Phán quyết cuối cùng đã được đưa ra: Diego sẽ không còn cơ hội được làm việc chừng nào HLV Felix Magath còn tại vị, và ngay từ bây giờ, anh có thể đóng gói hành lý chờ ra đi. Đây là cái giá mà tiền vệ người Brazil phải trả cho một hành vi thiếu chuyên nghiệp ở trận cuối cùng mùa giải trước. Anh đã bỏ về ngay sau khi biết mình không có tên trong đội hình chính trận gặp Hoffenheim.
Diego thậm chí còn biến mất khỏi khách sạn nơi đội đóng quân, và chỉ trở lại sân tập vào sáng hôm sau. Sau một buổi nói chuyện chỉ chừng 15 phút vào hôm kia, HLV Felix Magath chính thức tuyên bố Diego chắc chắn phải ra đi: “Qua thảo luận, chúng tôi đã đi đến kết luận rằng hai bên rất khó có thể hợp tác được nữa, và tốt hơn là chia tay”. CLB cũng sẽ phạt anh 510 nghìn euro. Số tiền này sẽ được trích rút từ tiền lương từ tháng Năm đến tháng Sáu của tiền vệ người Brazil. Bản thân Diego cũng đã gật đầu: “Đó là giải pháp tốt cho cả đôi bên”.
Diego hết cơ hội ở lại Wolfsburg
Có thể chỉ trong vài ngày tới thôi, Wolfsburg cũng sẽ chính thức đưa tiền vệ người Brazil lên thị trường chuyển nhượng, và mức giá họ phát ra cho bất kỳ CLB nào muốn có anh là vào khoảng 10 triệu euro. Hôm kia, Diego cũng đã không có mặt trong một trận giao hữu của Wolsburg với một CLB địa phương tại Neudorf, bang Sachsen-Anhalt, và đó là tín hiệu cho thấy rằng thời gian của anh ở Wolfsburg đã cạn.
Diego sẽ vẫn tham gia tập huấn mùa Hè cùng CLB, nhưng chắc chắn anh sẽ chẳng được thi đấu một phút nào, trước khi đóng gói hành lý ra đi.
Ai sẽ là “số 10” của Magath?
Hơn một tháng sau khi Diego vi phạm, ông Magath và các quan chức khác của Wolfsburg mới có thể đưa ra quyết định cuối cùng, cho thấy rằng CLB này đã phải cân nhắc rất kỹ càng với trường hợp của tiền vệ người Brazil. Không chỉ vì anh là một cầu thủ giỏi, mà còn là một mẫu cầu thủ ưa thích của ông Magath.
Tất nhiên là không phải ưa thích vì thói vô kỷ luật (Magath thì luôn quản trị đội bóng theo kiểu doanh trại quân đội). Diego đáng ra có thể trở thành một mắt xích rất quan trọng trong lối chơi của Wolfsburg, nếu anh tỏ ra tôn trọng tập thể và hạ thấp cái tôi của mình xuống một chút. Tiền vệ người Brazil, một mẫu “số 10” điển hình, thuộc diện cầu thủ mà ông Magath hay sử dụng làm trung tâm để xây dựng lối chơi. Cách chơi của các đội bóng ông Magath dẫn dắt, dù có thấm đẫm tính kỷ luật bao nhiêu đi chăng nữa, thì vẫn chừa một khoảng trống lớn cho một cầu thủ sáng tạo nổi bật được quyền tự do “hít thở”. Họ được quyền cầm bóng lâu, đột phá, quyết định các hướng tấn công, và hãm nhịp cho đội bóng, bằng cách chuyền ngược về cho các tiền vệ trung tâm phía sau “bảo quản” nó.
Các CLB ông Magath từng dẫn dắt luôn có một dạng cầu thủ như thế. Đó là tiền vệ người Áo Andreas Herzog, khi ông Magath còn “cầm” Bremen vào mùa 1998-1999. Ở Stuttgart sau này, cầu thủ người Belarus Aliaksandr Hleb được trao trách nhiệm này. Sang Bayern, ông Magath có một thủ lĩnh lối chơi hoàn hảo là Michael Ballack. Hai mùa trước, ông đưa Wolfsburg lên đỉnh Bundesliga với vai trò trung tâm trong hệ thống chiến thuật thuộc về tiền vệ sáng tạo người Bosnia Zvjezdan Misimovic. Ở Schalke, Magath đặt trọng trách ấy lên vai Ivan Rakitic, và chỉ hai tháng sau khi tiền vệ này bị bán sang Sevilla, Magath cũng bị sa thải.
Diego là một mẫu cầu thủ xứng đáng được đặt vào vị trí trung tâm như thế, với sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật, khả năng sáng tạo, tư duy bao quát và sự bùng nổ. Thực tế, tiền vệ người Brazil là chất liệu phù hợp cho triết lý xây dựng lối chơi của Magath, người luôn đề cao vai trò của một nhạc trưởng trên sân. Nhưng điều mâu thuẫn là cá tính bất trị của Diego lại đi ngược với triết lý quản trị bằng kỷ luật của Magath, và lần này, ông đã chấp nhận hy sinh thói quen xây dựng lối chơi của mình, để bảo vệ triết lý quản trị ấy. Nhưng đổi lại, ông sẽ phải rất đau đầu từ nay cho đến khi kỳ chuyển nhượng kết thúc, hòng tìm ra một “playmaker” (cầu thủ kiến tạo lối chơi), để duy trì triết lý về lối chơi của mình.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)