Serie A giờ toàn đàn ông chung thủy. Họ hạnh phúc với những cô vợ của mình, hoặc họ không thật sự hài lòng với các bà vợ nhưng không dám đổi. Câu nói của Rafael Benitez hàm chứa thực tế đã trở thành hiển nhiên ở các kì chuyển nhượng bóng đá Ý những năm gần đây: Không có tiền, các đội bóng không dám đổi lấy những cầu thủ giỏi. Dù họ có thể đã quá chán ngán với lực lượng đã có trong tay.
Người “nghiện mua sắm” như HLV Benitez cũng phải chùn tay vì Napoli… không có tiền. |
Thị trường chuyển nhượng Serie A đến giờ có thể được phân thành 3 nhóm. Nhóm 1: AS Roma và Juventus, những CLB không nghèo, nhưng không mua những thương hiệu lớn. Nhóm hai gồm AC Milan và Inter Milan, hai thế lực quá khứ giờ làm lại theo kiểu giật gấu vá vai, và lao vào cuộc đua tranh ngầm: “Tôi thi với anh xem ai mua được nhiều cầu thủ hơn, với số tiền tối thiểu”. Nhóm 3 là các đội còn lại: Napoli không còn lao vào những Gonzalo Higuain nữa, mà tập trung vào những bản hợp đồng mượn như Michu hay sắp tới, Fellaini. Lazio của Chủ tịch Claudio Lotito áp dụng chiến thuật đánh du kích: Thấy cầu thủ giá tốt sẽ nhảy vào cạnh tranh, dù bản chất họ cũng không thể chi nhiều tiền.
Hai bài học phát triển
20 triệu euro mà Juventus trả cho Real Madrid mua Alvaro Morata đủ để họ sở hữu một tiền đạo cỡ Edin Dzeko của Manchester City. Hoặc 24 triệu euro Roma chi cho Juan Iturbe, thừa đủ để họ mua những Roberto Soldado. Nhưng hai CLB này không ham muốn các cầu thủ đã thành danh, mà chỉ muốn tập trung trẻ hóa. Với Juve, tuổi trung bình 28,1 biến họ thành đội già thứ 4 Serie A lúc này, và già nhất trong nhóm đua tranh Scudetto. Roma cũng đang trên đà trẻ hóa, và cũng muốn đi theo mô hình buôn cầu thủ, như đã bán Marquinhos và Lamela mùa giải trước.
Juventus và Roma đều muốn tạo dựng một nền tảng vững chắc cho phát triển. Các năm tháng khổ cực trong tay nhà Sensi (Roma) và sống ở địa ngục Serie B (Juve) dạy họ các bài học về sự kiên nhẫn: Không thể có ngay một Gabriel Batistuta thời điểm này, Roma muốn tạo nên một Batistuta khác, đều đặn hàng năm, và vươn ra thế giới. Juve cũng không thể mua những Thuram hay Nedved như quá khứ, mà tham vọng làm chủ tương lai của những Pogba, Morata và Coman.
Mỗi nhà mỗi cảnh
Ít ra, Roma và Juve còn có nền tảng tài chính ổn định và các ông chủ có tiềm lực chống lưng. Ví như Inter và Milan. Họ rất muốn chi tiền mua cầu thủ giỏi để phục sinh ngay lúc này, nhưng không thể làm được. Milan chìm trong những tháng ngày đói khổ khi kế hoạch phát triển bóng đá trẻ dở dang, vừa chuyển trụ sở và kế hoạch xây sân vận động mới chỉ bắt đầu, mà Silvio Berlusconi không chịu chi tiền. Inter thì cho thấy họ không thể đổi đời chóng vánh với Erick Thohir. Giám đốc thể thao Ausilio lên thay Marco Branca hóa ra không phải để chuẩn bị cho tái thiết, mà là để “Milan hóa” hệ thống chuyển nhượng: Inter sở hữu 5 tân binh Vidic, Dodo, M’Vila, Medel và Osvaldo mà chỉ mất… 4,6 triệu euro.
Từ năm 2004-2009, khi Rafael Benitez cập bến, Liverpool vượt mặt Manchester United trở thành đội chi tiêu nhiều thứ 3 Premier League chỉ sau Tottenham và Chelsea. Benitez thực tế rất hay phàn nàn với chính sách chuyển nhượng dè xẻn ở các đội bóng ông dẫn dắt, như chuyện đòi Chủ tịch Moratti phá két năm 2010 ở Inter, hay như vừa kể, than vãn với báo chí về ước muốn sở hữu những “Claudia Schiffer” như Javier Mascherano của ông.
Nhưng vì không có tiền, ông cười xòa với “cô vợ Marouane Fellaini” tóc xù sắp cập bến theo dạng cho mượn. Và đáng chú ý hơn cả, ông dùng hệ thống dữ liệu chuyển nhượng khổng lồ của mình để mua những “wunderkid” như Koulibaly và Rafael, hai tân binh trẻ đã chơi rất xuất sắc trước Barcelona.
Theo Thể Thao Văn Hoá