Gareth Bale đến Real Madrid với sứ mệnh vượt qua cái dớp thất bại của các cầu thủ Vương quốc Anh và áp lực kỷ lục chuyển nhượng trong lịch sử bóng đá thế giới. Một quá khứ đau đớn. “Tại sao trong hơn 40 năm qua chỉ có khoảng 5 cầu thủ Anh chơi tốt ở nước ngoài?” – Huyền thoại người Hà Lan Johan Cruyff từng nói: “Có điều gì đó thật kỳ lạ”.
Những người Anh lạc lối
Herbert Kilpin là cầu thủ Vương quốc Anh đầu tiên vượt biển ra nước ngoài chơi bóng vào năm 1891, và ông cũng là một trong những người sáng lập CLB Italia AC Milan trước đó 8 năm. Một vài người khác để lại dấu ấn: John Charles tại Juventus, Gary Lineker ở Barcelona và David Beckham tại Real Madrid, AC Milan và PSG.
Gareth Bale liệu có thoát khỏi vết xe đổ của đa số các cầu thủ Vương quốc Anh trước đây?
Nhưng không ai trở thành huyền thoại ở CLB mà họ thi đấu, và thường cảm thấy xa lạ với môi trường mới. Ian Rush đã từng mô tả cảm giác chơi cho Juventus giống như “chơi bóng ở nước ngoài”. Tiền đạo Mark Hughes chỉ ghi được 4 bàn thắng trong 28 trận chơi cho Barcelona.
Rào cản ngôn ngữ được coi là lý do chính khiến cho người Anh phải vật lộn để thích ứng ở môi trường mới. Không có gì ngạc nhiên, khi những cầu thủ có ý thức về ngoại ngữ trở thành những người tỏa sáng đầu tiên. David Platt đã học tiếng Ý kể từ khi còn chơi cho Aston Villa, trước khi chuyển đến Bari. Steve McManaman đã thạo tiếng TBN từ rất sớm và anh hòa nhập với môi trường mới ở Madrid rất thoải mái. Chris Waddle, người từng giành 3 chức VĐQG Pháp và vào đến trận chung kết Cúp C1 năm 1991 cùng Marseille, tiết lộ rằng ông phải mất ba tháng để học tiếng mới thực sự hòa nhập được.
Ian Rush không học nổi tiếng Ý và thường xuyên cảm thấy cô đơn trong phòng thay đồ Juventus, trong khi Paul Gascoigne không giấu diếm nổi nỗi nhớ nhà khi chơi cho Lazio, dù bản thân anh là một người hướng ngoại. Một chữ tiếng Ý bẻ đôi Gazza cũng không biết!
Hãy hòa nhập, trước khi chơi bóng
Nhưng ngôn ngữ không phải rào cản duy nhất, sự khác biệt văn hóa mới là nguồn gốc sâu xa của vấn đề, thứ đã mang đến nỗi nhớ nhà cho Gazza, khiến Ian Rush phải nhờ gia đình gửi bánh quy hiệu McVitie`s sang Ý, và làm cho Scott Carson không thể tập trung thi đấu tại Thổ Nhĩ Kỳ trong màu áo Bursapor, vì nhớ món… đậu nướng.
Chơi ở nước ngoài cũng đòi hỏi tính cách mạnh mẽ. Kevin Keegan là một trong những cầu thủ Anh thành công nhất ở nước ngoài, với 2 chức vô địch Bundelsiga cùng Hamburg và 2 lần được bầu là Quả bóng Vàng châu Âu. Nhưng mọi thứ bắt đầu với ông cũng tồi tệ như đa số người Anh khác: Các đồng đội không chuyền bóng cho ông trên sân tập, không bắt chuyện, và ngay từ khi Keegan được mua về, chẳng ai ở đây hài lòng cả.
Nhưng Keegan đã vượt qua được, trong khi cựu tiền đạo Stan Collymore từng thừa nhận rằng anh không thể chịu nổi cú sốc văn hóa ở TBN, và phải rời CLB Real Oviedo chỉ sau 3 lần ra sân cho đội. Các CĐV của Real Madrid cũng không phải là những người biết bao dung. Một cầu thủ Anh khác là Jonathan Woodgate đã từng bị bầu là hợp đồng tồi tệ nhất thế kỷ 21 trong một cuộc thăm dò của tờ Marca: “Thế giới đã mặc nhiên coi các cầu thủ Anh không có tư chất để trở thành cầu thủ lớn ở một CLB châu Âu” – Nhà báo Michael Calvin, tác giả của cuốn sách “Nowhere Men” (Tạm dịch: Những kẻ chẳng thuộc về đâu) viết về những người phụ trách công tác tìm kiếm tài năng của các CLB – các tuyển trạch viên, nói.
Phía trước Bale là một thử thách lớn, không chỉ vì chi phí chuyển nhượng khổng lồ. Lời khuyên cho anh: Hãy bắt đầu học tiếng TBN, và học cách quên những món ăn truyền thống của xứ Wales đi!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)