Lịch sử 96 năm đối đầu của Italia và TBN: Xung đột triết lý
Thứ Sáu 25/03/2016 14:17(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên Italia và Tây Ban Nha đã có lịch sử 96 năm đối đầu, và cũng chính Azzurri mang đến kí ức đau buồn nhất trong lịch sử cho La Roja.
► Tổng hợp thông tin mới nhất về VCK Euro 2016 và kết quả VCK Euro 2016. |
Trong hàng thập kỷ khi nhắc đến lối chơi, người ta mặc định ngay Brazil đại diện cho bóng đá tấn công, còn Italia đại diện cho bóng đá phòng ngự với triết lý catenaccio nổi tiếng. Nhưng gần một thập niên gần đây, sự sa sút của bóng đá Brazil cùng với sự trỗi dậy của người Tây Ban Nha đã phá vỡ cục diện đó. Đồng thời, sự trỗi dậy của Tây Ban Nha với triết lý tiqui taca cũng mở ra một thái cực mới trong sự xung đột giữa những triết lý bóng đá của thế giới, sự xung đột trong bóng đá tấn công lấy nền tảng từ khả năng kiểm soát bóng và bóng đá phòng ngự theo biến thể catenaccio.
Cũng từ đó, cuộc chạm trán giữa Tây Ban Nha và Italia được chú ý hơn, bởi đó là đại diện cho hai trường phái bóng đá đối lập. Nếu "thánh" Johan Cruyff là người sáng tạo ra lối đá tấn công tổng lực thì Pep Guardiola đã nâng tầm nó lên trở thành một biểu tượng, một triết lý hoàn toàn mới mang tên tiqui taca. "Bạn không thể thua nếu đối phương không chạm được vào bóng" - Pep Guardiola từng nhận định như thế về tiqui taca.
|
Cuộc chạm trán giữa Tây Ban Nha và Italia đã có lịch sử gần 100 năm. |
Đó là một biến thể của lối chơi tấn công tổng lực, với tiền đề là những pha phối hợp nhóm theo hình tam giác. Để làm được điều đó, những cầu thủ phải chuyền (tiqui) và chạy (taca) liên tục, luôn có 2 -3 cầu thủ di chuyển không bóng xung quanh vị trí cầu thủ đang cầm bóng. Đồng thời khi mất bóng, số đông cũng lập tức khép lại tranh cướp bóng trong phạm vi hẹp nhất có thể nhằm hạn chế không gian triển khai bóng của đối thủ. Điều này khiến tỉ lệ kiểm soát bóng của họ cao hơn hẳn so với đối phương.
Còn người Italia lại có một niềm kiêu hãnh khác, bởi họ sản sinh ra triết lý bóng đá của riêng mình. Catenaccio thành hình vào thập niên 60 của thế kỉ trước, với nền tảng then chốt là một hậu vệ quét (swepper) được quyền tự do di chuyển để đảm bảo sự bọc lót cần thiết cũng như giữ cự ly phòng ngự hợp lý. Sau này khi trải qua các biến thể từ 1 vs 1 biến đổi sang kèm người theo khu vực, catenaccio đều có sự biến đổi nhưng vẫn không thể vắng bóng một "hậu vệ quét". Đó có thể là một trung vệ trong đội hình 3 trung vệ (3-5-2 hay 5-3-2) hoặc một tiền vệ phòng ngự dạng như Gattuso.
Như vậy, cuộc đối đầu giữa Italia và Tây Ban Nha trong quãng thời gian gần đây không đơn thuần chỉ là sự đối đầu giữa hai cường quốc bóng đá, mà còn là cuộc xung đột giữa hai nền tảng triết lý. Tiui taca tấn công mãnh liệt trên phần sân đối thủ dựa trên nền tảng kiểm soát bóng và phòng ngự bằng việc thu hẹp không gian. Catenaccio lại có xu hướng thu hẹp "trận địa" về phía sân nhà rồi bất ngờ tung ra đòn phản công sang đối thủ. Một sự tương phản hoàn toàn trong triết lý.
Lần đầu tiên hai đội tuyển gặp nhau là năm 1920, khi họ tham gia Thế vận hội mùa hè tại Antwerp, Bỉ. Cuộc chạm trán Italia mới là trận đấu thứ tư tại trường quốc tế của đội tuyển Tây Ban Nha non trẻ, vốn mới được thành lập vội vàng trong năm 1920 để đại diện cho quốc gia tham dự Thế vận hội mùa hè năm 1920. Dù vậy, họ vẫn vượt qua Italia với tỉ số 2-0 dù có thời điểm chỉ còn thi đấu với 10 người, để rồi giành huy chương bạc chung cuộc. Và mầm mống của sự đối địch bắt đầu...
Tám năm sau, người Italia đã có màn trả đũa ngọt ngào. Cũng tại một kỳ Thế vận hội mùa hè khác, người Italia đã làm nên nỗi hổ thẹn trong lịch sử bóng đá Tây Ban Nha. Ba ngày sau trận hòa 1-1, những Mario Ragnozzi, Schiavio, Baloncieri,... đã khiến những người con xứ đấu bò trải qua một cơn ác mộng. Italia vượt qua Tây Ban Nha với tỉ số 7-1, đó cũng là thất bại đậm nhất trong lịch sử La Roja, là dấu mốc của sự hổ thẹn không thể xóa nhòa. Và chính những người Italia, những kẻ bại trận tám năm trước đó đã đặt sâu vào trang sử của bóng đá Tây Ban Nha.
Thế rồi trong suốt gần một thế kỉ sau đó, người Italia và Tây Ban Nha tiếp tục chạm trán nhau để thanh toán những nợ nần của quá khứ. Tại World Cup 1934 tổ chức ở Italia, người Tây Ban Nha một lần nữa bị đánh bại trong trận đá lại với sự ngờ vực về việc trọng tài Rene Marcet thiên vị cho đội chủ nhà, rồi ngậm ngùi nhìn Italia đăng quang năm đó. Đến World Cup 1994, Tây Ban Nha một lần nữa dừng bước khi gặp Tây Ban Nha với những ký ức về "đuôi ngựa thần thánh" Roberto Baggio.
Phải đến năm 2012, Tây Ban Nha mới trả được món nợ kéo dài gần một thế kỉ. Những Iniesta, Xabi Alonso,... đã đánh bại Italia trong trận chung kết Euro với tỉ số 4-0. Đây là một trong những thất bại đau đớn nhất của lịch sử đội tuyển Italia. Cũng là sự báo hiệu cho sự vượt lên của lối chơi tiqui taca so với catenaccio.
Với sự thắng thế của tiqui taca trong thời gian gần đây, liệu người Tây Ban Nha có thể khiến Italia tiếp tục ôm hận để phần nào xoa dịu nỗi đau lịch sử đã vay gần 90 năm về trước?
Theo Thể thao Việt Nam