Trong ngôn ngữ doanh nghiệp và nguồn lực con người, “jefe toxico” (thủ lĩnh độc hại) là cụm từ dành cho các lãnh đạo thất bại nhưng lại có các cách ứng xử không phù hợp với những tiêu chí của một giám đốc. Dựa trên những tiêu chí đó, trang Informacion.com đã đánh giá về HLV người Bồ Đào Nha, Jose Mourinho.
1. Thích danh hiệu và khoe khoang thành tích
Có một thứ mà Mourinho luôn đem ra khoe: bảng thành tích của mình, với việc giành chức vô địch với 4 đội bóng ở 4 giải VĐQG khác nhau (Porto, Chelsea, Inter và Real), hai lần đăng quang tại Champions League (Porto, Inter).
2. Độc đoán
Quan điểm của Mou tại các CLB là từng bước tích tụ quyền lực và sử dụng nó. Ông thích mọi việc do mình kiểm soát và không ngại đối đầu với lãnh đạo đội bóng, như Valdano, cũng như tấn công các cầu thủ của mình hoặc một HLV đội trẻ (Toril), khi các phương pháp của ông bị nghi ngờ hoặc không được thực hiện đúng theo ý muốn.
3. Thái độ không cầu thị
Chỉ cần xem các cuộc họp báo của Mourinho là thấy rõ. Trước sự chỉ trích của các phương tiện thông tin, Mourinho thường đáp trả bằng tấn công ngược. Ông chỉ chấp nhận sai lầm khi tự phê bình, còn người khác chỉ trích thì không.
4. Thích đối đầu
Trên lĩnh vực này, Mourinho là một ví dụ sống của một thủ lĩnh độc hại. Ông đã đối đầu với nhiều HLV khác như Pep Guardiola, Tito Vilanova, Manuel Pellegrini..., với nhiều nhà báo, lãnh đạo của UEFA và thậm chí với cả các cầu thủ và lãnh đạo của CLB.
5. Không đáng tin cậy
Mou không phải lúc nào cũng thực hiện lời nói của mình. Ông thường rời các CLB trước khi kết thúc hợp đồng của mình khi thấy thất bại hoặc có một lời chào mời béo bở hơn. Ông đã làm như thế với Inter, và rất có thể cả với Real Madrid.
6. Không biết giao tiếp
Cách cư xử của Mourinho ở Real cho thấy điều đó. Nhiều lần ông phàn nàn CLB để một mình ông phải chỉ trích các trọng tài và cũng không ngại liệt kê danh sách các sai phạm của những người cầm còi. Ông còn nhiều lần nói chuyện trực tiếp với Chủ tịch Florentino Perez, và bỏ qua thủ tục trước đó là phải gặp một thành viên thấp hơn trong ban lãnh đạo. Nhiều lần, Mourinho công khai phê phán các học trò tại các cuộc họp báo, điều ông chỉ nên làm trong phòng thay đồ.
7. Xem mình là nguyên nhân của thành công và nạn nhân của thất bại
Không cần đào sâu suy nghĩ người ta vẫn nhớ Mourinho từng dè bỉu trước khi ông đến sân Bernabeu, Real Madrid đã thua trước một đội bóng như Alcorcon. Tuy nhiên, trong hai năm rưỡi qua, ông không đủ dũng cảm thừa nhận mình là người chịu trách nhiệm về những thất bại của đội bóng áo trắng. UEFA, các trọng tài, các cầu thủ, thậm chí cả Quỹ Nhi đồng LHQ mới là những người có lỗi.
8. Coi thường thành tích của người khác
“Với tôi, sẽ không thể xảy ra điều đã xảy ra với Pellegrini, bởi vì nếu Real Madrid sa thải tôi thì tôi cũng sẽ không huấn luyện một đội bóng như Malaga. Tôi sẽ đến một ông lớn ở Anh hoặc Italia”. Cách đây đúng một năm, Mourinho đã nói như vậy về người tiền nhiệm của mình. Mou cũng không dám khen thành tích của Pep Guardiola, giành 14 trong 19 danh hiệu có thể chỉ trong bốn năm, trong đó có cú ăn sáu lịch sử (gồm La Liga, Champions League, Siêu cúp TBN, Siêu cúp châu Âu, Cúp Nhà vua và Cúp Thế giới các CLB). Trong hai năm rưỡi qua, Mourinho chỉ có ba danh hiệu (Liga, Cúp Nhà vua và Siêu cúp TBN).
9. Không tin vào sáng kiến của người khác
Mou không thích các tiếng nói khác mình. Ông thuộc dạng “hoặc với tôi hoặc chống lại tôi”. Bằng chứng mới nhất là việc trảm Iker Casillas. Ông coi thủ môn - đội trưởng của Madrid và trung vệ Sergio Ramos là thủ lĩnh của nhóm cầu thủ khó bảo ở phòng thay đồ màu trắng.
10. Có cách nhìn hiếu chiến về mọi việc
Bằng chứng rõ nhất là vụ chọc mắt Tito Vilanova tại lượt về Siêu Cúp Tây Ban Nha 2011. “Tôi không được giáo dục về triết học bóng đá; bóng đá là dành cho những người đàn ông, không phải cho những người ngã ngay khi vừa có gió thổi vào”, Mourinho đã tuyên bố như vậy sau trận đấu nói trên.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)