Thứ Sáu, 15/11/2024 Mới nhất
Zalo

Liệu Lionel Messi có rơi vào "thảm cảnh" như những "Quả bóng vàng" tiền bối?

Thứ Ba 12/11/2013 15:45(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Nhân câu chuyện cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất thế giới trong mấy năm qua dính phải chấn thương nghiêm trọng nhất kể từ ngày đầu khởi nghiệp mà sẽ khiến anh phải nghỉ thi đấu đến gần hết năm, chúng ta hãy thử trở về quá khứ và có thể tìm ra không ít ngôi sao cũng từng ngự trị trên đỉnh như M10 và đoạt "Quả bóng vàng châu Âu" (tiền thân của danh hiệu "Quả bóng vàng FIFA ngày nay) song sự nghiệp đã dần tụt dốc không phanh sau khi gặp phải một chấn thương nặng. Tất nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhất là khi Messi rất hiếm khi phải nghỉ thi đấu do sức khoẻ không đảm bảo (nhờ thế, anh mới có thể thống trị hành tinh trong quãng thời gian lâu đến thế) song đừng nên nói trước điều gì và tương lai luôn là thứ "vô hình".

1. Ronaldo (Quả bóng vàng châu Âu 1997 và 2002)

 

"Người ngoài hành tinh" bắt đầu nổi danh từ giai đoạn 1994-1996 tại CLB PSV Eindhoven (Hà Lan) và ngay từ thời điểm đó, đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy anh sở hữu cái đầu gối "thuỷ tinh" khi từng phải ngồi ngoài gần một mùa giải do chấn thương ở bộ phận này. Mọi người đã dần quên đi chuyện đó khi anh toả sáng rực rỡ trong màu áo FC Barcelona và phải đến lúc, cựu danh thủ người Brazil chuyển sang thi đấu ở Serie A, giải đấu vốn cực kỳ khắc nghiệt, đặc biệt với những "nghệ sỹ sân cỏ" thì những vấn đề sức khoẻ tiềm tàng của Ronaldo mới được dịp bùng phát. Cụ thể, Ronaldo đã dính phải hai chấn thương kinh hoàng mà đã tác động rất nhiều đến sự nghiệp cầu thủ. Đầu tiên, ở

trận gặp Lecce năm 1999, Ronaldo cảm thấy bị đau .... đầu gối và sau đó đã buộc phải tiến hành ca phẫu thuật.

Đến tháng 4 năm 2000, Ronaldo chính thức tái xuất trong trận đấu ở Coppa Italia (cúp QG Italia) gặp Lazio nhưng anh chỉ có thể xuất hiện đúng 7 phút trước khi thét lên những tiếng kinh hoàng và hai tay ôm lấy cái đầu gối trong vẻ mặt đau đớn tột cùng. Thế là, Ronaldo lại phải làm bạn với giường bệnh nhưng bằng nỗ lực phi thường cùng sự giúp đỡ tận tình của Inter Milan (gần như tài trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật, phục hồi chấn thương rồi vẫn trả lương đều đặn cho Ronaldo dù họ không có nghĩa vụ phải làm như vậy. Đáng buồn thay, Ronaldo đã đáp trả lại những nghĩa cử cao đẹp đó bằng cách phản bội lại đội bóng và chuyển sang Real Madrid sau khi toả sáng trở lại), Ronaldo đã kịp tái xuất đúng VCK World Cup 2002. Tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh lần đầu tiên được tổ chức ở khu vực châu Á, Ronaldo đã chơi cực hay để giúp Brazil đăng quang còn bản thân anh lần thứ hai được trao danh hiệu "Quả bóng vàng châu Âu". Những tưởng kể từ đó, Ronaldo sẽ thoát khỏi cơn ác mộng mang tên đầu gối (bằng chứng, 3/5 mùa đầu tiên tại Real Madrid, anh thi đấu khá đều, ghi bàn rất ổn định dù thời kỳ hoàng kim đã thực sự lùi xa) nhưng hoá ra, nó vẫn luôn rình rập đe doạ anh lại cộng thêm gánh nặng tuổi tác nên mới chỉ ngoài 30 tuổi, Ronaldo đã bị xem là "hết thời". Đến năm 2008, lúc khoác áo AC Milan, Ronaldo đã thực sự tái phát chấn thương đầu gối một cách trầm trọng và đó chính là dấu chấm hết cho sự nghiệp huy hoàng của Ro béo. Anh phải lầm lũi hồi hương đầu quân cho Corinthians và giải nghệ ở đây.

2. Kaka (Quả bóng vàng châu Âu 2007)

 

Một ngôi sao vĩ đại khác của Serie A nhưng không giống đồng hương Ronaldo, Kaka đã tạo dựng được cho mình một thương hiệu lớn, có tầm ảnh hưởng ở xứ sở hình chiếc ủng và trở thành một vũ công Samba hiếm hoi toả sáng tại đây.  Cái đỉnh cao nhất của Kaka rơi vào năm 2007 khi cùng AC Milan vô địch Champions League và đăng quang ở giải VĐTG các CLB. Nhờ đó, Kaka đã được trao "Quả bóng vàng châu Âu" cũng như chuyển đến Real bằng bản hợp đồng đắt giá thứ hai thế giới vào thời điểm đó (khoảng 67 triệu Euro). Tuy nhiên, quãng thời gian chơi bóng tại Italia có vẻ đã làm hao mòn sức khoẻ của Kaka và phải đến lúc anh thay đổi môi trường thì mới dần được bộc lộ. Thực tế, phong độ của Kaka đã rơi theo phương thẳng đứng không lâu sau khi khoác áo đội bóng Hoàng gia TBN, kèm theo những rắc rối liên quan đến thể lực. Bởi thế, người ta đã phải nghi ngờ rằng dường như Kaka đã phát sinh vấn đề từ hồi thi đấu tại AC Milan nhưng Real hoặc vô tình không nhận ra hoặc không đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Không thể để tình hình phức tạp thêm, Kaka đã phải trải qua vài ca phẫu thuật nhằm điều trị dứt điểm nguy cơ tiềm tàng nhưng cũng chẳng đi đâu vào đâu. Kaka tiếp tục để lại hình ảnh cực kỳ mờ nhạt đến nỗi Carlo Ancelotti, người từng hết lời tâng bốc cậu học trò khi cả hai còn cống hiến cho AC Milan, đã thẳng thắn chê bai Kaka trong quãng thời gian làm quen với Real Madrid. Thế là, ông đã thuyết phục ban lãnh đạo sa thải Kaka không thương tiếc, mở đường cho anh tái hợp AC Milan theo diện chuyển nhượng tự do. Dù đang thể hiện tạm được ở "chốn xưa" nhưng rõ ràng, Kaka chỉ còn là cái bóng mờ của chính mình.

3. Michael Owen (Quả bóng vàng châu Âu 2001)

 

Được mệnh danh là "thần đồng bóng đá Anh" nhờ những năm đầu khởi nghiệp vô cùng xuất sắc trong cả màu áo Liverpool lẫn ĐTQG Anh. Chưa bước qua tuổi 20 mà Owen đã là chân sút hàng đầu tại quốc đảo sương mù. Năm 2001, lúc mới 22 tuổi, Owen đã được tờ France Football, nhà tổ chức của giải thưởng "Quả bóng vàng châu Âu", tôn vinh sau khi góp công lớn vào chiến tích ăn 5 của Liverpool (cúp FA, cúp Liên đoàn Anh, cúp UEFA, Siêu cúp nước Anh, Siêu cúp châu Âu). Thế nhưng, khi bắt đầu bước vào những năm tháng đẹp nhất, sung sức nhất của đời cầu thủ thì Owen bắt đầu bị chấn thương hành hạ. Năm 2004, anh đau mắt cá chân, phải nghỉ thi đấu 3 tháng mà sau này anh đã phải mô tả đó là "quãng thời gian vô cùng ác mộng". Gia nhập Real, Owen "may mắn" khoẻ mạnh nhưng cũng chỉ trụ lại Bernabeu được một mùa và không thể hãm lại đà sa sút. Trở về Anh quốc gia nhập Newcastle, mức độ chấn thương của Owen ngày một dày đặc. Anh dính chấn thương dây chằng đầu gối tại VCK World Cup 2006 và phải rời xa sân cỏ gần 1 năm. Tiếp đến, anh bị đau bắp đùi chỉ vài ngày sau khi kéo dài hợp đồng với Newcastle. Chưa dừng lại ở đó, mới bình phục chưa được bao lâu, Owen lại phải quay lại bệnh viện điều trị khi tái phát chấn thương trong một buổi tập. Về sau, lúc "yên ổn" ở Manchester United, chính HLV Alex Ferguson đã lên tiếng chỉ trích Newcastle làm hỏng sự nghiệp của Owen và bản thân nhà cầm quân lão luyện người Scotland cũng "bó tay" trong việc giúp Owen vớt vát lại ánh hào quang dù anh gắn bó với đội chủ sân Old Trafford tới 3 mùa.

4. Marco Van Basten (Quả bóng vàng châu Âu 1988, 1989, 1992)

 

Lẽ ra, sự vĩ đại của Van Basten sẽ còn khủng khiếp hơn nữa nếu như ông không bị chấn thương huỷ hoại. Cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Van Basten đích thực là tiền đạo hay nhất hành tinh, một thành viên của "bộ ba Hà Lan bay" trứ danh tại AC Milan (hai người còn lại là Frank Rijkaard và Ruud Gullit). Họ chính là bộ xương sống của Rossoneri huyền thoại từng thống trị Italia, châu Âu và cả thế giới với hàng loạt danh hiệu cao quý từ Scudetto, cúp C1 cho đến Siêu cúp châu Âu, cúp Liên lục địa. Bản thân Van Basten đã giành đến 3 "Quả bóng vàng châu Âu" vào các năm 1988, 1989 và 1992. Song tất cả đã sụp đổ một cách chóng vánh sau khi ông dính chấn thương mắt cá ở mùa giải 1992-1993. Ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán ông chỉ phải nghỉ vài tháng là cùng nhưng rốt cục, quãng thời gian hồi phục đã dài vô tận trong sự chờ đợi mòn mỏi của đội bóng thành Milano và cá nhân Van Basten. Ông đã từng rất hy vọng sẽ được tham dự VCK World Cup 1994 nhưng AC Milan không cho phép bởi đơn giản, sức khoẻ của ông đâu đã đạt đến tình trạng 100%. Sự thận trọng của AC Milan hoàn toàn có cơ sở song cũng chẳng giúp ích được nhiều cho Van Basten bởi sự nghiệt ngã của số phận. Tháng 8 năm 1995, ông đành chấp nhận thua cuộc trong cuộc chiến đấu với chấn thương và tuyên bố giã từ sân cỏ ở tuổi 31, để lại niềm tiếc nuối to lớn về một "thiên tài đoản mệnh". Trong trận đấu chia tay ở sân San Siro thân yêu, rất nhiều người đã phải rơi lệ vì Van Basten, trong đó có cả một Fabio Capello vốn rất sắt đá.

  • Bảo Phương - Xsbandinh.com

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X