Thứ Bảy, 16/11/2024 Mới nhất
Zalo

Hàng loạt ngôi sao rời La Liga: Buồn ơi chào mi

Thứ Sáu 16/08/2013 19:56(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Không một nhà tài phiệt nào đoái hoài đến hoặc có thì cũng bỏ cuộc giữa chừng, rồi sự thống trị mọi mặt của Real Madrid và Barcelona, các đội bóng tại La Liga đang chết dần chết mòn và trước mắt là “bóng đêm đen như tiền đồ của chính họ”...

Rồi từng người bỏ ta đi

Người đàn ông đầu tiên rời bỏ La Liga là Radamel Falcao. Sau đó Alvaro Negredo rồi Roberto Soldado cũng lần lượt ra đi. Những tay săn bàn đứng ở vị trí thứ 3, thứ 4 rồi thứ 5 trong cuộc đua đến danh hiệu Pichichi mùa giải 2012-13, tất cả đều đã ra đi. Đó đều là những chân sút, công bằng mà nói là chưa tới mức xuất chúng nhưng sự ra đi của họ sẽ để lại một khoảng trống không thể bù đắp nổi tại La Liga.

La Liga tồn tại quá nhiều bất công
La Liga tồn tại quá nhiều bất công

Tất nhiên vẫn có một vài ngôi sao hàng đầu thế giới xuất hiện tại La Liga, báo chí Tây Ban Nha vẫn sôi lên từng ngày vì những thương vụ kinh thiên động địa. Song sự hào nhoáng ấy chỉ xuất hiện với hai ông lớn thống trị tuyệt đối bóng đá “xứ sở bò tót” suốt gần một thập niên qua, vẫn chỉ là Barcelona và Real Madrid!

Bằng chứng rõ ràng nhất là trong tháng qua, trên trang bìa của 28 trong tổng số 30 ấn bản mới nhất của Marca, tờ nhật báo bán chạy nhất tại Tây Ban Nha chỉ dành để nói về những hoạt động của Real Madrid và 10 trong số đó nói về thương vụ Gareth Bale.

Đã có tổng cộng 70 cầu thủ đã rời bỏ La Liga trong kỳ chuyển nhượng này để đi đến với những giải đấu khác. Lẽ dĩ nhiên không phải tất cả đều gặp chung một vấn đề. Một vài trường hợp ra đi vì lối chơi không còn phù hợp với đội bóng hoặc vì không tìm được chỗ đứng trong đội hình.

Gonzalo Higuain rời Real Madrid để đến Napoli hay Thiago Alcantara rời Barcelona để đến Bayern Munich là những minh chứng điển hình. Tuy nhiên những trường hợp như vậy rất hạn hữu và chỉ gói gọn ở Nou Camp và Bernabeu. Tất cả những cái tên còn lại ra đi chỉ vì một từ cơ hội, cơ hội kiếm tiền và cơ hội kiếm danh hiệu, những thứ mà La Liga không thể đem đến cho họ.

Phiên bản Brazil và Argentina, những nước chuyên xuất khẩu cầu thủ tại châu Âu

Đến thời điểm này của kỳ chuyển nhượng, chỉ có 6 đội bóng tại La Liga chi nhiều hơn thu trên thị trường chuyển nhượng. Ngoài Barcelona và Real Madrid, thì Villarreal, đội bóng mới trở lại La Liga là đội chi nhiều nhất nhưng con số chỉ khiêm tốn ở mức 6.7 triệu euro, Granada, đội bóng được hỗ trợ tài chính bởi Udinese đã chi 6.3 triệu euro, Valladolic chi ra 250 ngàn euro và cuối cùng là Elche với…50 ngàn euro.

Theo số liệu của tờ AS, La Liga đang trải qua năm thứ 2 liên tiếp trở thành cái chợ cầu thủ cho các giải đấu hàng đầu khác với số tiền thu về cao hơn số tiền chi ra để chiêu mộ cầu thủ. Nói cách khác, Tây Ban Nha đang vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu cầu thủ hàng đầu châu Âu, trở thành phiên bản Brazil, Argentina, những quốc gia chuyên xuất khẩu cầu thủ của “cựu lục địa”. Cụ thể, đoàn lính lê dương người Tây Ban Nha đã rong ruổi khắp Âu đến Á, bao gồm các nước Argentina, Brazil, Hy Lạp, UAE, Nga, Qatar, Mexico, Đan Mạch, Mỹ, Bỉ và Azerbaijan.

Tình hình kinh tế bi đát

Vì khủng hoảng kinh tế, hầu hết các đội bóng tại Tây Ban Nha trở thành những con nợ và phải bán tất cả những gì đáng giá nhất để trả nợ. Tổng số nợ của các đội bóng Tây Ban Nha đã lên tới con số không tưởng 4 tỷ euro, hơn phân nữa số đội bóng tại hai giải đấu cao nhất (La Liga và Segunda) ở trong tình trạng có thể phá sản bất cứ lúc nào.

Málaga và Rayo Vallecano đã bị UEFA cấm thi đấu tại cúp châu Âu do khả năng tài chính yếu kém (nợ quá nhiều). Ngoài ra, các đội bóng Tây Ban Nha đang nợ số tiền thuế lên tới 600 triệu euro. Mọi đội bóng dù tiềm lực tài chính tới đâu đều phải sở hữu những khoản nợ, tuy nhiên nhìn vào thực trạng của bóng đá Tây Ban Nha thì khả năng thanh toán số nợ khổng lồ ấy là quá mờ mịt xa xăm hay nói cách khác là vô vọng.

Giải đấu của những áp bức và bất công

Trận cầu “siêu kinh điển” giữa Real Madrid và Barcelona luôn thu hút sự chú ý đặc biệt của giới hâm mộ túc cầu trên khắp thế giới. Sự hấp dẫn của “siêu kinh điển” không chỉ bởi sự hội tụ trên sân cỏ những vì tinh tú của bóng đá thế giới mà còn vì truyền thống, vì sự kình địch gần như xuyên suốt lịch sử bóng đá giữa Real Madrid và Barcelona. Vì vậy, không thể phủ nhận “siêu kinh điển” là đặc sản của La Liga, là điểm sáng lớn nhất của bóng đá Tây Ban Nha.

Tuy nhiên vì thứ đặc sản “chết tiệt” mà chỉ có Real Madrid và Barcelona được hưởng lợi ấy mà cả La Liga đang chết dần chết mòn. Điểm sáng lớn nhất của bóng đá Tây Ban Nha không những không tỏa ánh hào quang soi sáng mà ngược lại khiến cả nền bóng đá “xứ sở bò tót” bị lu mờ, bị che khuất và ngày càng chìm vào sự tăm tối.

Vì có “siêu kinh điển” Real Madrid và Barcelona được chia gần 50% tiền bản quyền truyền hình của La Liga dù cho không có 18 đội bóng còn lại thì cũng đừng mong có La Liga. Hơn thế nữa, Real Madrid, Barcelona cùng với Osasuna và Athletic Bilbao là 4 đội bóng duy nhất được đặc cách hoạt động với mô hình “các tổ chức xã hội” thuộc quyền sở hữu của CĐV.

Dưới mô hình này, cả Real Madrid và Barcelona được miễn gần như toàn bộ những trách nhiệm mà các đội bóng tại La Liga, những đội bóng hoạt động dưới mô hình doanh nghiệp đại chúng phải thực hiện với chính phủ. Trước sự bất công này, chủ tịch Jose Del Nido của Sevilla từng phải thốt lên rằng: “La Liga là đống rác rưởi lớn nhất thế giới”.

(Theo Dân Trí)

Có thể bạn quan tâm

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

Video

Xem thêm
top-arrow
X