Ghi một bàn thắng vô thưởng vô phạt thì có cần cởi áo khoe body hay không? Là ngôi sao tấn công số một nhưng phải nhờ một hậu vệ cứu khỏi cơn ác mộng thì có đáng suy nghĩ hay không? Ai nói sao thì Ronaldo vẫn là nhà vô địch, vẫn là vua phá lưới, và vẫn là thần tượng của những người đã dõi theo anh từ rất lâu, chứ không chỉ trong một trận chung kết.
10 năm sau giọt nước mắt EURO 2004
Tại Estadio da Luz, năm 2004, chàng trai trẻ Cristiano Ronaldo khóc rưng rức khi đánh mất chức vô địch cùng tuyển Bồ Đào Nha trước đối thủ bị đánh giá thấp hơn là Hy Lạp. Từ đó đến nay, bóng đá thế giới đã biến chuyển rất nhiều, hai kỳ EURO khác đã trôi qua, và bản thân CR7 thì đã hoàn toàn lột xác. 10 năm không ngắn, nhưng thật khó đoán trước được rằng chàng trai bồng bột ngày nào giờ đã là một thần tượng thể thao mẫu mực, là chủ nhân của hàng loạt các kỷ lục lớn, với 2 chiếc cup Champions League và 2 QBV.
Có nhiều cách khác nhau để đi lên từ một thất bại. Nhiều người chọn cách bỏ lại nó, tập trung vào việc làm sao để tốt hơn, để chiến thắng, Ronaldo cũng nằm trong số đó. QBV 2012 thuộc về Messi, 2013 Ronaldo vùng lên giành lấy nó. Năm ngoái bị Dortmund loại ở bán kết Champions League đầy cay đắng, năm nay Ronaldo đã được nở nụ cười vinh quang. Là một tài năng trẻ “hiếu động” ở EURO tổ chức trên quê nhà, giờ thì đã sắm vai thủ lĩnh gánh vác những trọng trách lớn lao ở đội tuyển. Đó là Ronaldo.
Ronaldo đã từng về nhì ở nhiều cuộc đua, lớn có, nhỏ có, cá nhân có, tập thể có, nhưng người ta không liên tưởng đến Ronaldo bằng góc nhìn ấy. Đơn giản vì, những đặc trưng rõ nhất của anh là tinh thần không bỏ cuộc, luôn cầu tiến, luôn hướng về “số một”, không ai nhớ về một Ronaldo thua trận hoặc không giỏi nhất ở một vài thời điểm, họ chỉ nhớ về một Ronaldo đam mê chiến thắng và muốn vượt trên tất cả ở mọi lúc, mọi nơi.
Chủ nghĩa cá nhân của Ronaldo
Nói về trận chung kết với Atletico, đây không phải một trận đấu xuất sắc của CR7, người hùng thực sự của Real là Ramos và Di Maria, những người tạo nên đột biến về kết quả. Tuy nhiên, không xuất sắc không có nghĩa là dở. Một phần, có thể vì chấn thương mới lành, thể lực chưa đảm bảo, tương lai World Cup không cho phép Ronaldo “chết” ở Lisbon. Ngay cả vậy, để dễ hình dung, thử tưởng tượng nếu không có Ronaldo, người khiến một nửa hàng thủ đối phương luôn phải bám sát và dành hết tâm trí ngăn cản, thì hàng công Real sẽ giảm sức nặng đi đến thế nào. Các hậu vệ Atletico dần kiệt sức vì Ronaldo, bên cạnh những bước chạy của Bale và Di Maria, khó có thể thiếu một ai trong số họ trong bối cảnh như trận đấu vừa rồi, nhất là khi Benzema chơi cực kỳ mờ nhạt.
Phải, Ronaldo không gỡ hòa, cũng không giúp Real vượt lên dẫn trước, nhưng anh có dấu ấn trong hầu hết các bàn thắng ở trận chung kết với Atletico, và dấu ấn của một ngôi sao trong tập thể đá bóng không chỉ bó hẹp ở một cú sút hay đường kiến tạo “dâng cỗ tận mồm”. Dù chính Ronaldo cũng bị căng cơ, bỏ lỡ cơ hội vì sự thiếu sung mãn thể chất, nhưng anh vẫn nỗ lực bung hết sức mình, hô hào đồng đội, thậm chí liên tục chạy về tham gia phòng thủ, phá bóng, đấy là cái mà đội bóng cần, dù về sâu xa, nó bắt nguồn từ nỗi ám ảnh của bản thân Ronaldo với chiếc cup danh giá.
Ronaldo có mối quan tâm số một là những thành tích của bản thân, hình ảnh của mình trong thế giới. Ronaldo luôn muốn ghi bàn, muốn được vinh danh ở những thời điểm quan trọng, thích được chú ý. Nhưng nếu gọi anh là kẻ ích kỷ, chúng ta cần xét lại một sự thật hiển nhiên, đó là chẳng có kẻ ích kỷ nào có thể tồn tại trên đỉnh cao ở một môn thể thao tập thể như bóng đá. Thật vậy, Ronaldo là ngòi nổ nặng ký nhất, là cục nam châm hút hậu vệ tốt nhất, là người khao khát chiến thắng mãnh liệt nhất. Sự có mặt của anh là vô cùng quan trọng cho một đội bóng lớn, luôn nuôi mộng bá quyền như Real. Hiện nay ở đội bóng này, chưa có ai đủ sức thay thế vai trò của Ronaldo, và đó là lý do tất cả những đường bóng, tất cả những cơ hội đều tìm đến anh như anh tìm đến chúng, như cách người ta đặt hết những mũi tên vào tay người xạ thủ siêu phàm.
Ronaldo chính là khối đá thăng bằng, là hạt nhân giữ cho hàng công Real có được độ ổn định, đáng gờm. Có Ronaldo, Di Maria thoải mái hơn với những pha đột phá đầy ngẫu hứng, Gareth Bale có thêm khoảng trống và không bị “áp lực bị coi là trung tâm” đè nặng, trong khí đó sự kém sắc sảo của tiền đạo Benzema cũng được xí xóa ít nhiều. Hỗ trợ Ronaldo khi chưa thể thế chỗ của anh là điều đương nhiên, mọi con mắt đều đổ dồn về anh là một lợi thế cho những người còn lại. Cũng không thể không nói đến những đường kiến tạo, những pha lên bóng sáng mà Ronaldo tạo ra, những thứ mà một cầu thủ ích kỷ đúng nghĩa sẽ không thường xuyên làm được. Nói chung, Ronaldo chiến đấu có nhiều phần vì cá nhân, nhưng lại rất có ích cho tập thể, đó là lý do Real thèm muốn anh trước đây, và trân trọng anh trong hiện tại.
Trong màu áo tuyển quốc gia, vị thế cá nhân của Ronaldo còn hơn thế nữa. Với người Bồ Đào Nha, Ronaldo là tất cả những gì họ có trên hàng tấn công. Tuy lực lượng rải rác cũng có những cầu thủ tốt, song hàng công mà thiếu CR7 thì hầu như chẳng còn ai để trông chờ, cửa đi sâu sẽ giảm mạnh, đây là điều trông thấy được. World Cup đã ở ngay trước mắt, Bồ Đào Nha sẽ lại tiếp tục công thức quen thuộc của mình, dành cho Ronaldo sự tin tưởng tuyệt đối. Đó sẽ càng là môi trường thúc đẩy bản tính độc lập, niềm say mê chứng tỏ bản thân của Ronaldo.
Anh là như thế, không sợ hãi, mà thèm muốn được mọi ống kính chĩa vào mình, được là người đi đầu, người gánh vác. Nếu thắng thì hay, nếu thua lần sau lại cố gắng, triết lý sống ấy khiến Ronaldo có hàng triệu những người hâm mộ, khâm phục. Họ chẳng có gì phàn nàn về những màn ăn mừng khoa trương, đó là một phần của chàng trai đặc biệt ấy.
Theo Bongda