Thứ Sáu, 15/11/2024 Mới nhất
Zalo

Đào tạo trẻ ở Tây Ban Nha: Chuẩn mực của thế giới

Thứ Hai 29/04/2013 21:27(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Real Sociedad đang đạt được những thành công bất ngờ tại Liga mùa này. Hành trình tới vị trí thứ tư của họ sẽ càng ấn tượng hơn nếu chúng ta biết rằng đội bóng này đang sở hữu trong đội hình tới 16 cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo trẻ.

Trong khi Barcelona vẫn đang xưng hùng xưng bá với lò La Masia, Tây Ban Nha vẫn còn những lò đào tạo trẻ khác. Những CLB như Sociedad của xứ San Sebastian hay đội bóng Athletic Bilbao của xứ Basque đang là bằng chứng cho thấy hiệu quả đào tạo trẻ của xứ sở bò tót.

Bilbao, giống như Sociedad và Barcelona, tự hào vì định hướng cực kì rõ ràng và có phần bảo thủ của họ: chỉ đào tạo, sử dụng và thuê những cầu thủ mang trong mình dòng máu xứ Basque. Theo một thông báo từ Prime Time Sport, Bilbao đang sử dụng 20 cầu thủ home-grown trong đội hình hiện tại của mình. Sociedad là đội bóng đứng thứ 2 trong nhóm này với 16 cái tên xuất thân từ lò đào tạo trẻ. Barca đứng thứ ba trong danh sách với 15 người.

Bóng đá trẻ là nền tảng
Bóng đá trẻ là nền tảng

Trong số 20 CLB đang thi đấu ở Liga mùa này, Granada là đội bóng duy nhất không sử dụng một cầu thủ home-grown nào trong đội hình suốt 2 mùa gần đây. Đương kim vô địch Real Madrid và đội bóng cùng thành phố Atletico Madrid lần lượt chỉ có 7 và 8 cầu thủ trong đội hình.

Trong 5 đội bóng đang dẫn đầu 5 giải vô địch quốc gia lớn của châu Âu hiện tại, Lyon là CLB duy nhất có lượng home-grown đạt tới 2 con số (10 cầu thủ). Hiện tại, ngôi đầu bảng của họ đã bị PSG, một đội bóng hợp chủng quốc, cướp mất.

HLV người Pháp Philippe Montanier của Sociedad tin rằng một trong những lý do mang tới thành công cho các học viện đào tạo ở Tây Ban Nha là việc nhấn mạnh yếu tố kĩ thuật hơn là sức mạnh thể chất. Một số thành viên của đội đầu bảng Barcelona, là ví dụ đáng tự hào cho xu hướng đó. Đấy là Xavi, Andres Iniesta và Sergio Busquets. Họ đã mang tới những thành công cho CLB và cả đội tuyển Tây Ban Nha. Họ là hạt nhân của những danh hiệu lịch sử ở EURO 2008, 2012 và World Cup 2010 tại Nam Phi.

Montanier chia sẻ với Eurosport: "Tây Ban Nha đã đạt được thế đối cực với Pháp bằng việc tập trung phát triển các cầu thủ nhỏ con nhưng thông minh trên sân. Người Tây Ban Nha và người Brazil có những chương trình tập luyện thú vị với kĩ thuật trong không gian hạn chế. Họ cũng liên tục làm việc với trái bóng."

"Ở Pháp, chương trình tập luyện đòi hỏi cao và rất nghiêm ngặt. Vì thế, khi những đứa trẻ trưởng thành ở tuổi 18 hay 19, nó có thể mất đi tình yêu với trái bóng."

Lợi ích kinh tế

Việc đưa một cầu thủ trẻ từ lò đào tạo lên đội một không chỉ làm tăng mối liên hệ giữa CLB và các CĐV. Nó còn mang lại lợi ích kinh tế lớn cho đội bóng. Với những CLB Tây Ban Nha đang ngập đầu trong nợ nần, điều đó ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện của Tây Ban Nha vẫn chưa có những dấu hiệu ngừng lại. Trong khi đó, đạo luật công bằng tài chính của UEFA đã bắt đầu áp dụng trên toàn châu Âu nhằm ngăn chặn các CLB tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm được. Các hoạt động chuyển nhượng gần đây trên khắp châu Âu đã bắt đầu bị tác động bởi đạo luật này. Thống kê của Prime Time Sport cho thấy các CLB Liga chỉ chi 12,3 triệu euro trong kỳ chuyển nhượng tháng Một.

Sức chi của các CLB Tây Ban Nha cũng giảm 62% so với năm ngoái, đạt mức thấp nhất trong 5 năm qua. Ông Esteve Calzada, người sáng lập Prime Time Sport, một cựu Tổng GĐ Marketing của Barcelona, chia sẻ: "Bất chấp sự suy giảm hoạt động chuyển nhượng, phải cảm ơn các GĐĐH của các CLB vì giải vô địch Tây Ban Nha vẫn chưa mất đi sức cạnh tranh trong ngắn hạn. Họ đã tìm ra những giải pháp ít đắt đỏ hơn."

Đương nhiên, không thể phủ nhận thực tế rằng những giải pháp "ít đắt đỏ hơn" của người Tây Ban Nha có bao gồm việc kí các hợp đồng chuyển nhượng tự do và thực hiện các hợp đồng cho mượn. Nhưng nền tảng của các giải pháp này vẫn dựa trên chương trình phát triển nhân sự của từng CLB. Số lượng cầu thủ home-grown được sử dụng ở Liga đã tăng từ 137 trong mùa 2010/2011 lên 155 người mùa này.

Placido Rodriguez, giáo sư kinh tế ở Đại học Oviedo và cựu chủ tịch Sporting Gijon, nhấn mạnh việc mạnh dạn đưa các cầu thủ trẻ lên đội một có thể giúp giải quyết các khó khăn về tài chính của CLB. Ông khẳng định phía sau Barca, Bilbao và Sociedad, một số đội bóng khác cũng đã tăng cường sử dụng các cầu thủ trẻ. Rodriguez nói với Reuters: "Đây là điều mà tất cả đã nói hồi năm 2000, khi kinh tế bắt đầu khó khăn. Tôi nghĩ đây là những chuyện sẽ xảy ra. Nhiều đội bóng đưa về các cầu thủ tự do nhưng nhìn chung, các đội bóng đã đưa những tài năng trẻ tiến lên đội một, điển hình là trường hợp của Bilbao."

Các học viện lừng danh

Angel Barajas, giáo sư tài chính của Đại học Vigo, cảnh báo ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế có thể buộc các đội bóng phải bán đi những tài năng trẻ xuất chúng nhất để kiếm tiền: "Điều chúng ta đang thấy là sự xuất khẩu những cầu thủ trẻ tới các giải đấu khác."

Một trong số những CLB đang phải làm điều đó là Malaga, đội bóng từng được một thành viên Hoàng gia Qatar mua lại hồi năm 2010. CLB đã vào tới Tứ kết Champions League ngay ở mùa giải đầu tiên từng phải thuê Manuel Casanova từ Espanyol cách đây 2 năm trong nỗ lực xây dựng cái được gọi là "một học viện ngôi sao". Casanova tiết lộ với Reuters: "Nhiệm vụ là xây dựng một học viện như của Barca và Bilbao. Những quốc gia khác đang tìm tới Tây Ban Nha như một ví dụ, một điểm tham chiếu."

Khi được hỏi về việc làm thế nào để nhận biết một cầu thủ tiềm năng, Casanova khẳng định đó không phải là thứ mà tiền bạc có thể mua được: "Đấy là một bí mật. Tôi đi trên đường pít và trong 15 phút, tôi có thể nói ai là những người giỏi. Đó là điều bạn sở hữu hoặc không - bạn không thể tìm thấy nó trong bất kì cuốn sách nào. Vài người có những món quà (từ tạo hóa) như những ca sĩ opera. Đây là món quà của tôi."

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X