Cesc Fabregas đã từng tự cho rằng anh là “truyền nhân” của Xavi, nhưng điều đó bây giờ có lẽ không còn đúng nữa. Trái tim của Barca không phải là vị trí dành cho cựu tiền vệ Arsenal.
“Tôi coi mình là người thay thế Xavi, bởi khi khởi nghiệp, tôi chơi cùng vị trí với anh ấy” – Cesc từng nói vậy. Thời điểm anh còn theo học ở La Masia, một HLV đội trẻ cũng từng nhận xét “tư duy của cậu ấy nhanh như Xavi”. Thần tượng của Fabregas là “số 4” đầu tiên của La Masia, Pep Guardiola, người đã tặng cho Cesc chiếc áo của mình như một sự an ủi sau khi cha mẹ Cesc ly dị. Anh vốn phải là người kế nhiệm Xavi, cầu thủ đã khoác chiếc áo mà Pep bỏ lại và mở ra thời kỳ đẹp nhất trong lịch sử Barca.
Fabregas (trái) sẽ không thể là một Xavi (phải) thứ hai của Barca |
Nước Anh đã thay đổi Cesc
Fabregas đã sang Anh khi mới 16 tuổi, sau 5 năm học ở La Masia, và tại Arsenal, mọi chuyện hoàn toàn thay đổi. Cesc được đẩy lên chơi cao hơn, và phải thích ứng với những thói quen mới. Ví dụ: HLV Arsene Wenger luôn nói với các cầu thủ của ông rằng mắt họ phải luôn nhìn vào khung thành đối phương, trong khi ở La Masia, Cesc được dạy rằng đôi mắt là để đi tìm các đồng đội. Arsenal chơi một thứ bóng đá trực diện hơn, còn Barca là một chiếc thòng lọng đầy kiên nhẫn, siết vào cổ đối phương từ từ bằng những đường đan bóng chằng chịt trên sân.
“Tôi đã đánh mất khái niệm chịu trách nhiệm với vị trí của mình tại Arsenal” – Cesc kể lại. “Tôi có thể chơi ở bất kỳ vị trí nào mình muốn, miễn là tiến lên phía trước”. Vai trò của anh tại Arsenal là rất tự do, và ít khi phải quan tâm đến khái niệm điều tiết. Cesc là một ngòi nổ ở Arsenal, người có quyền di chuyển đến bất cứ đâu mà anh cảm thấy có thể tạo ra nguy hiểm.
Triết lý của Barca lại dựa nhiều trên kỷ luật vị trí: Bạn không thể tồn tại trong hệ thống ấy nếu không di chuyển theo đồng đội của mình. Cesc thừa nhận: “Tốt nghiệp La Masia là chưa đủ để hiểu cách Barca chơi bóng”. Cho đến thời điểm này, Cesc vẫn không thể thích nghi với vai trò một người phân phối. Trận lượt về tứ kết Champions League mùa trước gặp PSG, khi Xavi lập một kỷ lục về chuyền bóng, với 96/96 đường chuyền thành công (tỉ lệ 100%), thì Fabregas chỉ thực hiện 34 đường chuyền, và hỏng 3 lần.
Cesc không phải một nhà tổ chức
Cesc vẫn là một trong những tiền vệ có kỹ năng chuyền bóng tốt nhất thế giới hiện nay. Mùa trước, anh đã thực hiện tổng cộng 2186 đường chuyền ở Liga (trung bình 70 lần/ trận), với tỉ lệ chính xác là 88.5%. Nhưng chỉ chuyền bóng tốt là chưa đủ để nắm cây đũa nhạc trưởng của Barca.
Xavi là một nhà điều tiết bẩm sinh, người luôn khát khao kết nối mọi người: “Tôi phải chạm bóng ít nhất 100 lần mỗi trận. Nếu phải trở về phòng thay đồ với chỉ 50 lần, tôi sẽ điên tiết đến mức muốn giết ai đó mất.”. Điều đó giải thích tại sao Xavi lại là trái tim của Barca: Rất nhiều người di chuyển thông minh và chuyền tốt như anh, nhưng không ai kiên nhẫn và có khả năng thực hiện tổ hợp động tác đơn giản nhận bóng – chuyền – di chuyển hàng vạn lần với sự chính xác của kính hiển vi như anh.
Cesc không phải mẫu cầu thủ như thế. Ngay từ khi còn chơi ở La Masia, anh đã rất nổi tiếng ở khả năng… ghi bàn (Cesc ghi 30 bàn/ mùa là điều quá thường tình) hơn là một thủ lĩnh lối chơi. Tại Arsenal, anh cũng nổi bật với những pha mở biên và khả năng chuyền bóng cầu vồng qua hàng thủ đối phương, hơn là những đường chuyền ở cự ly ngắn và trung bình để điều tiết nhịp độ. Anh luôn muốn lao lên phía trước, còn Xavi thì kiên nhẫn đứng từ xa quan sát. Cesc là tướng tiên phong, còn Xavi là tổng chỉ huy.
2 năm thử thách có lẽ là đủ để chứng minh rằng Cesc không phải là “truyền nhân” của Xavi. Fabregas đã có đủ thời gian để chứng tỏ mình, nhưng anh thậm chí còn chưa biết mình đá tốt nhất ở đâu tại Barca. Cesc có bản năng tấn công và ghi bàn, những phẩm chất vô nghĩa với vị trí mà Xavi đang đảm nhiệm.Và với việc bán Thiago lẫn rục rịch đẩy Cesc khỏi Camp Nou một lần nữa, Barca cũng cho thấy rằng họ không còn muốn tìm một người kế thừa Xavi nữa.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)