Thứ Sáu, 15/11/2024 Mới nhất
Zalo

Dư âm Marathon El Clasico: "Chân tiểu nhân" và "ngụy quân tử"

Thứ Tư 04/05/2011 17:48(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Kết thúc 4 tập phim El Clasico, cái đọng lại trong lòng người xem không phải là 2 chữ "kinh điển" mà lại là 2 khái niệm "tiểu nhân" và "quân tử".

1. Trong tác phẩm nổi tiếng “Tiếu ngạo giang hồ”, Kim Dung đã xây dựng nên hình ảnh hoàn toàn đối lập giữa hai thầy trò Nhạc Bất Quần và Lệnh Hồ Xung. Trong khi Nhạc tiên sinh là một người đường đường chính chính, được đồng đạo võ lâm nể phục và còn được tặng danh hiệu “Quân tử kiếm”, thì đệ tử của ông lại là một gã chính tà bất phân, kết bạn với cả hạng “bàng môn tà đạo”và bị chính phái võ lâm khinh ghét.

Nhưng thế sự xoay vần, Nhạc Bất Quần từ địa vị của một trưởng môn phái lại đang tâm hãm hại sư đồ, ám toán bằng hữu, đồng thời còn gả cả con gái mình hòng đổi lấy Tịch tà kiếm phổ. Tất cả những âm mưu đó đều được Nhạc chưởng môn ngụy trang rất khéo léo, để rồi đến cuối truyện, khi dã tâm nhất thống giang hồ của hắn bị đưa ra ánh sáng, mọi người mới giật mình nhận ra một kẻ “ngụy quân tử”.

Họ làm người xem liên tưởng đến "tiểu nhân" và "quân tử"

Còn Lệnh Hồ Xung, dù hành động có phần lỗ mãng nhưng nó lại xuất phát từ những động cơ hết sức trong sáng. Những chuyện thương thiên hại lý, đi ngược lại đạo đức, “vô hành lãng tử” tuyệt đối không bao giờ làm. Còn mỗi khi hảo hữu lâm vào cảnh nước sôi lửa bỏng thì dẫu khó khăn đến mức nào, chàng cũng chẳng hề từ nan. Truyện càng đến hồi cuối, người đọc càng thấy cảm phục Lệnh Hồ thiếu hiệp, và cũng trút bỏ hết luôn những băn khoăn với quá khứ “chân tiểu nhân” của chàng.

2. Trong thế giới bóng đá mấy ngày qua, thật trùng hợp là cũng "sản sinh" ra một “quân tử” và một “tiểu nhân” như thế. Barcelona, với lối đá hoa mỹ cùng đặc sản tiqui-taca đã trở thành thương hiệu, đã cuốn hút được biết bao trái tim của người hâm mộ. Tất cả những gì mà họ thể hiện trên sân luôn được gắn với những từ ngữ đẹp đẽ nhất. Không ngoa khi nói rằng La Blaugrana của hiện tại là tấm gương để các đội khác soi vào mỗi khi cần nghĩ đến cái đẹp, là "thanh gươm quân tử” trong giới bóng đá.

Đối lập hoàn toàn với một Barca hào nhoáng là một Real Madrid xù xì và xấu xí. Vì chiến thắng, Mourinho sẵn sàng chỉ đạo các học trò đá rắn, đá thô bạo, sẵn sàng nhận thẻ và thậm chí có thể rời sân nếu cần. Những biểu hiện ấy của bầy “Kền kền” đã được đổi lại bằng tiếng la ó của khán giả, những lời chê bai của đồng nghiệp và cả ánh mắt thiếu thiện cảm từ đa phần những ai yêu cái đẹp. Họ, từ thân phận “hoàng gia” bỗng chốc đổi lại thành kẻ “tiểu nhân” không hơn không kém.

3. Tuy nhiên sông có khúc, người có lúc. Barcelona cũng đánh mất đi vẻ đẹp thánh thiện ngày nào. Người hâm mộ bắt đầu dấy lên sự hoài nghi từ El Clasico 3.0 khi những ngôi sao xứ Catalan ngã nhanh như trẻ mới tập đi, còn những pha thêu hoa dệt gấm thường thấy bỗng chốc trở thành trò “bóng ma” như ở ngoài đường phố. Nét hoa mỹ mà Pep Guardiola cùng các học trò luôn được mọi người tôn thờ cuối cùng lại trở thành thứ vũ khí trêu ngươi đối thủ.

Chân tướng của kẻ “ngụy quân tử” càng trở nên rõ nét hơn ở El Clasico 4.0. Khi Real Madrid đã mất hết những vũ khí của một gã tiều phu đốn củi (Pepe, Ramos treo giò) và sẵn sàng chơi đôi công ngay từ khi khai cuộc, thì Barcelona lại dùng chiêu “đẩu chuyển tinh di” – dùng chính lối đá phản công mà Mou hay áp dụng để nhử đối thủ. Tất nhiên Messi cùng các đồng đội không quên “lấp liếm” nó bằng những pha bật nhả mẫu mực bên…phần sân nhà hay những pha dốc bóng theo chiều ngang sân nhằm... câu thẻ phạt.

Messi - một thiên thần, còn Ronaldo - một tên chuyên ăn vạ

Không chỉ một mà đến hai lần, đội bóng xứ Catalan đem bài đó ra áp dụng: Trước là lúc đầu trận, và sau là từ bàn mở tỷ số của Pedro. Kết quả là không chỉ những khán giả theo dõi qua truyền hình bực mình mà ngay cả những cules ở trên sân cũng phải lên tiếng vì cách đá cù nhầy ấy.

4. Dù sao thì tất cả những điều trên mới chỉ dừng ở mức cảm của khán giả, còn minh chứng rõ nét và chân thực nhất thì chúng ta cần phải dùng đến hình ảnh của Javier Mascherano đêm qua.

Là tiền vệ phòng ngự, Mascherano lạ gì những pha phạm lỗi kín, những tình huống cố tình ăn vạ, hay cả những quái chiêu trêu tức đối thủ. Nhưng để có thể diễn nhanh, diễn đạt và diễn nhiều như cựu cầu thủ Liverpool đêm qua thì đến ngay cả Cristiano Ronaldo, một chuyên gia trong lĩnh vực này cũng phải “cam bái hạ phong”.

Đáng kể và cũng hài hước nhất có lẽ chính là pha ngã nhanh như điện của Mascherano khi Higuain thoát xuống đối mặt với thủ thành Victor Valdes. Ở tình huống ấy, tiền vệ người Argentina không hề bị phạm lỗi mà chỉ bị Ronaldo vô tình khẽ ngã vào trước đó, vậy mà “số 14” vẫn lăn ra sân cứ như thể anh sắp phải vào viện tới nơi. Bị đánh lừa, ông trọng tài chính De Bleeckere thổi còi phạt Real và gián tiếp hủy hoại mọi nỗ lực của Los Blancos.

Liệu có đáng để đánh đổi vậy không Barca?

5. Kết thúc “Tiếu ngạo giang hồ”, Kim Dung có để cho hai thầy trò Nhạc Bất Quần và Lệnh Hồ Xung tỷ thí với nhau nhưng rốt cuộc, trận đấu vẫn không thể phân được cao thấp vì Nhạc tiên sinh lại chết dưới tay một nữ đệ tử Hằng Sơn, tên là Nghi Lâm.

Còn kết thúc 4 tập El Clasico, tạo hóa đã để cho Barcelona giành chiến thắng (thắng 2, hòa 1, và chỉ thua có 1). Thầy trò Guardiola vẫn tràn đầy cơ hội để đường đường chính chính bước lên ngôi “minh chủ võ lâm” (vô địch Champions League), nhưng để lên được đến đỉnh vinh quang (nếu có thể) thì họ cũng đã để mất vô số những đệ tử ruột của giới túc cầu.

Người Việt Nam có câu "mất lòng trước được lòng sau". Thà cứ làm một "chân tiểu nhân" sống hết mình với bản ngã như Real, thì đến một lúc nào đó sẽ được mọi người thấu hiểu; còn hơn làm một "ngụy quân tử" suốt ngày khư khư ôm một đống tư tưởng cao siêu đẹp đẽ để rồi đến lúc cần lại sẵn sàng đánh đổi tất cả hòng đạt được mục đích. Âu cũng là vì "chân tiểu nhân" dễ phòng, còn "ngụy quân tử" lại khó tránh.

Vậy thì rốt cuộc Barcelona nên chọn cái gì đây?

(Theo VTC)
 

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X