. Một chú chó không “ăn vạ” khi một chiếc Citroen cán lên người nó. Nó cũng không phàn nàn với trọng tài nếu không rượt kịp một con mèo. Một chú chó không bắt người đuổi phía sau nó phải nhận thẻ vàng thứ hai. Trong những nằm đầu của lịch sử bóng đá, con người cũng từng chơi bóng theo cách đó. Họ đuổi theo quả bóng trong một bối cảnh bóng đá không có khái niệm thẻ phạt, không có bẫy việt vị, không có chuyện bị cấm thi đấu một trận vì đã nhận đủ 5 thẻ vàng, cũng như không có chuyện ưu thế bàn thắng trên sân khách. Bóng đá ngày đó chính là cách Messi chơi bóng của ngày hôm nay. Và cũng như Totin của tôi vậy. Bóng đá giờ đây đã thay đổi quá nhiều.
Giờ đây, người ta ưa thích thứ bóng đá quan liêu với thủ tục và quy định rườm rà, cồng kềnh. Sau một trận cầu lớn, họ sẽ nói về riết những quy luật cả một tuần lễ.
Có phải Juan đã cố tình nhận thẻ vàng để có thể chơi trận El Clasico vào tuần tới? Có phải Pedro đã ăn vạ trong vòng cấm? Ủy ban kỷ luật sẽ vẫn để Pancho thi đấu nếu anh ta viễn dẫn điều 208 để chỉ ra rằng Ernesto vốn thi đấu cho đội U17? HLV kia đã yêu cầu tưới nước mặt sân quá mức để các cầu thủ đội khách sẽ trượt ngã vỡ cả sọ phải không? Những cậu trai làm công tác giao bóng ngoài đường piste đâu cả rồi khi tỷ số là 2-1, và tại sao lại trở ra khi tỷ số là 2-2? Liệu CLB có kháng án với chiếc thẻ vàng thứ hai của Paco không? Trọng tài có cộng phút bù giờ sau khi Ricardo phản đối hành động chuyển quả đá phạt thành một quả ném biên của Luis?
Không, thưa các ngài. Một chú chó không biết nghe Radio. Nó cũng không biết đọc báo, và cũng không hiểu đâu là một trận đấu giao hữu, đâu là một trận chung kết. Một chú chó sẽ quyết giành bằng được cái bọt biển màu vàng ngay cả khi nó đang buồn ngủ hay khi bị ai đó rượt đuổi.
Messi là một chú chó. Anh phá vỡ những kỷ lục từ mọi khoảng cách bởi một người-chó chỉ kịp chơi bóng cho đến thập niên 50 của thế kỷ trước. Kể từ đó trở đi, FIFA bắt chúng ta phải bàn về những luật lệ và quy định. Thế rồi chúng ta hoàn toàn quên khuấy đi điều quan trọng nhất lại chính là cái bọt biển màu vàng.
Thế rồi một ngày nọ, đứa trẻ “bị bệnh” này xuất hiện. Còn những con khỉ “bị bệnh” thì chừng hững. Lịch sử của loại người bắt đầu. Đứa trẻ sinh ra tại Rosario ấy đã thay đổi hoàn toàn môn thể thao vua, một đứa trẻ với những kỹ năng lạ lẫm. Đứa trẻ không thể nói chuẩn nổi hai câu, bị xã hội xa lánh, và hoàn toàn lệch lạc với ý chí loài người. Nhưng đứa trẻ ấy được trang bị một tài năng phi thường, thích ứng duy nhất với một khối vật chất hình cầu, tài năng ấy giúp đứa trẻ đưa khối cầu ấy vào một mành lưới ở cuối mặt sân phủ cỏ xanh.
Nếu cứ để mặc Messi, cậu ấy sẽ chẳng thể làm được điều gì. Messi đưa khối cầu màu trắng vào trong khoảng không gian giữa ba thanh gỗ từ lần này sang lần khác, như thể Sisyphus.
Sau khi Messi ghi 5 bàn trong một trận đấu, Guardiola từng bảo rằng “Cậu ấy sẽ ghi được 6 bàn nếu cậu ấy muốn thế.” Đó không phải là một lời tán dương, mà là sự bày tỏ khách quan trước một hội chứng. Lionel Messi là một chàng trai bệnh hoạn. Nhưng căn bệnh của cậu ấy rất khác, và điều đó làm tôi lay động, như cách tôi từng yêu quý Totin của mình. Messi giờ là người-chó còn lại cuối cùng của lịch sử. Và để kiểm chứng căn bệnh ấy, không còn cách nào khác ngoài việc chứng kiến cậu ấy vào mỗi thứ Bảy. Đó mới là lý do thực sự tôi ở lại Barcelona, cho dù thực lòng tôi muốn sống ở một chốn khác.
Mỗi khi tôi đến Camp Nou và nhìn thấy ánh hào quang tỏa sáng trên sân, tôi lại hồi tưởng về tuổi thơ của mình. Tôi lặp lại trong đầu cùng một câu: “Jorge, ông có lẽ phải may mắn lắm khi yêu môn thể thao này, khi sống trong kỷ nguyên vàng son nhất của nó, và hơn hết là được cảm nhận bầu không khi trên sân nơi con trai ông chơi bóng gần gũi đến thế.” Còn với tôi, tôi ấp ủ cảm giác đó, tôi cảm thấy luyến tiếc thực tại cứ mỗi khi Messi chơi bóng. Tôi là một Fan trung thành của sân cỏ và của những khoảnh khắc trọng đại ấy. Tôi tưởng tượng một ngày nào đó, tôi và tất cả loài người đang sống và sẽ sống trên thế giới này sẽ đứng tại đó trong những giờ cuối cùng của cuộc đời… và chúng tôi sẽ xếp thành vòng tròn để nói chuyện về bóng đá. Rồi một người trong chúng tôi sẽ hô lên rằng “Tôi từng học ở Amsterdam vào năm 1973”, một người khác lại bảo “Tôi từng là kiến trúc sư tại Sao Paulo vào năm 1962”, người nữa thì kêu “Tôi chỉ là một chàng thiếu niên tại Naples vào năm 1987”. Cha tôi thì sẽ nói “Tôi từng ở Montevideo vào năm 1967”, một gã khác lại thốt lên “Tôi từng nghe thấy sự yên lặng trên khán đài Maracana vào năm 1950”.
Tất cả họ đều hãnh diện kể về những ký ức bóng đá của mình mãi tận đến sáng hôm sau. Và khi không còn một ai cất tiếng nói, tôi sẽ đứng dậy và nói từ tốn: “Tôi từng sống ở Barcelona vào thời kỳ của người-chó”. Thế rồi tất cả im lặng, mọi người đều cúi đầu và Chúa sẽ xuất hiện, chỉ tay về phía tôi. Người sẽ nói: “Anh, thằng mập kia… Anh sẽ không chết, anh được cứu. Những người còn lại vào phòng thay đồ ngay.”
(Theo Thể Thao Văn Hoá)