Đừng trách Miura, ông có lỗi, nhưng không có tội!

Một lần nữa giấc mơ vàng của bóng đá Việt Nam tại đấu trường Sea Games lại tan thành mây khói. Tất nhiên HLV luôn phải là người đứng mũi chịu sào sau mỗi thất bại nhưng...

HLV Miura có lỗi trong việc đội U23 Việt Nam không thể đi đến tận cùng khám phá không? Câu trả lời chắc chắn là có. Vị chiến lược gia người Nhật đã mắc những sai lầm nhất định trong hành trình trên đất Singapore. Đầu tiên là việc vị HLV này xoay vòng và thay đổi quá nhiều ở vòng bảng. Gần như mỗi trận đấu chúng ta lại thi đấu với một đội hình và chiến thuật khác nhau.

Điều ấy khiến cho các cầu thủ của chúng ta khó có được sự trơn tru, nhuần nhuyễn cần thiết cũng như khó có thể tạo ra những mảng miếng mang tính bài vở, thương hiệu. Trận đấu gặp Myanmar mới là lần đầu tiên ở giải đấu lần này, HLV Miura đưa ra sân toàn bộ những cầu thủ được xem là tốt nhất. Vì thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên, khi các cầu thủ của chúng ta ít nhiều vẫn tỏ ra khá lúng túng trong những pha phối hợp.

Dung trach Miura, ong co loi, nhung khong co toi! hinh anh
 

Nên nhớ rằng, môi trường ĐTQG hay U23 quốc gia rất khác CLB.Ở đó, các cầu thủ từ nhiều đội bóng, nhiều địa phương khác nhau được triệu tập về làm để nhiệm vụ trong một thời gian ngắn, chứ không có quá trình gắn bó cùng nhau. Bởi vậy, họ cần phải được chơi bóng với nhau để có thể hiểu được nhau. Nhưng HLV Miura lại không làm điều ấy.

Không những thế, ngay trong trận đấu với Myanmar, HLV Miura cũng có lỗi. Ông tỏ ra khá chậm trong việc điều chỉnh chiến lược cũng như chiến thuật. Lẽ ra trong thế trận áp đảo, cầm bóng áp đặt thế trận chúng ta cần phải chủ động thay đổi nhịp điệu trận đấu cũng như phương án tấn công để làm đối phương rối loạn. Nhưng từ đầu đến cuối U23 Việt Nam chỉ thi đấu với một nhịp độ và cách tiếp cận khung thành duy nhất. Bởi vậy mà sự nguy hiểm trong những pha lên bóng của Việt Nam cũng giảm đi đáng kể.

Đấy là những lỗi lầm mà HLV Miura phải chịu trách nhiệm. Nhưng ông không đáng trách hoàn toàn trong thất bại của đội tuyển Việt Nam. Xét cho cùng một HLV cũng chỉ là người đặt ra đường lối, triết lý chứ không thể là một phù thủy quyền năng quyết định tất cả.

Thành công của một HLV phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, chất lượng của các cầu thủ mà ông có trong tay. Đơn giản vì HLV không thể thi đấu thay cầu thủ. Chính Juergen Klopp, một HLV nổi tiếng mát tay trong việc biến những cầu thủ từ chỗ vô danh trở thành các tên tuổi lớn (như trường hợp của Lewandowski, Kagawa...) cũng đã từng phải khẳng định: “Tôi không thể biến một cầu thủ kém thành cầu thủ giỏi. Tôi chỉ có thể tìm kiếm những cầu thủ phù hợp với phong cách của mình”.

Chính vì vậy sẽ là bất công với Miura nếu đòi hỏi vị chiến lược gia người Nhật này phải nâng tầm các học trò, trong một thời gian ngắn ngủi. HLV Miura sau trận thua trước Myanmar đã phải thừa nhận rằng không thể đổ lỗi cho việc thiếu may mắn, mà phần nhiều là do các học trò của ông không có kỹ năng dứt điểm tốt, nên đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội. Nhưng vấn đề làm sao hi vọng chúng ta có được những tay săn bàn xuất sắc khi đã từ lâu ở cấp CLB, các đội bóng Việt Nam thường khoán trắng việc ghi bàn cho ngoại binh hoặc ngoại binh nhập tịch.

Có rất ít cơ hội để các cầu thủ nội, đặc biệt còn trong độ tuổi U23 được bố trí chơi ở vị trí tiền đạo (như Công Phượng, Văn Toàn). Ngược lại, hầu hết cầu thủ nội đều phải chấp nhận dạt biên hoặc chơi thấp xuống để tìm kiếm chỗ đứng trong đội hình. Đấy cũng chính là lí do đã từ rất lâu, trải qua nhiều đời HLV khác nhau, mà khả năng dứt điểm, tìm kiếm một chân sút đẳng cấp vẫn là điểm yếu cố hữu của ĐTQG hay đội U23 Việt Nam.

Rõ ràng, để có thể tạo ra một đội tuyển đủ sức chinh phục đỉnh cao thì đó phải là nhiệm vụ của cả một nền bóng đá, chứ không phải thuộc về cá nhân một HLV nào cả. Nếu các CLB của chúng ta vẫn tiếp tục theo đuổi lối chơi “chạy nhiều ra chiến thuật”, cứ "bơm" bóng cho Tây là hết trách nhiệm, thì chắc chắn ngay cả Guardiola hay Jose Mourinho cũng bó tay ở Việt Nam mà thôi.

Theo Soha

Có thể bạn quan tâm

Cùng chuyên mục