Thứ Tư, 25/12/2024 Mới nhất
Zalo

Chuyển nhượng mùa Hè: “Ốc đảo” trong khủng hoảng

Chủ Nhật 02/08/2009 10:14(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Bất chấp nền kinh tế toàn cầu đang lao đao vì khủng hoảng, các chính phủ đang sốt sắng đối phó bằng những gói kích cầu trị giá nhiều tỷ euro, thế giới bóng đá dường như vẫn bàng quan với thế sự. Trong thời buổi khó khăn chồng chất, “ốc đảo” này lại chứng kiến những kỷ lục mới về chuyển nhượng cầu thủ.

Từ lớn...

Khi cơn bão khủng hoảng tài chính - kinh tế càn quét khắp thế giới, đã có không ít bài báo phân tích và dự báo về những tác động (có thể sẽ rất khủng khiếp) đến lĩnh vực thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Nhưng khủng hoảng hay khó khăn ở đâu chưa thấy, chỉ thấy mùa Hè này, các đội bóng tiêu tiền như chưa bao giờ được tiêu. Những bản hợp đồng “tiền tấn” kỷ lục (nếu trả bằng tiền mặt, có khi phải dùng xe tải mới chở hết) được ký một cách chóng vánh, nhẹ chẳng khác nào một người rút mấy đồng bạc lẻ trong túi ra để mua vài món đồ cỏn con ở cửa hàng tạp hóa. Thế mới biết, càng khủng hoảng bao nhiêu, người ta càng tiêu tiền “xông xênh” bấy nhiêu.

Ronaldo lập nên kỷ lục chuyển nhượng trong thời buổi khủng hoảng kinh tế trầm trọng

Không giống như vài mùa Hè trước, Premier League đã đánh mất vị thế dẫn đầu trên thị trường chuyển nhượng. Giờ đây, đi tiên phong trong việc ném tiền vào chợ cầu thủ đang là Liga BBVA. Các đội bóng ở giải vô địch quốc gia Tây Ban Nha đã tiêu hết số tiền 382 triệu euro cho việc tăng cường lực lượng. Kém chút ít là những đại diện của Serie A, với 368 triệu euro. Một mùa Hè tồi tệ đối với Premier League khi các đội bóng Anh bị đẩy xuống hàng thứ ba, với 306 triệu euro chi cho việc mua sắm cầu thủ, chỉ xếp trên Ligue 1 (216 triệu euro) và Bundesliga (166 triệu euro). Tính tổng cộng, năm giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu đã tiêu hết số tiền 1,438 tỷ euro trong vòng một tháng vừa qua cho những cuộc mua bán các anh tài sân cỏ, số tiền mơ ước đối với cả những nền kinh tế lớn bậc nhất thế giới trong thời buổi khủng hoảng như hiện nay.

Tất nhiên, có mua thì cũng có bán. Một phần lớn số tiền nói trên chảy ngược vào túi của các đội bóng thuộc năm giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu. Khoản chênh lệch 346 triệu euro giữa mua và bán của nhóm này được lý giải là do chảy ra bên ngoài. Chỉ tính riêng Porto ở Bồ Đào Nha đã kiếm được 65 triệu euro từ việc bán Lisandro Lopez và Aly Cissokho cho Lyon cộng thêm Lucho Gonzalez cho Marseille. Việc giá trị cầu thủ bị “đội” lên, dù ở mức nào đi chăng nữa, không ảnh hưởng mấy đến cán cân thanh toán giữa nội bộ các đội bóng thuộc top 5 nói trên.

“Điên cuồng” nhất trong cơn nghiện “shopping” dĩ nhiên là Real Madrid. Sự trở lại của “Bố già” Florentino Perez đã thổi một luồng gió cực mạnh vào thị trường chuyển nhượng, hệt như một cơn bảo làm mọi thứ đảo lộn cả lên. Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới bóng đá, một cầu thủ được định giá tới 94 triệu euro - vụ Cristiano Ronaldo từ M.U chuyển sang Real Madrid. Số tiền ấy dư sức xô đổ kỷ lục 75 triệu euro mà Zinedine Zidane từng thiết lập khi chuyển từ Juventus sang Real Madrid vào mùa Hè 2001, đồng thời khiến những bản hợp đồng của Kaka (65 triệu euro, từ AC Milan sang Real Madrid) hay Zlatan Ibrahimovic (66 triệu euro, từ Inter Milan sang Barcelona) trở nên chẳng thấm tháp vào đâu. Sự xuất hiện có phần hơn muộn mằn của Barcelona trên thị trường, với vụ chuyển nhượng Ibrahimovic mang tính lịch sử đối với đội bóng xứ Catalunya, giúp người Tây Ban Nha phần nào cảm thấy dễ thở hơn chút ít sau khi họ đã bất lực nhìn Real Madrid thao túng tất cả.

Đối trọng phần nào với “Dải ngân hà” Real Madrid là Man. City. “Gã trọc phú” khoác áo màu xanh ở Manchester, với túi tiền “không đáy” của những nhà đầu tư Ả-rập, đã gỡ lại ít nhiều thể diện cho Real Madrid trước sự bành trướng của đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha. Nhưng khác với Real Madrid, chuyên đi “hút máu” tài năng từ những giải đấu khác, vị thế có phần thấp bé của mình khiến Man. City chỉ còn biết “hút máu” chính các đối thủ trong nội bộ Premier League. Nạn nhân lớn nhất của “Man xanh” chính là Arsenal, đối thủ mà đoàn quân của Mark Hughes đang lăm le đánh bật ra khỏi “Big Four” để giành lấy tấm vé dự Champions League mùa tới. Man. City đã lấy được tiền đạo Emmanuel Adebayor và hậu vệ Kolo Toure của “Pháo thủ”, nhưng có thể họ vẫn chưa muốn dừng lại ở đó.

Manchester city chỉ chịu đứng sau Real Madrid về khoản chi tiêu trong mùa hè này

Đội hình của Man. City đang trương phình đến mức không tưởng, nhưng một khi tiền không phải là vấn đề, thì việc gì mà họ không “đã đập thì đập cho chết”. Nếu mất thêm đội trưởng Cesc Fabregas vào tay “Man xanh”, xem như Arsenal sẽ không còn hy vọng trú chân trong “Big Four” ở mùa giải tới. Những đối thủ khác có thể cản đường Man. City như Aston Villa hay Everton đều đã và đang mất đi những cầu thủ quan trọng vào chính tay đội bóng này, như trường hợp của tiền vệ Gareth Barry hay hậu vệ Joleon Lescott. Trước mắt, việc rút ruột đối thủ ở Premier League sẽ giúp Man. City rút ngắn đáng kể con đường trở thành một thế lực trong phạm vi nước Anh, trước khi họ tính đến chuyện bành trướng ra bên ngoài, tấn công vào những “pháo đài” như Real Madrid, Barcelona hay Inter Milan.

... cho đến bé

Nhắc đến hai đội bóng của Milan, người Italia sẽ cảm thấy buồn. Kaka và Ibrahimovic, hai ngôi sao sáng bậc nhất còn lại của Serie A, đã bị AC Milan và Inter đẩy sang Tây Ban Nha không thương tiếc. Inter còn vớt vát được chút ít khi kéo về chân sút Samuel Eto’o, còn AC Milan thì gần như chẳng có gì. Vậy thì có bao nhiêu hy vọng cho Serie A trối dậy trên bình diện châu lục, khi mà Diego, đến Juventus từ Bremen với giá 25 triệu euro, được xem là ngôi sao sáng và đắt giá nhất đến với bóng đá đất nước hình chiếc ủng trong mùa Hè này?

Đến một giải đấu “lông gà, lông vịt” như Ligue 1 cũng không thoát khỏi vòng quay của cơn mua sắm điên cuồng. Bị Bordeaux phết truất ngôi vị thống trị bóng đá Pháp vốn kéo dài suốt bảy năm qua, Lyon lao vào thị trường chuyển nhượng như một kẻ mất trí. Sau khi hoàn tất vụ mua tiền đạo Bafetimbi Gomis từ láng giềng St. Etienne, Lyon sẽ tiêu hết số tiền 73 triệu euro, nhiều nhất trong lịch sử “Les Gones”. Nhưng ông chủ Jean-Michel Aulas có vẻ vẫn chưa muốn dừng lại ở đó, mà đang tiếp tục ve vãn một số cầu thủ khác, như tiền đạo người Tây Ban Nha Daniel Guiza của Fenerbahce.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự Lyon là Bayern ở Bundesliga. Trắng tay ở mùa giải trước, đội bóng số một nước Đức nóng mặt, ném vào thị trường chuyển nhượng hơn 55 triệu euro, đem về sáu tân binh mà người đắt giá nhất là tiền đạo Mario Gomez, đến từ Stuttgart với giá 30 triệu euro. Mặt khác, Bayern - với nhà cầm quân người Hà Lan Louis van Gaal, đang quyết tâm giữ Franck Ribery lại bằng mọi giá bất chấp sự chèo kéo liên tục từ Real Madrid, Barcelona hay Chelsea, để hiện thực hóa tham vọng tái chiếm ngôi bá chủ của bóng đá châu Âu, mà lần gần nhất họ từ ngự trị trên ngai vàng là sau chiến thắng ở Champions League vào năm 2001.

Từ Liga BBVA, Serie A cho đến Premier League; từ Real Madrid, Man. City, Barcelona, Lyon cho đến Bayern; dường như bóng đá châu Âu đang quay cuồng trong cơn nghiện mua sắm, bất chấp giá cầu thủ bị đội lên cao ngất ngưỡng, bất chấp cuộc khủng hoảng phủ một màu mây xám lên nền kinh tế toàn cầu. Với thế giới bóng đá, mùa Hè này họ là một ốc đảo riêng, vẫn xanh tươi chẳng khác nào thiên đường, mặc kệ những gì đang diễn ra xung quanh.

Chi phí chuyển nhượng Hè 2009

Giải Mua Bán Chênh

Liga BBVA 382* 131 - 251
Serie A 368 370 + 2
Premier League 306 294 - 12
Ligue 1 216 191 - 25
Bundesliga 166 106 - 60

Tổng cộng 1.438 1.092 - 346

* Tính đến ngày 30/7/2009, đơn vị tính: triệu euro

(Theo Thể Thao Văn Hóa)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X