Hôm thứ Bảy tuần trước, người hâm mộ câu lạc bộ Paris Saint-Germain có mặt trên sân Parc des Princes cùng rất nhiều người hâm mộ khác trên toàn thế giới đã chính thức nói lời tạm biệt một hoàng tử thực sự của bóng đá hiện đại. Mang trên tay chiếc băng đội trưởng, David Beckham ôm lấy từng người đồng đội của mình với những dòng nước mắt lăn dài, sau đó anh đi tới đường piste, dang rộng tay vẫy chào hàng chục ngàn người trên các góc khán đài đang dành cho anh những tràng pháo tay nhiệt liệt nhất.
Có thứ hạnh phúc gọi là chia tay
Đó có lẽ sẽ là lần cuối cùng Becks chơi bóng dưới tư cách một cầu thủ chuyên nghiệp, trong trận đấu trên sân nhà cuối cùng của PSG trước Brest. Huấn luyện viên Carlo Ancelotti đã ưu ái dành tặng cho anh chiếc băng đội trưởng, và Becks đã đeo nó trên tay trong suốt 81 phút thi đấu, trước khi được thay bởi Ezequiel Lavezzi từ băng ghế dự bị. Lúc ấy, các cầu thủ PSG đã xếp thành hình vòng cung để chia tay anh, trong đó có cả thủ môn Salvatore Sirigu, người phải chạy ra khỏi cầu môn của mình. Thậm chí, tiền vệ chạy cánh người Brazil Lucas Moura còn cúi đầu tôn kính trước Becks.
Đám đông có mặt trên “Công viên các Hoàng tử”, bao gồm cả cựu tổng thống Nicolas Sarkozy đều đứng hết dậy gửi những nụ hôn gió, những tràng pháo tay không ngừng nghỉ tới cựu đội trưởng đội tuyển Anh. Máy quay còn bắt được những hình ảnh đầy cảm xúc. Một người đàn ông trung niên đang cố lau đi những giọt nước mắt trong khi đó đứa con trai của anh ta, đứng dưới một bậc, giơ cao tấm biểu ngữ: “Một năm nữa thôi, làm ơn đi, Beckham!”
Khi trận đấu kết thúc, các cầu thủ còn lại của PSG đồng loạt được chúc mừng bởi bản rock quen thuộc của Nirvana: “Smells like Teen Spirit”. Sân “Công viên các hoàng tử” sống động bởi những sắc màu: màu tóc xanh mới nhuộm của Christophe Jallet, màu trắng và đỏ trong quốc kỳ nước Pháp, một số khác thì đã khoác lên mình mẫu áo sân nhà của đội mùa giải tới.
Tất cả họ đến bên Beckham, nhấc bổng anh lên và liên tục tung hứng anh lên không trung cùng những nụ cười trên môi. Lễ ăn mừng chức vô địch Ligue 1 bắt đầu khi đèn sân vận động được tắt hết, những que phát sáng tạo nên hiệu ứng hình ảnh đẹp tuyệt. Pháo hoa cũng nở rộ cùng bài hát kinh điển của The Beatles : “Hello and Goodbye” (Xin chào và tạm biệt). Màn hình lớn phát lại những khoảnh khắc đẹp của Becks tại PSG cùng với những lời cám ơn.
Khoác lên mình lá cờ nước Anh, Becks hướng đến đám đông và nói: “Cám ơn, Paris. Tôi rất buồn khi phải ra đi. Nhưng xin được cám ơn một lần nữa”. Becks đã nói về quyết định giải nghệ từ hôm thứ Năm. Ở vào cái tuổi của anh, chuyện một cầu thủ tuyên bố giã từ sự nghiệp là điều hết sức bình thường. Nhưng người chia tay chúng ta là David Beckham, người đã trở thành biểu tượng trong và ngoài bóng đá trong suốt 20 năm qua.
Becks và những dấu ấn ngoài sân cỏ
Beckham có ít nhất 20 hình xăm trên cơ thể, trong đó có một hình ảnh màu đen và trắng của Chúa Ki-tô được xăm bên cánh tay phải, dựa trên hình ảnh của bức “The Man of Sorrows” của nghệ sĩ Công giáo Matthew R. Brools. Hình xăm này được thực hiện sau cái chết của ông nội Beckham năm 2009.
Ngoài ra, Becks cũng xăm đủ tên vợ Victoria, các con trai Romeo, Cruz và Brooklyn được viết bằng tiếng Hindu. Giải thích về điều này, Becks cho biết nếu viết bằng tiếng Anh, sự thiêng liêng sẽ mất đi một phần ý nghĩa. Bên vai phải Becks là hình một thiên thần cùng dòng chữ “In the face of adversity” (Khi đối mặt với nghịch cảnh) thể hiện thái độ lạc quan, bất chấp mọi khó khăn của anh trong thực tế. Becks tỏ ra là người rất sùng đạo. Anh còn xăm hình một câu trong Kinh Thánh bằng tiếng Do Thái mang nghĩa: “Tôi là tình yêu của tôi. Tình yêu của tôi là tôi. Nó được săn sóc bằng sự tinh khiết”.
Trong cuốn tự truyện “David Beckham: Cuộc đời của tôi”, Becks đã từng nói về những suy nghĩ của anh về các hình xăm: “Khi Brooklyn ra đời, tôi đã nghĩ mình cần làm gì đó thật ý nghĩa. Lúc ấy tôi đã nói chuyện với Mel B (thành viên trong Spice Girls) và chồng cô ấy, Jimmy Gulzar và ý tưởng về hình xăm bắt đầu xuất hiện. Những hình xăm của tôi đều liên quan đến người thân, vợ, các con và những điều khác. Khi bạn nhìn thấy tôi, bạn sẽ thấy những hình xăm diễn tả tình yêu của tôi dành cho Victoria và bọn trẻ”.
Những đóng góp của Becks cho từ thiện cũng là điều tạo nên hình ảnh rất đẹp của anh trong mắt công chúng. Beckham đã tham gia ủng hộ Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) từ những ngày còn thi đấu cho Manchester United. Hồi tháng 1/2005, anh trở thành đại sứ thiện chí của tổ chức này với sự tập trung đặc biệt dành cho những dự án phát triển thể thao. Hiện nay, Becks vẫn giữ vai trò quan trọng ở các tổ chức: Đoàn kết vì trẻ em, Đoàn kết chống lại đại dịch AIDS đồng thời là một người bảo trợ của quỹ Elton John AIDS.
Beckham từng thực hiện nghĩa cử vô cùng cao đẹp vì một bệnh nhân mắc bệnh ung thư tại Hamilton, Ontario, Canada. Ngày 17/1/2007, bệnh nhân Rebecca Johnstone 19 tuổi cho biết cô đã vô cùng bất ngờ khi nhận được cuộc gọi từ David Beckham. Sau cuộc trò chuyện, Becks đã gửi tặng cô gái này chiếc áo đấu Real Madrid của anh cùng chữ ký kèm theo dù rằng ngày 20 tháng đó, Rebecca đã mãi mãi ra đi.
“Chia tay nhé, rồi ngày vui ta gặp nhau”
Becks sẽ không chơi bóng chuyên nghiệp nữa. Điều đó cả thế giới đã rõ. Nhưng không có nghĩa anh sẽ hoàn toàn biến mất trong thế giới thể thao. Tầm ảnh hưởng của Becks không đơn thuần dừng lại ở hình ảnh ngôi sao sân cỏ điển trai, thành công. Anh như một đại sứ toàn quyền của bóng đá, với sự kết hợp của những điều tốt đẹp và hoàn hảo nhất mà một người đàn ông có thể dành được: ngoại hình tuyệt vời, vợ đẹp (và tài năng), con khôn (mà tới bốn người con), sự nghiệp thành công nhưng luôn luôn làm việc chăm chỉ, không bao giờ biết nghỉ ngơi.
“Bend It Like Beckham” là bộ phim phương Tây đầu tiên trong lịch sử được trình chiếu trên truyền hình nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Dù Becks không xuất hiện trong bộ phim đó như một diễn viên và nó cũng không nói về anh, nhưng ít nhất cảm hứng mà Becks đã tạo ra khiến tất cả những người khó tính nhất phải ngả mũ kính nể. Và theo một cách chơi chữ, ngay cả khi rời sân cỏ, Becks cũng ra đi trong tư thế ngẩng cao đầu: “End it like Beckham”. Một sự ra đi theo lẽ tất nhiên nhưng khiến tất cả phải nuối tiếc và rơi lệ. Tạm biệt, Hoàng tử!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)