Truyền thuyết kể rằng, ngày 21/4 năm 753 trước Công nguyên, hai anh em nhà Romules và Remus phát hiện ra Rome. Đúng ngày này 2.764 năm sau, người Real đã tìm ra đấng cứu thế Mourinho, vị thánh giải thoát họ khỏi lời nguyền thất bại suốt 3 năm qua...
Hai chiến thắng, một phong cách
Cách đây 2.764 năm, truyền thuyết kể rằng hai anh em nhà Romules và Remus (con của công chúa Rhea Silvia và thần Mars) bị thả trôi trên dòng sông Tiber. Sau đó, 2 đứa trẻ được một con chó sói cái cho bú sữa cứu sống trước khi được một người chăn cừu cưu mang.
Trong thế giới hiện đại, giờ cũng manh nha một truyền thuyết như thế. “Đứa con” Real đang sống trong cảnh mồ côi danh hiệu, nơi mỗi trận địa họ đi qua đều trở thành nghĩa địa của những thất bại nghiệt ngã. Thế rồi Mourinho xuất hiện. Với tài năng của mình, ông đã hồi sinh Real, giúp Kền kền trắng lần đầu tiên sau 3 năm được bú “bầu sữa danh hiệu”.
Jose Mourinho: Vị tướng tài mà Real tìm kiếm bấy lâu nay
Di Stefano từng nói rằng: “Mourinho đang giết chết hình ảnh đẹp của bóng đá”. Nhưng đó là suy nghĩ của những huyền thoại đã lỗi thời. Thời Di Stefano, bóng đá chỉ đơn thuần là tấn công. Nửa thế kỷ sau, giờ thì bóng đá là trò chơi của những toan tính khoa học. Từ Inter tới Real, từ Giuseppe Meazza tới Mestalla, 2 lần binh đoàn của Mourinho hạ gục đội bóng được coi là tới từ hành tinh khác: Barca, đều bằng thứ bóng đá bác học như thế.
Nếu tiqui-taca của Barca được coi là nghệ thuật, thì chẳng có lý do gì Catenaccio kiểu Mourinho lại không được thừa nhận là đỉnh cao chiến thuật. Sơ đồ 4-1-4-1 với Pepe một lần nữa đá tiền vệ đã biến khung thành Casillas thực sự trở thành lô cốt khó xâm phạm. Nên nhớ, mãi tới phút… 75 Barca mới có cú sút trúng đích đầu tiên. Ở mùa này, đã bao giờ một Barca kiêu hãnh chơi bế tắc đến thế?
Cùng với lối chơi phòng ngự triệt để, Mourinho chỉ đạo các học trò biến Mestalla thành võ đài thực sự để hạn chế tối đa sự hưng phấn của Barca, trước khi C.Ronaldo tung nhát kiếm đoạt mệnh đối thủ. Guardiola cạo nhẵn đầu trước thềm trận chung kết. Theo quan niệm duy tâm của người Á châu, đó là điểm gở. Quả thật, Guardiola lần đầu tiên trắng tay trong một trận chung kết kể từ khi ông bắt đầu sự nghiệp HLV. Nhưng đó là một thất bại xứng đáng, một lần nữa lại trước Mourinho.
12 tháng, 2 đội bóng, 2 chiến thắng và cùng theo một phong cách. Đá đẹp như Di Stefano mong muốn để mà làm gì bởi điều quan trọng nhất trong bóng đá là danh hiệu, mà đó lại là thứ mà Mourinho đã mang về cho Real.
Nơi huyền thoại bắt đầu
Bấy lâu nay, người Madrid vẫn tôn thờ tượng nữ thần Cibeles, vị thần bảo hộ của thủ đô Madrid. Nhưng hãy tạm gác nàng Cibeles xinh đẹp qua một bên, bởi vị thánh của Real giờ đang hiện thân trong một người đàn ông điển trai, lịch lãm. Ông là Mourinho. Ba năm trắng tay, 6 năm không lọt vào tứ kết Champions League, 18 năm không đoạt Cúp Nhà Vua…, nhưng ngần ấy nỗi khổ nhục tất cả giờ chỉ là quá khứ, nhờ đấng cứu thế Mourinho.
Anh em Romulus và Remus sau khi được con sói cái cứu sống đã tìm ra Rome ngày 21/4 năm 753 trước Công nguyên, để rồi bắt đầu một huyền thoại về đế chế La Mã hùng mạnh. Rạng sáng qua, 21/4/2011, đúng 2.764 năm sau, khi Mourinho đưa Real giành danh hiệu đầu tiên sau 3 năm, người Madrid cũng đang mơ một huyền thoại, một đế chế Real vĩ đại sẽ hình thành như những người La Mã cổ đại.
Xong Cúp Nhà Vua, giờ là Champions League. Vẫn còn 2 cuộc đại chiến nữa với Barca chờ Mourinho phía trước. Nhưng hãy quẳng nỗi lo đi để chìm vào lễ hội quanh quảng trường Cibeles. Nơi đây, đã có người leo lên tượng nữ thần Cibeles để dành cho nàng những nụ hôn (Casillas đã làm vậy). Vậy thì nhớ đừng quên dành cả nụ hôn cho Thánh Mourinho, người sinh ra dường như chỉ để chiến thắng.
Mourinho - Phù thủy chiến thuật
Chẳng ai khác ngoài Mourinho đã chứng minh cho cả thế giới thấy rằng bạn vẫn có thể chiến thắng mà không cần thiết phải cầm nhiều bóng. Trong trận chung kết Cúp Nhà Vua, Real chỉ có 31% thời gian kiểm soát bóng so với 69% của Barca. Tuy nhiên kết quả thế nào thì ai cũng đã biết. Vấn đề mấu chốt ở chỗ, đá với Barca thì phải có chiến thuật thích hợp từng thời điểm và Mourinho đã làm được điều đó.
Tại Mestalla, tiếp tục là một Real tự biến mình thành lô cốt để chống đỡ Barca. Thậm chí, trong trận chung kết Cúp Nhà Vua, Kền kền trắng còn đá hay hơn tại Bernabeu cuối tuần trước. Trong hiệp 1, chẳng thấy bóng dáng lối chơi tiqui-taca của Barca đâu. Chỉ sang hiệp 2, khi các tiền vệ trung tâm của Real là Pepe và Xabi Alonso đã nhận thẻ vàng thì Barca mới thực sự chiếm ưu thế. Việc Real đứng vững là nhờ điều chỉnh chiến thuật chính xác của Mourinho.
Khác với trận trước, lần này Xabi Alonso được bố trí đá ngay phía trên hàng hậu vệ. Còn bộ đôi tiền vệ trung tâm của Real là Khedira - Pepe. Chưa hết, cả 3 tiền đạo thực thụ là Benzema, Adebayor và Higuain đều ngồi dự bị, nhường chỗ cho C.Ronaldo đá cắm.
Ý đồ của Mourinho rất rõ ràng: Xabi Alonso với sở trường là các đường chuyền dài chính xác sau khi nhận bóng từ hậu vệ sẽ tổ chức phản công ngay bằng các cú phất bóng dài cho CR7 để tận dụng tốc độ của ngôi sao người Bồ Đào Nha. Còn cặp tiền vệ trung tâm Khedira - Pepe chỉ làm nhiệm vụ phong tỏa Xavi - Iniesta.
Sơ đồ 4-1-4-1 này đã rất thành công trong hiệp 1. Bằng chứng là nhiều lần C.Ronaldo tạo sóng gió về phía khung thành Pinto sau khi đánh bại hậu vệ Barca trong các pha đua tốc độ. Trong khi đó, cặp tiền vệ Khedira - Pepe bắt chết Xavi, Iniesta làm lối chơi tiqui-taca của Barca mất dạng.
Sang hiệp 2, khi Barca bắt đầu trở lại với cách chơi bóng quen thuộc, một lần nữa sự điều chỉnh chiến thuật của Mourinho phát huy tác dụng. Phút 70, rất nhiều người đã bất ngờ khi Người đặc biệt rút Oezil ra (thay vì Di Maria) để tung vào sân Adebayor. Với thay đổi này, Real chuyển sang đá 4-3-3. Toan tính của Mourinho đã thành công rực rỡ.
Sự có mặt của Adebayor với khả năng không chiến và càn lướt tốt đã giải phóng C.Ronaldo. Trong bàn thắng quyết định của CR7, chính Di Maria, người được Mourinho tin tưởng giữ lại, bằng tốc độ đã tạt bóng chính xác, các hậu vệ Barca bị thu hút bởi chiều cao của Adebayor, tạo điều kiện cho C.Ronaldo đánh đầu thoải mái mang cúp về cho Real.
(Theo báo Bóng Đá)