Pep Guardiola, sẽ phải học người tiền nhiệm Jupp Heynckes, về cách thức ứng xử để có thể chung sống với các nhà lãnh đạo của Bayern, vốn rất khắt khe với các HLV.
1. Mùa Hè trước, khi cho các học trò xem một băng video của Barcelona, Jupp Heynckes đã thốt lên: "Bóng đá hiện đại là phải chơi như thế này". Lúc đó, Bayern vừa bị Chelsea đánh bại tại Allianz Arena nhưng Heynckes không muốn bắt chước lối chơi của "The Blues" mà thay vào đó là một lối chơi tiên tiến hơn: gây áp lực ở phần sân đối phương, khiến các đối thủ thậm chí không thể bắt đầu khởi động tấn công.
Từ sau đó, cặp "Robbery" phải chạy và tham gia phòng thủ như những hậu vệ cánh cần cù. Sự cải thiện về chiến thuật có thể nhìn thấy rõ: Bayern đã phá vỡ mọi kỷ lục của Bundesliga, vô địch Champions League sau thi thắng Dortmund và đêm nay, nhiều khả năng sẽ hoàn tất cú ăn ba đầu tiên trong lịch sử.
2. Bất chấp những thành công vừa qua, Heynckes vẫn ít được thừa nhận. Lãnh đạo CLB thiếu tin tưởng vì cho rằng ông đã già, hay buồn và không xán lạn. "Xin hãy tôn trọng công việc của tôi", HLV Heynckes cảm thấy bị xúc phạm khi bị hỏi "liệu có nhờ Guardiola mách nước" trước trận bán kết với Barcelona hay không. Trước đó, ông từng bị Real Madrid sa thải ngay sau khi vô địch Champions League 1998.
Nhưng bù lại, ông luôn giành được sự kính trọng từ các học trò, những người biết rõ kiến thức cũng như yêu quý bản năng làm cha của ông. Heynckes luôn bảo vệ các cầu thủ của mình, luôn giống như một chiếc khiên chống đỡ cho các cầu thủ khỏi những đòi hỏi rất cao của ban lãnh đạo. Giám đốc thể thao Matthias Sammer từng chỉ trích đội bóng ngay cả khi họ giành được 8 trận thắng liên tục.
3. Cuộc sống không hề dễ dàng đối với các HLV của Bayern. HLV Louis Van Gaal, bị sa thải dù đã tạo nên nền móng cho chiến thắng hiện nay. Ông là người đã đưa Thomas Muller, David Alaba và Holger Badstuber lên đội hình một, đã tranh cãi với ban lãnh đạo về trường hợp của thủ môn trẻ Thomas Kraft. "Chúng ta không phải là một CLB chuyên làm công tác đào tạo", các "sếp" đã nói như vậy với van Gaal trước khi mua Manuel Neuer của Schalke.
Giới chóp bu của Bayern luôn đặt dấu hỏi với các HLV và bày tỏ sự hoài nghi này với báo chí. Họ từng làm mất uy tín của Juergen Klinsmann, đến mức ở Đức, chẳng một đội bóng nào dám ký hợp đồng với HLV này nữa. Cách đào tạo khoa học của Ottmar Hitzfeld, HLV giàu thành tích của Bayern, từng bị Rummenigge chê bai, nói là "Bóng đá không phải là toán học". Heynckes biết rằng lãnh đạo muốn ông ra đi vào cuối mùa bóng nên đã chủ động đánh tiếng: "Tôi sẽ là người thông báo khi nào tôi nghỉ".
4. Bởi vậy, thách thức của Guardiola không chỉ nằm ở chỗ phát triển lối chơi của Bayern lên tầm cao mới mà còn là biết cách "bơi giữa bầy cá mập", biết làm sao để tránh họ kể tuốt tuồn tuột mọi chuyện trong nhà. Rummenigge đã tiết lộ về các cuộc thương thảo tại New York: "Người anh em của Pep đưa một chiếc Limousine đến đón và chúng tôi đi vào bằng cửa sau". Rummenigge còn cảnh báo, theo truyền thống của Bundesliga, các buổi tập của đội bóng đều mở cửa, khác hẳn với ý muốn của Guardiola, người cũng muốn mọi chuyện trong phòng thay đồ phải được đóng kín.
Thêm một kẻ "mũi dài" khác: Matthias Sammer. Các CĐV Dortmund đang nghi chính nhân vật này là người đã đánh cắp Mario Goetze và là "người làm những việc mà chẳng ai nhìn thấy", theo chính sự thừa nhận của Chủ tịch Uli Hoeness. Sammer biết rõ các tuyến trẻ và luôn đặt các cầu thủ cũng như các HLV vào tình trạng căng thẳng, như ông đã làm trong thời kỳ còn công tác ở Liên đoàn, khi đối đầu với HLV ĐTQG, Joachim Loew. Đây cũng sẽ là một mối quan hệ phức tạp với Pep.
Bơi giữa bầy cá mập đâu phải chuyện chơi. Không phải ai cũng có thể xoay xở ổn thỏa như Heynckes.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)