Cơ hội vượt mặt Roma đã được Milan trả lời bằng những cái đầu cúi thấp buồn bã. Nhiều hy vọng, vài cơ hội, một chút nuối tiếc và không bàn thắng. Bộ ba 9x thất bại toàn tập, nhưng lỗi không đơn thuần thuộc về các “em”. Hàng tiền vệ chơi tồi, mà cụ thể nhất, Boateng chơi tồi, khiến ba họng treo lơ lửng vì thiếu “đạn dược". Nếu không có Abbiati xuất sắc trở lại, Milan thậm chí có thể thua.
Ngoại trừ cú đá bị cản phá trên vạch vôi của El Shaarawy ở phút 61, người ta gần như không thấy bất cứ một pha bóng đáng để tiếc rẻ nào khác của Milan. Bojan mất hút trong vai trò hộ công, khiến Niang, trong lần đầu tiền được đá chính, dù rất cố gắng di chuyển vẫn hoàn toàn bất lực. Không chỉ El Shaarawy chơi tồi, mà Montolivo, với tấm băng đội trưởng trên tay sau khi Ambrosini rời sân phút thứ 25, cũng đá dưới sức.
Boateng
Boateng ở đâu khi ấy? Người duy nhất có khả năng càn lướt để tạo ra khoảng trống cho các đàn em hoạt động còn đang mải tìm hiểu xem mình đang chơi ở vị trí nào. Cầu thủ người Ghana không hề tạo được mối liên kết với El Shaarawy gần anh, không tham gia tranh chấp đủ tích cực và phòng ngự khi cần. Số 10 chạy vô đích, vô hồn, và hầu như không đóng góp được gì trên sân. Anh chạm bóng vỏn vẹn 54 lần cả trận (thấp nhất hàng tiền vệ). Anh sút 3 cú, nhưng như thường lệ, “bắn chim” 2 và trúng khung thành (nhưng vô hại) 1. Vì Boateng, Milan như đá chấp người.
Đây không phải là lần đầu tiền vệ da màu này có màn trình diễn gây thất vọng. Hồi đầu mùa, sự háo hức được chứng kiến “Hoàng tử” sẽ chơi thế nào trong chiếc áo số 10 Seedorf để lại cho anh của giới Milanista nhanh chóng chuyển thành tức giận. Rất nhiều cái nhất: số 10 vụng về nhất trong lịch sử, vô duyên nhất trong lịch sử, đi kèm với thiếu sáng tạo nhất. Bắt đầu từ mùa này, Boateng trở nên ích kỉ hơn hẳn. Anh lười tranh chấp, khác hẳn với hình ảnh chiến binh nén đau để thi đấu trong trận thắng Arsenal 4-0 mùa trước. Anh dứt điểm nhiều hơn, ích kỉ hơn, tham lam hơn trong từng pha bóng. Người ta đổ lỗi cho việc thiếu Ibra khiến Boateng “mất hồn”, nhưng chủ yếu là do bản thân anh không học cách thích nghi.
Theo thống kê, sau 20 trận ở Serie A, Boateng đã tung ra tổng cộng 72 cú sút, mà chỉ ghi …1 bàn. Cùng kì mùa trước, anh không tham lam như thế, nhưng cũng đã có 7 bàn. Từ “Hoàng tử” thành “dân đen”. Từ nỗi khiếp sợ của các thủ môn, trở thành nỗi khiếp sợ của những cậu bé nhặt bóng bên đường piste. Thật trớ trêu.
Ông Allegri, không phải không nhận ra sự vô hồn của Boateng. Ông đã tìm liên tục hoán đổi vị trí của anh từ tiền đạo cánh phải, tiền đạo ảo, cho đến tiền vệ đánh chặn, với hy vọng gọi hồn cho “Hoàng tử”. Nhưng vô vọng.
Ở vị trí tiền đạo cánh phải, sự khô cứng của Boateng khiến anh không thể xử lý bóng ở những khoảng không chật hẹp. Khả năng kiến tạo của Boateng lại càng hạn chế. Cú tạt cho Bojan lập công ở trận gặp Siena mới đây, cũng là pha kiến tạo duy nhất của anh từ đầu giải.
Ở vị trí tiền đạo cắm, Boateng không đủ sự nhanh nhạy trong chọn vị trí để dứt điểm. Ông Allegri xếp anh chơi tiền đạo ảo, thu hút đối phương khá thành công trong một vài trận, nhưng sau đó, hạn chế từ việc giữ bóng quá lâu của Boateng khiến anh phải nhường chỗ cho Pazzini.
Khi ngay cả tiền vệ trung tâm, vị trí “nguyên bản” của Boateng, anh cũng chơi tồi như trận hôm qua, thì thật khó kì vọng gì nhiều hơn. Nơi nào cho “Hoàng tử”?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)