Nếu danh hiệu là mục tiêu của tập thể Barca thì danh dự là cái đích hướng đến của “Tata” Martino. Và trước khi rời Nou Camp, liệu Martino có thổi bay được nỗi hổ thẹn?
Một buổi sáng giữa tháng Tư năm nay, sau thất bại của Barca ở chung kết Cúp Nhà vua và là trận thua thứ 2 liên tiếp của CLB, “Tata” Martino cùng trợ lý Jorge Pautasso bị bao vây bởi một nhóm CĐV bất mãn. “Các ông chỉ để lại nỗi ô nhục”, Martino cùng Pautasso không có lấy bất kỳ phản ứng nào trước tiếng thét lên từ đám đông. Cả hai lặng lẽ đón nhận những lời lẽ xúc phạm nặng nề, họ chẳng thể lên tiếng bởi Barca thời điểm đó sau khi bị loại khỏi Champions League và mất Cúp Nhà vua thì cũng cạn hi vọng vô địch La Liga.
Đó là câu chuyện được nhắc lại trên tờ El Pais, phản ánh cho những ngày không hề êm ả Martino đã từng trải qua, cũng như sự im lặng không thể khác đi khi mà CLB liên tiếp bị nhấn chìm ở 3 sân chơi chỉ trong 2 tuần lễ. Ở Barca là thứ luật “im lặng” đáng sợ, không cho phép người ta được hé miệng những chuyện “thâm cung bí sử” và cũng chẳng có tiếng nói cho kẻ không đưa được đội bóng đến vinh quang.
Bởi Barca nhiều năm qua vốn “độc cô cầu bại”. Họ đã quen với khái niệm chiến thắng, mà ngay cả khi biết rằng thế hệ cầu thủ này đang suy yếu thì các CĐV vẫn chưa sẵn sàng để đón nhận những điều tồi tệ. Martino đến Nou Camp phải đối mặt với thách thức từ những thành công cũ. Ông cũng như bất kỳ vị thuyền trưởng nào tiếp quản chiếc ghế của Pep Guardiola đều đương đầu với lối chơi mà chỉ Barca mới có. Giữ nguyên, thay đổi, điều chỉnh, hay cải tổ toàn diện triết lý chơi bóng... đều là bài toán mang tính thử thách cực đại cho các ông thầy. Người Catalunya cứ đòi hỏi một sự thay đổi lối chơi dưới thời Martino nhưng ông có thể làm gì tốt hơn khi mà sự tăng cường nhân sự dành cho ông chỉ là Neymar?
Tất cả vẫn phải là đòi hỏi một HLV có mối liên hệ sâu sắc với CLB, am hiểu một cách tường tận tính cách và phẩm chất của từng cầu thủ. Không như cố HLV Tito Vilanova hay vị trợ lý Jordi Roura (trong giai đoạn Tito nằm viện điều trị), Martino đã không có được may mắn ấy. Ông như một kẻ đơn độc và lạc lõng trong hành tinh Barca. Cuộc sống nghiệt ngã hơn khi Martino thiếu đi sự ủng hộ tuyệt đối của đội ngũ cầu thủ. Kể cả cho dù Xavi, Iniesta đã bác bỏ thì người ta vẫn nghi ngờ rằng chỉ có Lionel Messi muốn cống hiến vì ông thầy đồng hương.
Thêm nữa, thượng tầng của Barca là một cấu trúc phức tạp, là CLB sở hữu vô số thành viên, hoạt động độc lập giữa 2 mặt thể thao và kinh tế, thậm chí luôn tồn tại cuộc chiến ngầm nội bộ. Chính bản thân GĐTT Andoni Zubizarreta cũng được cho là “kẻ cô đơn” trong bộ máy rắc rối đó. Còn với Martino, sau 7 tháng đến Barca đã phải chứng kiến sự kiện từ chức của Chủ tịch Sandro Rosell - nhân vật nếu còn tại vị sẽ là sự hậu thuẫn cho ông về cả tâm lý lẫn những chính sách thể thao. Đây chính là nguyên nhân tạm hiểu việc Barca sa sút trong giai đoạn 2 của mùa bóng này.
Mọi thứ bỗng dưng quay ngoắt với “Tata” Martino, như một sự tàn nhẫn và bất công, khi người Barca quên mất rằng Martino từng lập kỷ lục chuỗi 8 trận thắng mở màn trong lịch sử của đội bóng. Họ cũng không còn nhớ 22 vòng Barca luôn dẫn đầu BXH mùa giải năm nay. Họ bắt ông phải chịu đựng sự nguyền rủa, trong khi đây là năm thượng tầng của Barca dính nhiều bê bối. Chung quy lại, Martino đơn giản cũng chỉ là một nạn nhân, và theo kế hoạch cải tổ đội bóng của BLĐ thì sự chuyển giao băng ghế chỉ đạo cũng là lẽ thường.
Nhưng bây giờ, phía trước Martino ít nhiều khác đi so với “màn tra tấn” của buổi sáng giữa tháng Tư ấy. Martino có thể sẽ vẫn phải chia tay dù Barca vô địch, song chẳng CĐV nào còn nhắc đến “nỗi ô nhục” nữa. Martino, trước mặt ông 90 phút để vãn hồi danh dự!
Theo Bongdaplus.vn