Trong khi một bộ phận dư luận báo chí xứ đấu bò vội vàng nhận định trước hay sau thì tân HLV của Barcelona, Gerardo “Tata” Martino, cũng sẽ thất bại với một lý do đơn giản “ông ấy là người Argentina”, thì nhà báo-nhà văn, Perarnau, cho rằng không nên võ đoán như thế.
Trên tờ Marca, nhà báo Perarnau, cựu VĐV nhảy cao người Tây Ban Nha từng dự Olympic Moskva, chia sẻ một góc nhìn khác.
1. Tôi đặt trên tiêu đề từ “Ngài” mặc dù biết ông ấy tên là Gerardo với biệt danh Tata, và trước khi đến sân Camp Nou đã bị nghi ngờ về khả năng cầm quân của mình. Bằng cách này, tôi muốn bày tỏ sự tôn trọng to lớn tới Ngài Martino. Người ta không nghi ngờ về lý lịch thể thao của ông, với bảng thành tích nổi bật; cũng không nghi ngờ tính cách của nhà cầm quân này, được coi là giản dị và bình tĩnh; và cũng không nghi vấn gì về lối chơi của ông vì nó hiệu quả và hấp dẫn. Người ta nghi ngờ ông… vì mang quốc tịch Argentina. Có vẻ đây sẽ là một vấn đề thực sự.
Cần có một cái nhìn thoáng hơn về Tata Martino
2. Martino đi lại vết xe đổ của Mourinho khi đến với Real Madrid. Vì là người Bồ Đào Nha nên có vẻ “The Special One” chẳng đem lại điều gì tốt đẹp. Giờ thì vì là người Argentina, ngài Martino cũng thế. May mắn là ý kiến này không thuộc đa số, nhưng mà muốn hay không muốn nó vẫn tồn tại. Chúng ta có thói quen hay chống lại tất cả trước khi bắt đầu một chiến dịch. Tôi không nói tới những sự chỉ trích sau các sự kiện, thường là đúng đắn và có thể hiểu được. Nếu không làm tốt, cần phải phê bình. Điều tôi nói ở đây là những sự chỉ trích dựa trên những thành kiến. Bóng đá TBN và thế giới bao quanh nó luôn tồn tại sự võ đoán. Raul sang Bundesliga có mất gì đâu? Guardiola sang Bayern? Là để tìm sự thoải mái. Vậy mà...
3. Chúng ta chưa biết Ngài Martino sẽ quản lý thế nào một CLB như Barca. Đây không phải là một CLB bất kỳ nào mà là một đội bóng giành được cả núi danh hiệu trong thập niên qua, nhiều gần như những tính từ mang tính khâm phục, nhưng mà giờ đây đang ở ngã ba đường. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng chỉ các cầu thủ mới là quan trọng. Nhưng Barca đã làm khá tốt những sự thay thế các quân bài: như Ronaldinho và Deco được thay thế bằng Messi và Iniesta. Sự thay thế đó được thực hiện mà không làm vẹo xương sống của đội bóng.
4. Việc Neymar đến Barca là một biểu hiện nữa của sự kế tục từng bước, mặc dù có những đám mây đen đặc trên đầu Puyol và Xavi, đang thiếu những truyền nhân. Nhưng trên các cầu thủ luôn có một đường lối kế thừa góp phần làm cho các quá trình chuyển đổi không bị sốc trên sân cỏ, và đường lối đó đã được vạch ra từ thời Johan Cruyff.
5. Đã từ rất lâu, Barca là CLB được cơ cấu xung quanh các HLV của mình. Người ta nhìn thấy điều đó khi Cruyff và các học trò của mình chinh phục Cúp châu Âu. Nhưng hôm nay, Cruyff là một kẻ lưu đày, Pep trở thành đối thủ và Rijkaard hầu như chỉ còn là sự nhớ nhung. Lần thứ hai trong 25 năm qua, CLB rời xa đường lối “Cruyffista”. Bởi vì thời kỳ của Van Gaal là khuôn mặt đối nghịch của Cruyff, nhưng về triết lý bóng đá họ vẫn giống nhau.
6. Rời xa đường lối đó có thể tạo ra sự nghi ngờ, nhưng không phải là một bản án cho sự thất bại. Tiền lệ thì vẫn là tiền lệ. Các thời kỳ hay nhất của Barca luôn có sợi chỉ đỏ xuyên suốt trên băng ghế chỉ đạo. Martino cũng có thể thành công với những phẩm chất của mình: giản dị, bình tĩnh, chăm chỉ, ít nói và thông minh.
7. Ngài Martino không đáng bị chê bai chỉ vì là người Argentina, hoặc vì mới chỉ thành công ở Nam Mỹ. Ông xứng đáng được có thời gian và cơ hội để chứng tỏ khả năng của mình. Còn sau này, tất nhiên, nếu thất bại, ông sẽ bị chỉ trích sâu sắc. Không nên vội vã chê bai từ trước, nhất là chỉ vì là công dân của một nước khác. Những thách thức của Barca là giống nhau với bất cứ một HLV nào, và vấn đề của họ là giải quyết nó một cách hiệu quả, chứ không phải là nói về nguồn gốc của nhà cầm quân.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)