Năm ngoái, Juventus và Roma rất tích cực tăng cường lực lượng. Trong khi Juve chi 76,7 triệu euro thì Roma cũng rót vào TTCN 63,2 triệu euro để mang về các tân binh cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên tới thời điểm này, các đội bóng ở Serie A, kể cả các đại gia cũng không còn chi mạnh tay vào TTCN nữa.
Một trong những nguyên nhân chính là Luật công bằng tài chính được UEFA áp dụng từ mùa trước không cho phép các ông lớn ở Serie A chi tiêu thoải mái. Ngoài ra, lý do quan trọng nữa là khủng hoảng kinh tế buộc nhiều CLB Italia phải thắt lưng buộc bụng.
Ishak Belfodil - tân binh đáng chú ý nhất đến từ bên ngoài nước Italia
Nói cách khác, Serie A không có nhiều tiền để mua sắm. Nếu để ý, sẽ thấy từ đầu Hè, cả Milan, Inter đều đang muốn đẩy đi một loạt những ngôi sao lớn tuổi nhưng hưởng lương cao. Rossoneri đã thanh lý được Van Bommel, Gattuso, Inzaghi, Seedorf còn Inter cũng đang tìm cách bán nốt cả Julio Cesar.
Trong hoàn cảnh không dư dả về tài chính, xu hướng chuyển nhượng ở Serie A Hè năm nay chủ yếu là sự trao đổi giữa các CLB ở Italia với nhau theo dạng cho mượn, đồng sở hữu, hoặc bán đi 50% giá trị cầu thủ. Từ đầu tháng 7 tới nay, rất nhiều vụ chuyển nhượng theo kiểu như vậy đã diễn ra. Có thể kể đến những vụ như Cristian Pasquato từ Juve sang Udinese với giá 1,5 triệu euro. Rồi ngay sau đó, Udinese lại đem Pasquato cho Bologna mượn. Hay vụ thủ thành kỳ cựu, Jean-Francois Gillet từ Bologna sang Torino, Migliorini từ Chieti sang Torino.
Ưu điểm của kiểu chuyển nhượng này là sẽ tích kiệm được kinh phí, giúp các đội bóng đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính cũng như Luật công bằng tài chính. Tuy nhiên, nhược điểm là sẽ không có nhiều ngôi sao nước ngoài cập bến Serie A với kiểu chuyển nhượng rối rắm này. Từ đầu Hè, ngoại binh đắt giá nhất của Serie A là vụ Parma mua tiền đạo 20 tuổi, Ishak Belfodil (Lyon) với giá… 2,5 triệu euro.
Thế mới nói, xu hướng chuyển nhượng của Serie A năm nay là chuộng hàng nội, hờ hững với hàng ngoại.
(Theo báo Bóng Đá)