Có lẽ sẽ chẳng có cuộc biểu tình rầm rộ nào trên những đường phố Florence, nếu như Stevan Jovetic ra đi vào mùa hè này. Nhưng ở một phương diện nào đó, người ta cũng liên tưởng đến sự chia tay của “đuôi ngựa thần thánh” Roberto Baggio cách đây 23 năm…
Hè 1990, Juventus đã bị mê hoặc mởi tài năng của Roberto Baggio và họ đã chi ra số tiền kỷ lục thế giới hồi ấy, 10 triệu euro (13,6 triệu USD), để đưa anh từ Florence về Turin đồng thời trao ngay chiếc áo số 10. Vụ chuyển nhượng đình đám ấy đã khiến các fan Fio nổi điên và biểu tình phản đối ầm ĩ, thậm chí còn xô xát dẫn đến 50 người bị thương. Trong lần đầu tiên tái ngộ Fio, Baggio đã từ chối đá phạt đền và sau đó nói rằng “sâu thẳm trong tim tôi là màu tím, màu tím của Fiorentina”. Nhưng ngay cả như thế, người Tuscan vẫn không tha thứ cho anh.
Florence quá chật chội
Jo-jo (biệt danh của Jovetic) bây giờ cũng trạc tuổi Baggio dạo ấy, cũng trải qua 5 năm gắn bó với Fio và trở thành một thần tượng mới của sân Artemio Franchi. Tất nhiên, xét về tầm ảnh hưởng với người dân Florence cũng như CLB, anh không thể so sánh với Baggio ngày xưa. Nhưng tình thế hiện tại của anh cũng không khác nhiều so với huyền thoại người Ý. Baggio cần Juventus để từ một cầu thủ giỏi thành một siêu sao. Jovetic cần thoát khỏi Fio để chứng tỏ rằng anh xứng tầm một ngôi sao đẳng cấp quốc tế.
23 năm sau phi vụ Baggio, Juve lại muốn cuỗm một viên ngọc nữa của Fio. Nhưng lần này không chỉ có họ. Từ nước Anh, Man City sẵn sàng trả 27 triệu bảng để giải phóng hợp đồng cho Jovetic, và ngay sau đó, hàng xóm của họ là M.U cũng định hớt tay trên khi hứa hẹn sẽ trả cao hơn mức lương 120.000 bảng/tuần mà Jovetic đòi hỏi. Trước đó, Arsenal mới là đội liên hệ với Jovetic đầu tiên, song xét về mặt tài chính, họ không thể so bì với hai đại gia thành Manchester.
Về phần mình, Jovetic thừa hiểu đã đến lúc anh phải ra đi, bởi Fiorentina chưa bao giờ đủ tham vọng khi mà cái bóng của những ông lớn như Inter, AC Milan và Juve quá lớn. Nên nhớ, một huyền thoại tưởng như gắn bó cả đời với sân Artemio Franchi là Gabriel Batistuta cũng phải tìm đường ra đi với ước vọng có một danh hiệu, và anh đã thỏa mãn ở AS Roma với Scudetto 2000-01.
Jovetic chắc chắn không phải đấu tranh tư tưởng dữ dội như Baggio, trong khi gia đình nhà Della Valle có lẽ cũng chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống không có anh. Bản hợp đồng với Mario Gomez là một minh chứng. Tuy nhiên, chân sút gốc TBN này là mẫu tiền đạo khác hẳn với Jovetic: ghi bàn tốt, nhưng vụng về, và không thể đóng vai trò nhạc trưởng.
Đại chiến Manchester vì Jovetic
Hè năm ngoái cũng diễn ra một trận đại chiến trên thị trường chuyển nhượng khi cả M.U và Man City đều quan tâm đến van Persie. Quỷ đỏ chiến thắng, và đó là tiền đề cho thành công của họ ở mùa giải vừa rồi. Giống như một năm về trước, M.U vẫn là kẻ có ý đồ hớt tay trên, và dĩ nhiên, Man City sẽ phải hết sức cẩn trọng.
Sau khi bán Tevez cho Juve, Man City rất cần tiền đạo bởi hiện tại họ chỉ còn hai tiền đạo thực thụ là Sergio Aguero và Edin Dzeko. Jovetic được xem là sự pha trộn của hai chân sút này: giàu chất kỹ thuật vốn có của bóng đá Nam Tư cũ, song cũng không thiếu thực dụng, sau 5 năm đá tại Serie A. Sự đa năng của anh cũng là yếu tố khiến cả M.U và Man City thèm muốn. Nếu M.U chắc chắn giữ được chân Rooney, có lẽ họ cũng không quá cần thiết phải chiêu mộ Jovetic, song việc Chelsea đưa ra lời mời gọi hấp dẫn khiến họ chưa thể an tâm.
Đẳng cấp của Jovetic chưa thể sánh với van Persie, nên tác động của anh đến cán cân quyền lực ở Manchester có lẽ cũng không lớn bằng đàn anh người Hà Lan ở mùa trước. Nhưng nếu thất bại nốt trong thương vụ này nữa, Man City sẽ chẳng còn mặt mũi nào để tuyên bố về tham vọng tại Premier League, chứ đừng nói tới châu Âu. Nên nhớ, Man City đã từ bỏ thương vụ Edinson Cavani vì chê đắt, bất lực nhìn Isco sang Real Madrid và không thể chèo kéo được Lewandowski.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)