Trong những ngày này, NHM thể thao nước nhà lên cơn sốt vì VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên đoạt 8 HCV Seagame 28. Siêu kình ngư người Cần Thơ đã đi vào lịch sử thể thao Đông Nam Á với 8 tấm HCV cùng 8 kỷ lục tại đại hội.
Với NHM thể thao Việt Nam vào lúc này thì việc Ánh Viên đoạt 8 HCV Seagame 28 không chỉ còn là thành tích vang dội tại đấu trường khu vực, mà đó còn là niềm tự hào dân tộc. Kình ngư trẻ tuổi người Cần Thơ đã thể hiện được ý chí, phẩm chất vượt khó vươn tới đỉnh cao của người Việt Nam. Việc Ánh Viên sống trong những lời ca tụng và tung hô của mọi người là hoàn toàn xứng đáng. Thế nhưng mới đây có 1 “hotgirl” đăng đàn chỉ trích cô gái vàng của Thể Thao Việt Nam với những lý do rất “lãng xẹt”. Nào là Ánh Viên đang đốt cháy tuổi xuân của mình khi các bạn cùng lứa đang được học tập và vui chơi hàng ngày. Nào là khi giải nghệ sẽ lại phải vất vả chuyển sang 1 công việc khác để mưu sinh. Không cần bàn về ý kiến của bạn trẻ này nhưng ở đó đầy chất ganh tị với một “tượng đài” thể thao đang được cả nước yêu mến như Ánh Viên. Nói chung, khi con người ta ích kỷ, chỉ biết đến bản thân mình thì sẽ không bao giờ thừa nhận công lao của người khác.
Miura và Ánh Viên là nạn nhân của sự ganh tị |
Trường hợp của HLV Miura với Hải lơ cũng hoàn toàn rơi vào kịch bản tương tự. Ông thầy người Nhật là người ít nói, làm nhiều. Hàng ngày vẫn miệt mài làm việc 14 tiếng 1 ngày để cố gắng giúp các ĐTQG của Việt Nam đi lên. Thế nhưng vì cái tôi cá nhân mà HLV Lê Thụy Hải liên tục “ném đá” vị thuyền trưởng người Nhật không thương tiếc. Dù U23 Việt Nam hay ĐTQG thắng hay bại, chơi tốt hay không thì cựu GĐKT của Bình Dương vẫn không ủng hộ ông Miura. Thậm chí sau khi U23 Việt Nam giành HCĐ Seagame 28, ông Hải lơ đã đề nghị vị thuyền trưởng 51 tuổi rời ghế HLV trưởng của ĐTVN và U23. Cựu danh thủ của Tổng cục Đường sắt hoàn toàn giống với cô gái đã “khuyên” Ánh Viên giải nghệ mới đây. Họ chỉ đứng ngoài chứng kiến nhưng lại không thừa nhận những cố gắng của những người trực tiếp tham gia vào cuộc chơi. Vì chút ích kỷ, vì cái tôi bản thân, vì ganh tị mà những con người này vẫn bất chấp tất cả. Với những người như thế thì dù Ánh Viên hay HLV Miura có làm nên công trạng gì lớn lao đi nữa thì vẫn sẽ bị phê phán, chỉ trích.
Thể thao nói chung và bóng đá nói riêng luôn là sân chơi cao thượng, thế nhưng ở Việt Nam luôn bị “bóp méo” bởi cách nhìn của nhiều người. Không đâu trên thế giới lại chỉ trích 1 “anh hùng dân tộc” như Ánh Viên và khuyên cô giải nghệ khi mới bắt đầu sự nghiệp đỉnh cao ở tuổi 19. Và cũng không ai như ông Hải lơ hàng ngày, miệt mài chỉ trích HLV Miura dù vị thuyền trưởng người Nhật tận tụy làm việc vì BĐVN. Khoan hãy nói về tài năng đến đâu, kể cả không có thành tích thì việc Ánh viên và HLV Miura đang âm thầm hy sinh và cống hiến cho thể thao nước nhà là hết sức đáng quý, đáng được trân trọng và hoan nghênh. Hãy nhớ rằng chúng ta, những người NHM cần họ chứ không phải điều ngược lại.
Nếu Ánh Viên không làm VĐV bơi thì cô vẫn có thể trở thành 1 người tốt, 1 nữ thượng úy trẻ nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Còn ông Miura, mức lương 10.000 USD của ông có thể cao ở Việt Nam nhưng vị thuyền trưởng này có thể kiếm nhiều hơn số đó nếu quay lại làm giáo viên ở Nhật Bản. Ánh Viên giành 8 HCV Seagame 28 nhưng ngay sau đó sẽ lại phải lên đường ra nước ngoài tập huấn, điều đó đã lặp đi lặp lại suốt 7 năm nay. Còn với HLV Miura ông chấp nhận rời xa gia đình và 2 đứa con còn học mẫu giáo để cống hiến cho BĐVN. Chúng ta phải đặt địa vị vào những người trong cuộc thì mới hiểu được nỗi khổ của họ. Phải lúc đó mới hiểu được tại sạo những Ánh Viên, Miura được số đông ca tụng, ủng hộ. Vì thế hãy dừng những chỉ trích, phê phán như 1 "chuyên gia" hiểu hết sự đời, bởi đó chỉ là cách phá chứ chẳng phải đóng góp gì sự phát triển của thể thao nước nhà.
Những bàn thắng đẹp nhất của U23 Việt Nam tại Seagame 28
Doãn Công