Juventus là đội bóng hạnh phúc nhất khi vẫn “sống khỏe” mà hầu như chẳng phải bán cầu thủ để cân bằng ngân sách. Nhưng niềm hạnh phúc đó không tồn tại mãi mãi.
Kể từ khi Chủ tịch trẻ Andrea Agnelli giành lại ghế lãnh đạo Juventus năm 2011, kèm với đó là việc sân bóng mới rất hiện đại được khánh thành, Juventus như được tiêu pha “không phải nghĩ” và hoàn toàn không cần bán đi ngôi sao. Đó chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa họ với Milan và Inter, và cũng là yếu tố quan trọng dẫn tới thành công của đội bóng này trong hai năm qua.
Juve vẫn gặp khó khăn trong vụ Jovetic.
Chỉ biết nhập, không biết xuất
Juventus đang gặp khó khăn về tài chính trong các hoạt động chuyển nhượng, tiêu biểu là ở vụ Jovetic. Họ không còn được xênh xang tiền bạc khi hoàn toàn có khả năng bị UEFA “sờ gáy” nếu tiếp tục để cán cân mua-bán chênh lệch hơn nữa. Theo thống kê, Juventus đã lỗ tới 190 triệu euro tiền chuyển nhượng trong 5 năm qua (thu - chi), cao nhất ở Italia, hơn gấp rưỡi so với đội đứng thứ hai là Napoli (-120 triệu). Từ năm 2011, Juve lỗ tới 111,3 triệu euro tiền chuyển nhượng. Họ mua rất nhiều nhưng bán chẳng bao nhiêu. Trong cùng thời gian, cả Milan lẫn Inter đều bán nhiều hơn mua và dần đưa cán cân trở về thế cân bằng chủ động.
Giá như Juventus biết cách bán cầu thủ khéo như cách họ mua trong hai năm qua thì tốt biết mấy. Nhưng thực tế chỉ ra rằng trong vài năm qua, Juve là đội kém cỏi nhất trong việc tìm đầu ra cho những cầu thủ không còn hữu ích. Họ đành để những Andrade, Tiago, Amauri, Grosso, Almiron, Lucio hay mới nhất là Iaquinta, ra đi tự do sau một thời gian dài “nuôi báo cô”. Điều đáng buồn là phần lớn vẫn còn có giá trị nhưng Juve lại chẳng thể bán. Cách khả dĩ nhất Juve làm là đem cho mượn miễn phí, thực tế chỉ để đội ngũ bớt chật chội chứ không phải để lấy tiền hay tiết kiệm lương. Nhưng sau khi đem cho mượn hết năm này tới năm khác, cầu thủ sẽ hết hạn hợp đồng với họ và cũng sẽ ra đi tự do. Juve mất trắng.
Nếu bán được thì Juve cũng lỗ nặng. Krasic mua 15 (triệu euro) bán 7 triệu, Elia mua 9,5 bán 7,5, Diego mua 24,5 bán 14,5… Chẳng khác Man City là bao, chỉ là ở quy mô nhỏ hơn.
Vẫn còn quá nhiều “cục nợ”
Để có tiền mua sắm những ngôi sao, Juve phải bán bớt cầu thủ. Hiện, đó là công việc dễ dàng nếu họ đưa “lên sàn” những cầu thủ có giá trị mà không quá quan trọng như Vucinic, Lichsteiner, Quagliarella. Nhưng Juve ước ao có thể thu từ một nguồn khác. Họ còn một khối “hàng tồn” khổng lồ chưa biết xử lí thế nào: Felipe Melo, Jorge Martinez, Marco Motta và Reto Ziegler, những cầu thủ Juve muốn bán nhưng không bán được (trừ khi chấp nhận giá “bèo bọt”). Riêng cặp Melo-Martinez ngốn của Juve 35 triệu euro tiền mua, nhưng nếu bán lúc này, họ chỉ có thể thu về tối đa 7,5 triệu. Galatasaray thích Melo là thế mà cũng chỉ chấp nhận trả 5 triệu euro hồi hè 2012. Bây giờ, giá có lẽ còn rẻ hơn nữa. Những người này chưa hết hợp đồng và nhiều khả năng Juve tiếp tục phải đem cho mượn cho “khuất mắt”, hoặc bỏ rơi hoàn toàn (không đăng ký số áo) như đã làm với Amauri, Iaquinta (nhưng vẫn phải trả lương).Làm cách nào thì cũng là sự hoang phí quá lớn. Cũng may, đó gần như đã là những hệ lụy cuối cùng của một giai đoạn mua sắm rất tùy tiện. Juve gần đây đã cẩn trọng hơn trong các khoản đầu tư và thu được thành công đáng kể. Chỉ có điều, sự thận trọng lại khiến họ trở nên thiếu quyết đoán, nguyên nhân chủ đạo dẫn đến thất bại ở nhiệm vụ mua một tiền đạo hàng đầu trong suốt hai năm qua. Và có thể là cả sắp tới nữa…
(Theo Thể Thao Văn Hoá)