Thứ Sáu, 15/11/2024 Mới nhất
Zalo

Thủ môn Pháp & Nỗi ám ảnh của người Anh

Thứ Tư 20/04/2011 21:29(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Bài viết của cây bút nổi tiếng người Anh Matthew Spiro, nhà báo tự do, từng làm việc cho những trang báo danh tiếng của Anh như Independent hay Telegraph. Anh đã có nhiều năm sống và làm việc tại Pháp, và đây là góc nhìn của Spiro về các thủ môn người Pháp.

Tôi đã sống ở Pháp 9 năm và có rất nhiều băn khoăn chưa thể giải thích được. Tại sao người Pháp luôn bị ám ảnh bởi dòng máu Hoàng gia, hơn cả chúng tôi? Tại sao mà họ thật sự suy nghĩ một cách ngây thơ rằng cricket là một môn thể thao "na ná bóng chày và giờ nghỉ được dùng để uống trà"? Tại sao các CĐV Pháp lại huýt sáo và la ó chính tuyển thủ quốc gia của họ trên Stade de France? Tại sao cùng là đàn ông với nhau, mà người Pháp lại thích hôn nhau khi chào đón bạn?

Hugo Lloris là thủ môn hàng đầu nước Pháp nhưng người Anh lại không nghĩ như vậy

Sự khác biệt về văn hóa kéo theo những khác biệt trên sân cỏ. Trong khi các BLV người Anh mô tả một pha vào bóng bằng cả hai chân là "mạnh mẽ" hoặc "nảy lửa", thì người Pháp chắc chắn sẽ gọi đó là một hành vi nguy hiểm, và bĩu môi lầm bầm rằng ông trọng tài đã quá khoan hồng. Khi một hậu vệ ở Premier League vào bóng bằng gầm giày, những tiếng hò reo như chấp thuận ở Anh là điều mà khán giả Pháp không thể làm quen.

Nhưng các thủ môn mới chính là vấn đề gây tranh cãi lớn nhất giữa người Pháp và người Anh trong bóng đá.

Người Anh “ghét” thủ môn Pháp

Người Pháp cho rằng họ có những thủ môn tốt nhất thế giới, và thường chế giễu người Anh vì điều đó. Khi bất kỳ thủ môn người Anh nào đó phạm sai lầm, truyền hình Pháp sẽ "nhắc đi nhắc lại" cảnh ấy cả giờ đồng hồ. David James là nhân vật được "ưa thích" nhất. Pha chụp ếch của Robert Green trước đội tuyển Mỹ ở World Cup trở thành một hình ảnh tiếu lâm khó quên trên các kênh truyền hình Pháp.

Nhưng điều nghịch lý là nếu bạn hỏi người Anh xem họ nghĩ gì về các thủ môn Pháp, thì có lẽ bạn sẽ nhận được một câu trả lời khá tiêu cực.

Trong thể thao, người Pháp được biết đến với sự tinh tế và kỳ dị trong cách chơi bóng, những phẩm chất mà không nhất thiết các thủ môn phải có. Thậm chí, sự thất bại của Fabien Barthez ở Old Trafford bởi chính sự kỳ dị trong tính cách của anh ta đã tạo nên một mối ác cảm của người Anh với thủ môn Pháp.

Vậy thì, sự thật nằm ở đâu? Với tư cách là một người theo dõi cả Ligue 1 và Premier League trong nhiều năm, tôi rất ấn tượng với các thủ môn Pháp, qua những màn trình diễn xuất sắc của họ hàng tuần. Hugo Lloris, Steve Mandanda, Stéphane Ruffier, Cédric Carrasso vàNicolas Douchez đều là những thủ môn Pháp rất, rất tuyệt vời.

Tuy nhiên, thực tế là dù các CLB Premier League rất chuộng cầu thủ Pháp, nhưng họ vẫn loại trừ các thủ môn khỏi danh sách chiêu mộ. Có một sự ngờ vực lớn nào đó vẫn ám ảnh người Anh.

Tạm bỏ qua trường hợp Barthez, các CLB Anh chưa bao giờ đặt trọn niềm tin vào các thủ môn người Pháp. Crystal Palace chỉ mượn thủ môn trẻ Cedric Carrasso trong một mùa bóng 2001-2002, Bernard Lama lẫy lừng chỉ chơi chừng chục trận cho West Ham, Liverpool từng ký với 2 thủ môn người Pháp là Patrice Luzi và Charles Itandje, nhưng sử dụng họ một cách rất hạn chế. Trong khi đó, nhìn sang thành công của Sebastian Frey ở Serie A, việc thủ môn Pháp có thể tỏa sáng ở nước ngoài là chuyện rất đỗi bình thường.

Chẳng sao, người Pháp vẫn tự hào!

Có lẽ nguyên nhân của hiện tượng này bắt nguồn từ phong cách chơi bóng đối lập của hai giải đấu. Các đội bóng Anh thường ưa chuộng sử dụng bóng dài và những quả tạt để làm lung lay hàng thủ đối phương. Một thủ môn đến từ Ligue 1 có thể sẽ phải lúng túng khi đối mặt với những đội chơi kiểu Anh điển hình như Stoke hay Blackburn.

Trong 10 năm qua, Petr Cech có lẽ là thủ môn đến từ Ligue 1 thành công nhất ở Anh (chuyển đến Chelsea từ Rennes), nhưng anh có một lợi thế đặc biệt: Chiều cao 1m97. Hugo Lloris thấp hơn thủ thành người Czech những 9 cm, và bất chấp việc đã thể hiện được đẳng cấp đặc biệt của anh trong các trận Champions League, thủ môn của Lyon vẫn chưa được người Anh để mắt đến.

Nhưng đó có thể xem như là cách đánh giá bất công với Lloris nói riêng và các thủ môn người Pháp nói chung. Ở tuổi 24, Lloris có khả năng làm chủ vòng cấm rất đặc biệt, đồng thời có đủ sức bật và sự dẻo dai, cũng như sự xả thân trong mọi tình huống cản phá. Steve Mandanda của Marseille có phản xạ cực tốt, và pha cản phá cú đánh đầu của Issam Jemaa trong trận gặp Lens ở vòng 29 tạo cho tôi cảm giác rằng anh ấy đến từ hành tinh khác.

Cả hai đều đủ đẳng cấp để có thể tỏa sáng ở bất cứ giải VĐQG hàng đầu nào trên thế giới. Sau lứa của hai thủ môn này, người Pháp không thiếu những “mầm non” ở vị trí tối quan trọng này: Thủ môn của đội U-19 Pháp Pierrick Cros đang chơi rất hay ở Sochaux, Johan Carrasso, mới 22 tuổi và là em trai của Cedric Carrasso, đang sẵn sàng tiếp bước Douchez ở Rennes. Hay Ruffier, mới 24 tuổi, ở Monaco.

Tất cả đều có tương lai đầy hứa hẹn. Chỉ hiềm nỗi, không ai trong số họ là người Anh. Và như đã nói, thật mâu thuẫn là người Anh không nghĩ rằng người Pháp có những thủ môn giỏi.

17 Trừ David Ospina, người Colombia ở Nice; Edel, người Cameroon ở Rennes và Vedran Runje, người Croatia ở Lens, 17 đội còn lại ở Ligue 1 đều sử dụng thủ môn chính là người Pháp

7 Có 7 thủ môn đã ra sân không thiếu một phút nào mùa này, là Landreau (Lille), Mandanda (Monaco), Janot (St. Etienne), Elana (Brest), Ruffier (Monaco), Sorin (Auxerre) và Penneteau (Valenciennes)

38 Thủ môn người Pháp “già” nhất Ligue 1 thời điểm này là Gregory Coupet, còn người trẻ nhất mới 19 tuổi. Đó là Pierrick Cros, thành viên của đội U-19 Pháp và đang bắt rất hay ở Sochaux

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X