Thứ Năm, 14/11/2024 Mới nhất
Zalo

Barcelona: Tôi là… Anteus!

Thứ Ba 04/12/2007 13:53(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Thần thoại Hy Lạp đã sản sinh ra rất nhiều vị thần mang sức mạnh vô biên, trong số ấy có Anteus, con của thần Biển Poseidon và thần Đất Gaea, có sức mạnh vô tận. Cái sức mạnh mà dũng sĩ Hecules dẫu có vật ngã Anteus bao nhiêu lần vẫn không thắng được. Và Barca, một Anteus mới chăng?

 

Đất mẹ Nou Camp

 

Anteus chẳng bao giờ thất bại bởi mỗi lần vị thần này bị đánh ngã thì nữ thần Đất Gaea lại ban cho chàng thêm sức mạnh để đứng lên tiếp tục chiến đấu. Người viết cố ý ví Barca như là một Anteus đầy sức mạnh cũng như thói quen… dựa dẫm vào “đất mẹ” của mình (Nou Camp). Thần thoại văn học được đúc kết từ cuộc đời và quả thật, ngoài đời thực, vấn đề của Barca cũng chẳng khác câu chuyện kia là mấy.

 

Nou Camp - hang ổ của đội bóng xứ Catalan!

Bạn có biết 10 trận gần đây trên sân nhà, các culé (CĐV Barca) đã chứng kiến đội nhà giành chiến thắng bao nhiêu % không? 90%! Và trận xa nhất họ hoà trong thế trên chân là trước… Espayol, gã hàng xóm đáng ghét cùng thành phố. Quả thật không khác gì một lời nguyền, Nou Camp đã bao lần làm các vị khách dù rắn mặt đến đâu cũng phải khiếp hãi và đa phần ra về với những tỷ số đầy tủi nhục.

 

Hãy lần lượt hỏi những Recreativo,  Betis, Almeria, Atletico Madrid, Zaragoza, Sevilla, Athletic Bilbao xem họ đã trải qua những thời khắc kinh hoàng như thế nào trong cái sân bóng luôn chứa hơn 100.000 khán giả ấy. 20 bàn thắng đã được ghi trong 7 trận đấu với các đội bóng ấy (trung bình gần 3 bàn/trận) trong khi hàng thủ của Barca mới chỉ “cho phép” Sevilla, Athletic Bilbao và Zaragoza mỗi đội được một bàn danh dự ra về. Những chỉ số quá khủng khiếp, đủ khiến những ai sẽ đặt chân đến miền đất dữ ấy phải chùn lòng, xuống khí thế.
 

Trận "ngon" nhất trong ngày
 
Soạn GO VIP gửi 8779


Và cũng không quên nhắc đến Lyon hay Rangers với tổng cộng năm lần rách lưới trên cái sân ma quái có chiều rộng thuộc loại nhất thế giới kia. Nou Camp có nghĩa là “sân mới”, theo tiếng Tây Ban Nha, nhưng nó đã quá lâu đời như một loại bùa chú mà các cầu thủ xứ Catalan “ám” vào các đối thủ khi chơi tại đây.

 

Và rời xa “hang ổ”

 

Nhưng bạn có biết kết cục của Anteus khi gặp phải Hecules là gì không? Một cái chết thảm thương khi bị nhấc bổng lên và bóp nghẹt, vấn đề của Barca cũng nằm ở chỗ đó. Mọi thứ đều chống lại các cầu thủ lừng danh như Ronaldinho, Messi, Henry, Puyol, Deco,.... khi họ rời xa “hang ổ” Nou Camp của mình. Họ dễ tổn thương vô cùng trước những đợt lên bóng của đối phương cứ như cách Anteus bị vờn cho chóng mặt bởi dũng sĩ Hecules trước khi bị siết chết trên không.

 

Nhưng Barca luôn thất vọng trên sân khách

Có cảm giác bầu không khí ở Nou Camp mới là thứ oxy hữu hiệu để Barca “sống” còn những nơi khác, thì không. Tại sao ư? Họ chỉ mới ba lần giành chiến thắng trong 11 trận xa nhà nhưng những chiến thắng ấy cũng chả thuyết phục được ai. Levante đang là đội thủng lưới nhiều nhất La Liga nên… miễn bàn. Gimnastic đang chơ lơ trong số những đội bóng có khả năng xuống hạng nên cũng… miễn bàn nốt. Chỉ có chiến thắng trước Stuttgart là đáng kể nhưng ai cũng biết là “bầy thiên nga” (biệt danh của đội bóng ĐKVĐ nước Đức) đã luôn là những… chú vịt xấu xí và yếu ớt đến mức ai cũng có thể… “vặt lông” từ đầu mùa. Vậy thì có gì đáng nói cơ chứ, Barca?

 

Đội bóng của Rijkarrd bị Getafe thắng trắng 2-0, bị “Tàu ngầm vàng” (Villarreal) tặng cho ba phát “ngư lôi” rách lưới, năm trận còn lại Barca chỉ kiếm được… 5 điểm (tất cả đều là những trận hòa), khổ thân! Barca dữ như hùm, như sói bao nhiêu tại Nou Camp thì càng “hữu danh vô thực” bấy nhiêu khi rời xa “hang ổ”. Nếu như không có cái danh tiếng quá lớn của họ từ trước cộng thêm các đội chủ nhà không quá e dè thì có lẽ đoàn quân của HLV Rijkaard không chỉ bị knock-out có hai lần.

 

Vậy thì nếu đội bóng từng để vuột chức vô địch năm ngoái vào tay đại kình địch Real Madrid có “nhường” đối thủ thêm lần nữa trong cuộc đua về đích La Liga năm nay cũng sẽ không có gì quá ngạc nhiên. Họ “tự bắn vào chân mình” bằng những kết quả kém cỏi khi xa nhà cơ mà!

 

Làm sao đây để tốt cho cả hai?

 

Một đội bóng lớn không chỉ là một đội bóng mạnh, họ cần có sự ổn định về nhiều mặt. Cái phạm trù trừu tượng mang tên “bản lĩnh” nằm ở những đôi chân biết “nghe lời” khi thi đấu ở những nơi không quen thuộc chứ không chỉ biết “cậy gần nhà”. Barca đã chơi như kẻ mộng du sau khi họ quay lại vị trí ông lớn cách đây hai mùa giải (năm họ đăng quang cả ở La Liga lẫn Champions League).

 

Không lẽ giải thích thất bại với các CĐV rằng Barca đang như là... Anteus?

Triết lý của đội bóng Catalan là bất biến: tấn công cống hiến, nhưng xem chừng đã quá lỗi thời với một hàng phòng ngự giỏi “phá” trong khi hàng công không phải lúc nào cũng “làm” ngon lành khi không chơi ở Nou Camp. Hãy hỏi Puyol xem anh ta đá thế nào khi vắng Marquez? Chạy và chạy một cách mù quáng theo trái bóng. Hãy hỏi Thuram xem “ông già” ấy chơi trung vệ thế nào? Phạm những sai lầm ngớ ngẩn như một… cậu bé học việc. Thế còn Zambrotta và Oleguer, mỗi khi họ được trao cơ hội? Các đối thủ phải thầm… cảm ơn Rijkard vì đã trao cho họ cơ hội khoét vào điểm yếu của Barca. Nhưng vấn đề của đội bóng xứ Catalan đâu chỉ có thế!

 

Tính tự mãn sau mỗi trận thắng vang dội trên sân nhà thể hiện rõ ở mỗi cầu thủ Catalunia. Họ đi làm khách không khác gì… đi dạo. Henry vẫn chưa lấy lại bản năng săn bàn, Ronnie lười chạy một cách kinh khủng, Messi ham vẽ vời và đôi khi quá ích kỷ khiến hàng công không cụ thể hoá những cơ hội có được một cách tốt nhất. Việc vắng Deco cũng khiến tuyến hai bất ổn với những giải pháp hoá giải bài tung… “xe buýt” ra cản trước khung thành của đối phương. Còn hàng thủ, như đã nói, quá tệ!

 

Rijkard hẳn đang rất đau đầu. Một đội bóng có thi đấu tốt mấy trên sân nhà nhưng cứ phung phí cơ hội nơi “đất khách” sẽ khó lòng đạt được thành công và người Catalan sau hai năm “đói” danh hiệu đang rất kỳ vọng vào ông. Nhưng bài toán khó về việc các học trò cứ như… thần Anteus, yếu ớt khi rời “đất mẹ”, sẽ không thể khắc phục trong ngày một, ngày hai.

 

Và những áp lực khủng khiếp của lòng kỳ vọng, có khi lại như một liều thuốc độc khi nhiều người đã cho rằng chu kỳ thành công của HLV người Hà Lan tại Barca đã qua. Rijkard thân mến, làm sao đây để tốt cho cả hai (thi đấu trên sân nhà lẫn sân khách)? Lẽ nào cứ sau mỗi trận không thành công của Barca, ông và các học trò lại tự nhủ: “Tôi là… Anteus!” để biện minh cho thất bại.

 

Nhưng cũng có khi đúng thế thật…

  • Ái Nga

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X